Đang trong cuộc hành trình thao thiết chảy về phía biển, đến đoạn cuối, trước khi gặp đầm Thị Nại, sông Hà Thanh trìu mến buông mình. Ở đó, đọng lại những dưỡng chất phù sa qua năm qua tháng, mà nên hình một dải đất ven đầm Thị Nại. Mỗi lần đến đây, tôi không thôi tự hỏi, tại sao, cái doi dất nhỏ nhoi của phường Đống Đa này lại quật cường như vậy trước mũi súng quân thù…
|
Nuôi cua lột trên đầm Thị Nại |
1. Về Hưng Thạnh, ướm bàn chân men theo những bờ đầm dọc ngang tôi như hãy còn nghe âm âm những trận chiến vang dội thuở xưa. Anh Nguyễn Văn Học, người đại đội trưởng năm xưa của Đại đội đặc công 598, nay đã là cư dân Hưng Thạnh, cùng dạo bước bên tôi tâm tình: "Xưa, toàn bộ vùng này toàn đước, giá, mắm. Hồi kháng chiến, dưới bóng những tán cây này, là những đoàn quân đêm đêm từ căn cứ Núi Bà (Phù Cát) vượt đầm, ém quân để làm bàn đạp tấn công Quy Nhơn".
Thời ấy, cả thôn Hưng Thạnh chỉ vẻn vẹn 500 nhân khẩu, với hơn 100 hộ. 10 người dân đã có 8 làm nghề "bán lưng cho trời" tạo ra hạt muối, kiếm sống. Mà hạt muối làm ra bán đâu có dễ, vì địch ngăn cấm, cho bán muối là đi tiếp tế cộng sản. Nước uống thì phải gánh và chuyển bằng thuyền cả 4 cây số. Để đánh địch chỉ còn biết dựa vào một hàng rào vững chắc là lòng người Hưng Thạnh. Và cái địa danh ấy trở thành một căn cứ thép nằm ngay trước mũi súng địch.
Năm 1965, đồng chí Biên Cương đang là Bí thư Thị ủy Quy Nhơn về Hưng Thạnh để khảo sát tình hình, đã căn dặn: "Hưng Thạnh là bàn đạp, là cửa ngõ vào Quy Nhơn. Quy Nhơn giải phóng thì Hưng Thạnh mới được giải phóng. Do đó, Hưng Thạnh phải là căn cứ thép, không phải bằng bê tông cốt sắt mà bằng ý chí sắt thép của lòng dân".
Ôi, lòng dân Hưng Thạnh thì trăm người như một vậy nên cái thôn nhỏ ấy cứ hư hư thực thực mà nằm trường kỳ bên lòng địch. Đó là nơi ánh mắt người dân dõi theo từng trận đánh, để náo nức với từng chiến công và đón bộ đội rút về. Đó là nơi nhân dân đã trả lời, bằng trí tuệ và hành động riêng của mình. Gia đình má Phạm Thị Mười là một ví dụ. Trong căn nhà nhỏ tại một con hẻm nằm trên con đường Tháp Đôi, dòng hồi ức đưa má trở về với kỷ niệm sục sôi những tháng ngày đánh giặc. Má kể: "Hồi đó, mấy đứa con của má đều thoát ly, cơm nhà áo mẹ. Mình má vừa cáng đáng hết, vừa nuôi mấy đứa con, vừa đào hầm ngay trong nhà để nuôi giấu cán bộ. Ngay cả khi nhà bị cháy, phải chạy chỗ này, chỗ kia, nhưng nếp nhà vừa lợp tạm lên là dưới đã đào hầm". Còn theo ông Đinh Bá Lộc, nguyên Chính trị viên Tỉnh đội, toàn thôn Hưng Thạnh hồi đó tính ra đã có 25 hầm nuôi giấu cán bộ và 2 căn hầm lớn để họp. "Mình vẫn chưa thể quên tình cảm bà con Hưng Thạnh hồi đó. Cuộc sống vất vả lắm, nhưng bà con vẫn thường xuyên tiếp tế, nuôi giấu bộ đội".
Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, cả thôn như có hội, nhất là vào đêm. Nơi này thì phân phát tài liệu, xóm kia nhận quân phục lính ngụy được cơ sở trong thị chuyển ra để bộ đội cải trang, xóm nọ thu mua, vận chuyển lương thực… Hưng Thạnh một mặt đón bộ đội đánh từ Quy Nhơn về, mặt khác bố trí bộ đội đánh vào đèo Son, kho xăng Phú Hòa. Ông Phan Trọng Thể, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 50, kể: "Tối 30-1, chúng tôi tập trung tại Vinh Quang (Phước Sơn) làm lễ xuất quân. Tất cả quàng khăn đỏ, thề Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, có anh đang sốt rét, vẫn nằng nặc xin đi chiến đấu. Anh em hừng hực khí thế quyết tâm. Sau đó, chúng tôi xuôi theo bờ đê khu Đông, tiếp cận thôn Hưng Thạnh, rồi men bờ đước, mắm mà hành quân, lấy tán cây làm ngụy trang, hành quân đánh vào đồn Bạch Đằng, bến xe, lầu bà Đệ, nhà Ga". Còn trong chiến dịch mùa xuân 1975, Sở chỉ huy tiền phương tỉnh đội đóng ngay ở phía Bắc bến đò (cầu xi măng bây giờ). Những ngày ấy, thôn Hưng Thạnh không ngủ để lo phục vụ kịp thời cho sự chỉ đạo.
2. Trở lại Hưng Thạnh vào tháng 3 này, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Học dẫn đi thăm từng ruộng muối, bờ tôm đang góp phần trong sự đổi thay của Hưng Thạnh. Anh Học là người đất Bắc, đã gắn bó với Hưng Thạnh ngay trong những ngày tháng gian khổ mà ác liệt nhất của cuộc chiến. Hòa bình, anh Học ở lại với quê hương mới. "Mỗi bờ nước, mỗi gốc cây ở đây đều gắn với kỷ niệm, tôi không sao rời đi cho đặng" - anh Học nói. "Vui nhất là thấy vùng đất năm xưa bom cày đạn xới, mảnh đất mình đã từng gắn bó, những con người đã từng nuôi mình bằng hạt lúa, củ khoai, nay đang dần đổi đời. Có nhiều điều mà hồi xưa nằm mơ cũng không thể hình dung nổi. Ai mà ngờ được trên cái mặt đầm mà hồi xưa đặc công nước tụi mình vẫn phải bơi vượt để đánh cầu cảng Quy Nhơn rồi đây sẽ có hiển hiện một cây cầu vắt ngang…".
Trong ánh mắt anh Học, cũng như những người Hưng Thạnh khác, tôi đọc thấy niềm vui trước bóng dáng công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Nhưng vui hơn với họ là cùng với dự án cầu đường này, đảo 1 đã được quy hoạch thành khu tái định cư bắc sông Hà Thanh diện tích 22,6 ha, định cư cho 711 hộ dân. Ngoài các chung cư, sẽ có các công trình công cộng khác như giao thông, chợ, trường học… và dành hẳn 25.000 m2 cho khu dịch vụ nghề cá như cơ sở chế biến, sân phơi, điểm sửa chữa tàu thuyền… Lại nữa, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Quy Nhơn của Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn (Bộ Xây dựng) sẽ có một công viên Hà Thanh nằm hai bên bờ sông Hà Thanh với diện tích 50 ha là khu vui chơi giải trí. Nhưng chẳng nói đến những dự án nào xa xôi, từ trước Tết 2004, người dân tổ 47, 48 khu vực 9 đã thật hoan hỷ đón nhận những dòng nước máy đầu tiên.
3. Người Hưng Thạnh hôm nay, tất nhiên, vẫn chưa qua hết những khó khăn. Ngay cả những người nằm trong vùng giải tỏa của dự án, chấp nhận di dời đã là chấp nhận một thiệt thòi. Rồi tương lai nghề nghiệp của những con người vốn suốt một đời chỉ gắn với con tôm, con cá… Dọc theo những con đường ôm lấy những bờ nước, chúng tôi dừng bước trước một ngôi nhà nhỏ. Hai bố con anh Lư đang sửa lại tấm lưới. Anh Lư nói: "Nhiều người đã bỏ vào Quy Nhơn đi câu, bốc xếp, làm cốp pha… Rủ tôi đi, nhưng tôi chịu. Bỏ ruộng vườn đi sao được. Cứ bám lấy đất được ngày nào hay ngày ấy". Và không chỉ mình anh Lư, cư dân cả khu vực 9 ngoài này chừng như vẫn miệt mài với những con tôm, mẻ cá. Dẫu con tôm ở đây bấp bênh, vì chủ yếu vẫn là nuôi quảng canh, số ít nuôi bán thâm canh, nhưng con tôm cũng đã đem lại ước mơ đổi đời cho không ít hộ gia đình. Còn anh Nguyễn Ngọc Châu, một người dân gần đó, thì cho biết: "Gay nhất với diêm dân tụi tui là muối làm ra rất khó tiêu thụ. Chẳng biết làm sao khi mà đầu ra đang ngày càng khó, giá thì rớt liên tục". Trong câu chuyện với những người dân Hưng Thạnh khác, tôi đã nhận ra một điều, phải chăng, người Hưng Thạnh đã nhận lấy gian khó để vun vén cho tương lai.
4. Không hiểu sao, trên bàn chân ngập ngụa bùn đất, dưới bóng những cây đước, cây giá và mắm, cảm giác trong tôi lại dậy lên, lâng lâng như đang lần đặt chân trên đất Mũi. Vẫn là cảm thức về sự miệt mài những dòng sông, cái bền bỉ và cần mẫn bám đất của người; lại nữa, là hồn vía của đất đai lên tiếng. Lịch sử đã phân nhiệm và tôi luyện cho vùng đất này như vậy để trở thành một vùng căn cứ thép. Cầm trên tay trái đước nhỏ, hốt nhiên trong tôi ngập tràn một niềm cảm mến sâu xa. Đước là người lính tiên phong, giành và níu giữ lấy hạt phù sa cho người. Và khi con người đã đặt đôi bàn chân đẫm ướt đầm lầy, đước thu mình, khép tán, ủ bóng mát những mái nhà, cho những cuộc đời. Trong bóng dáng cây đước cố cựu đang kiềng chân bám trên mặt đất mặn, tôi như cảm nhận thấy cái khí chất người Hưng Thạnh, anh dũng, kiên cường, chấp nhận mọi gian khổ để bám trụ, hết lòng vì nghĩa lớn.
. Lê Viết Thọ
|