Suy nghĩ về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, tôi nhận thấy có điều rất đặc biệt. Đó là một sự nghiệp cách mạng có ý nghĩa rất to lớn của một đời người rất ngắn ngủi.
|
Tượng đài Trần Phú vừa được hoàn thành tại Hà Tĩnh - quê hương của đồng chí |
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 và mất ngày 6-9-1931. Ngày 1-5-1904 có thể là ngày ghi trong giấy khai sinh còn theo đồng chí Lưu Phương Thanh sưu tầm thì trong gia phả ghi: "Trần Phú niên sinh Quý Mão, thất nguyệt, sơ tam nhật, tuất khắc" (năm Quý Mão tháng bảy, ngày mùng ba, giờ Tuất) tính theo Dương lịch là ngày 25-8-1903 (1). Nhưng với ngày sinh nào thì đời người của đồng chí Trần Phú vẫn rất ngắn ngủi, chỉ khoảng 27-28 tuổi. Nếu tuổi lập thân của một đời người thông thường là 30 tuổi, thì đồng chí Trần Phú chưa sống đến tuổi lập thân. Về tuổi Đảng thì chỉ có 1 năm, 7 tháng, 3 ngày. Nếu kể thời gian từ lúc được kết nạp vào Cộng sản đoàn trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tháng 8-1926, thì cũng chỉ 5 năm.
Thế nhưng với tuổi đời, tuổi Đảng rất ngắn ngủi đó, đồng chí đã làm được nhiều việc lớn cho Đảng, đáng ghi là những điểm son trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trước hết, tiếp sau đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú là người có công xây dựng nên Đảng ta ở thuở ban đầu, mà vạn sự khởi đầu thường rất khó. Cái khó lớn nhất là một đảng phải đương đầu với kẻ thù rất hung bạo, phải hoạt động rất bí mật nhưng phải gây được ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng, phải sống trong quần chúng và dựa vào quần chúng mà sống. Trước khi về nước hoạt động, trong lúc còn học ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú lại đã bị xử tử hình vắng mặt, trong một phiên tòa ở thành phố Vinh (Nghệ An). Khó khăn nữa là Đảng lại được hình thành từ sự hợp nhất của ba tổ chức: An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, trong đó có không ít vấn đề còn chưa nhất trí. Còn khó hơn nữa là tiếp tục sự nghiệp xây dựng Đảng, trong lúc các vấn đề về xây dựng Đảng được Nguyễn Ái Quốc giải quyết đúng, nhưng bị Quốc tế Cộng sản cho là sai và phê bình rất gay gắt. Nhưng được sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú trên cương vị Tổng Bí thư đã tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
Một cống hiến rất lớn trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú phải kể tới là đã thảo ra bản Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bản Luận cương đã nêu được những vấn đề cơ bản như:
a) Ở Đông Dương có 2 mâu thuẫn: "đó là mâu thuẫn giữa yêu cầu của xứ Đông Dương được phát triển một cách độc lập với chế độ thuộc địa, và mâu thuẫn giai cấp giữa một bên là thợ thuyền, dân cày và các phần tử lao khổ, một bên là địa chủ phong kiến, tư bản và đế quốc chủ nghĩa".
b) "Phong trào công nông ở Đông Dương phát triển có tính chất độc lập rất rõ rệt chứ không phải chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia như lúc trước".
c) "Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, giai cấp vô sản và nông dân là 2 động lực chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được".
d) "Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc".
e) Về cách tranh đấu "Không chú ý đến những sự nhu cầu và sự tranh đấu hàng ngày của quần chúng là rất sai lầm. Mà nếu chỉ chú ý đến những mục đích lớn của Đảng cũng là rất sai lầm". "Vũ trang bạo động không phải là việc thường, chẳng những là theo hình thế trực tiếp cách mạng mà lại phải theo khuôn phép nhà binh".
f) "Vô sản Đông Dương phải liên lạc mật thiết với vô sản thế giới nhất là vô sản Pháp... với quần chúng ở các thuộc địa nhất là ở Tàu và Ấn Độ... Trong công tác, Đảng phải liên lạc mật thiết với Đảng Cộng sản Pháp, Tàu và Ấn Độ".
Việc xác định được những vấn đề cơ bản như trên có ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề xây dựng Đảng.
Luận cương chính trị có một số hạn chế là chưa nêu rõ mâu thuẫn dân tộc là chủ yếu, chưa tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chưa đánh giá đúng vai trò của giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc và một bộ phận của giai cấp địa chủ, chưa đề cập đến vấn đề lập Mặt trận dân tộc thống nhất.
Nhưng những hạn chế này đã sớm được khắc phục.
Luận cương chính trị được chính thức thông qua ở cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất vào ngày 31-10-1930 thì đến ngày 18-11-1930 qua theo dõi phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh, Ban Thường vụ Trung ương đã ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh (2). Chỉ thị nêu rõ: "Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật đông, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công. Rộng là toàn dân cùng đứng trong một mặt trận chống đế quốc và tụi phong kiến làm tay sai phản động hèn hạ. Kín là đặt để công nông trong bức trường thành dân tộc phản đế bao la".
Trong chỉ thị này đã có nhận xét là trong tổ chức cách mạng còn "thiếu Mặt trận tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các từng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, họ là tầng lớp trên hay ở vào lớp giữa cũng vậy và cho tới cả người địa chủ có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn độc lập quốc gia để đưa tất cả những từng lớp và cá nhân đó vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp".
Như vậy là, chỉ 18 ngày sau khi Luận cương chính trị được chính thức thông qua, quan điểm đúng của Nguyễn Ái Quốc trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt đã được mặc nhiên thừa nhận trở lại.
Cùng với phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh, Luận cương chính trị còn có ý nghĩa to lớn là từ đó mà được Hội nghị Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI họp ngày 11-4-1931 ra quyết nghị: "Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản". Giành được sự công nhận của Quốc tế Cộng sản đối với một đảng mới được thành lập là thêm được thế mạnh và sức mạnh rất lớn.
Ngoài việc xây dựng tổ chức, xây dựng đường lối chính trị, tranh thủ sự thừa nhận của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú còn để lại một tấm gương sáng của một người chiến sĩ cộng sản, sống oanh liệt, chết vẻ vang.
Ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú sa vào tay giặc. Bọn địch đã tra khảo đồng chí bằng nhiều hình thức ác độc trong nhiều tháng liền, nhưng đồng chí vẫn giữ một lòng kiên trung, bất khuất. Khi bọn địch hỏi: "Ông là Tổng Bí thư, hẳn phải biết nhiều điều bí mật?". Đồng chí Trần Phú ngang nhiên trả lời: "Tôi biết là để phục vụ cho Đảng tôi, chứ không phải để cung cấp cho các người".
Bị tra tấn cực hình, đồng chí mắc bệnh lao. Khi địch đưa đồng chí vào nhà thương Chợ Quán, bị ra máu nhiều nên kiệt sức. Ngày 6-9-1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi vĩnh biệt, đồng chí còn chăm lo đến việc xây dựng Đảng, nhắn lại các đồng chí đang bị địch bắt: "Hãy giữ vững ý chí chiến đấu!".
Tiếp thu và thực hiện theo di chúc đó, đồng chí Trần Phú người Tổng Bí thư kính yêu của chúng ta sẽ còn sống mãi với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta và trong mỗi chúng ta.
. Trần Trọng Tân
(Báo Sài Gòn Giải Phóng)
(1) Sách "Những người con trung dũng của thành phố" NXB TPHCM 1987.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, tập II, trang 227. |