Sau 3 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", công tác xây dựng gia đình văn hóa ở Bình Định phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng, luôn gắn liền với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
|
Nhà rông, một thiết chế văn hóa đang được khôi phục |
Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 272.100 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa được các cấp công nhận, chiếm hơn 86% so với tổng số gia đình trong toàn tỉnh, trong đó UBND tỉnh đã công nhận 248 danh hiệu gia đình văn hóa, nâng tổng số lên 653 gia đình văn hóa cấp tỉnh. Công tác xây dựng nếp sống văn minh, nhất là việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh nhìn chung trong những năm qua đã thực hiện nghiêm túc. Toàn tỉnh hiện có hơn 80 lễ hội với qui mô, tính chất lớn nhỏ khác nhau ở các cấp, trong đó phát huy tốt nhất là lễ hội truyền thống.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện đã có 501 khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến, chiếm tỷ lệ gần 48% tổng số khu dân cư. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư" đã góp phần đắc lực cho việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong thời gian qua, nhất là việc phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khẳng định lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, động viên nội lực của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư, giải quyết những bức xúc của cộng đồng, cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Cuộc vận động này là cơ sở vững chắc cho việc phấn đấu bình chọn làng, khu phố văn hóa.
Nếu như năm 2000, ngoài 4 làng văn hóa được Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo xây dựng điểm của tỉnh, còn có 11 làng đăng ký xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa; thì đến năm 2003, toàn tỉnh có thêm 154 làng, khu phố đăng ký xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa; nâng tổng số làng, khu phố toàn tỉnh đã đăng ký lên đến 650. UBND tỉnh đã công nhận 23 danh hiệu làng văn hóa, khu phố văn hóa. Như vậy tính đến nay, Bình Định đã có 45 danh hiệu làng văn hóa, khu phố văn hóa cấp tỉnh.
Đáng chú ý, công tác vận động khôi phục thiết chế nhà rông, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ở các bản làng dân tộc thiểu số được chú trọng. Đến nay toàn tỉnh có trên 55 nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây thực sự là trung tâm sinh hoạt văn hóa của bản làng trong quá trình xây dựng làng văn hóa.
Trong những năm qua, điểm Bưu điện văn hóa xã cũng phát triển mạnh về số lượng và khai thác có hiệu quả chức năng hoạt động. Toàn tỉnh có 99 điểm bưu điện văn hóa xã đi vào hoạt động. Tại các điểm bưu điện văn hóa xã, trung bình có khoảng trên 160 đầu sách, tạp chí. Phần lớn các tạp chí, tập san, tờ tin của các ngành, hội đoàn thể trong tỉnh đều phát hành đến tận các cơ sở này nhằm phục vụ bạn đọc ở cơ sở. Số tủ sách, thư viện làng, khu phố lên đến 236 cơ sở với tổng số sách ước tính khoảng 252.000 cuốn.
650 làng, khu phố đăng ký xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa đều có qui ước văn hóa được UBND huyện, thành phố phê duyệt. Quy ước xây dựng làng, khu phố văn hóa, ngoài quy định chung, các nội dung khác hầu như đều thể hiện rõ nét về phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương. Các hoạt động văn hóa làng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội được nhiều làng, khu phố quan tâm và từng bước khôi phục nét văn hóa làng tốt đẹp; các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao ở các địa phương tiến hành xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa đều được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và đạt được những thành quả đáng kể.
Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang đã sử dụng vườn cây cảnh gắn với phong trào sáng-xanh-sạch-đẹp, tạo cảnh quan môi trường văn hóa trong đơn vị. Năm 2003, việc xây dựng đơn vị văn hóa trong toàn tỉnh có chú trọng cả về nội dung lẫn hình thức của phong trào, cũng như thủ tục tiến hành, tiêu chí phấn đấu của đơn vị, nhờ đó số lượng đơn vị đăng ký lên đến 605 trong tổng số 2.000 cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh. Kết quả phong trào này, đến nay ở Bình Định đã có 29 danh hiệu đơn vị văn hóa cấp tỉnh và 54 danh hiệu được Tổng Liên đoàn lao động công nhận.
Có thể nói, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa, đơn vị văn hóa trong hơn 3 năm qua đã phát triển rộng khắp từ đô thị đến nông thôn, miền biển, miền núi. Qua kết quả của phong trào, bộ mặt nông thôn và đô thị có nhiều đổi mới. Các thiết chế văn hóa như khu sinh hoạt văn hóa thể thao, thư viện, sân hoạt động thể dục - thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng ngày càng nhiều và hiệu quả. Phong trào bê tông hóa đường nông thôn, ngõ hẻm đô thị triển khai lên đến hàng trăm cây số. Nhiều lễ hội truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát huy, đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội. Nhiều địa phương đã tích cực thực hiện và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Hầu hết các địa phương xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa đã xóa hộ đói, giảm hẳn số lượng hộ nghèo, thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, coi trọng tình tương thân tương ái, kinh tế ngày càng ổn định và phát triển.
. Khánh Hoàng
|