* Giải quyết đối tượng còn tuổi lao động: bế tắc
Ông Nguyễn Nghĩa (phường Gành Ráng, Quy Nhơn) khoảng 40 tuổi, là một "Chí Phèo" của địa phương, chuyên lang thang, quậy phá, ăn cắp và sống vạ vật ở vỉa hè nhà dân. Năm 2003, trong một đợt thu gom, ông Nghĩa được tạm thời đưa lên tập trung ở Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh (GDLĐXH). Sau đó Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã có công văn gởi xuống phường Gành Ráng và TP Quy Nhơn yêu cầu địa phương giải quyết theo tinh thần của Đề án đã nêu nhưng địa phương từ chối không nhận. Bà Hoàng Thị Kiều Ngân, cán bộ phụ trách Lao động - Xã hội phường Gành Ráng cho biết lý do: "Địa phương và phòng Tổ chức Lao động - Xã hội TP Quy Nhơn nhiều lần tìm biện pháp giải quyết nhưng không hiệu quả. Chúng tôi không thể thu xếp được chỗ ở cho ông Nghĩa. Còn việc làm, chúng tôi đã liên hệ với Công ty Công viên Chiếu sáng và Cây xanh để xin cho ông ấy làm nhưng không được chấp nhận".
Ngoài ông Nghĩa, còn thêm hai trường hợp tương tự nữa của ông Lưu Minh Tài (phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn) và Nguyễn Năm (xã Cát Chánh, Phù Cát). Các trường hợp này không thuộc dạng được đưa vào các cơ sở xã hội vì còn trong độ tuổi lao động, còn sức lao động. Nhưng khi đưa về địa phương không có việc làm, chỗ ở, họ tái lang thang và lại bị thu gom. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Phòng Tổ chức - Lao động - Xã hội TP Quy Nhơn, phân trần: "Tạo việc làm cho họ thì có thể được nhưng còn thu xếp chỗ ở thì không thể".
Tuy nhiên, phải nói thêm rằng đây là những đối tượng chuyên quậy phá, có tiền sự nên khó giải quyết. Do vậy, nhiều tháng qua các ông Tài, Nghĩa và Năm vẫn phải ở tại Trung tâm GDLĐXH tỉnh. Trong khi đó, theo quy định thì Trung tâm này không được quyền giữ họ quá sáu tháng. Theo ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: "Sẽ trả họ về quê, nếu họ tái lang thang thì sẽ thu gom lại. Chúng tôi chưa có cách giải quyết nào khác ổn thỏa hơn".
* Và nỗi lo "cái bang" ngoài tỉnh
Trong tổng số 258 người được thu gom, người ngoài tỉnh chiếm khoảng 100. Tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, trong số 31 người thu gom được đưa vào, có đến 18 người tỉnh khác. Còn tại Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn, tỷ lệ này chiếm khoảng trên 20%. Đây là một vấn đề khó giải quyết khi các cơ sở xã hội của tỉnh đã và đang trong tình trạng quá tải.
Các địa phương ngoài tỉnh triển khai đón người thường chậm trễ. Thời gian kể từ khi tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân đến lúc tiếp nhận họ về địa phương phải mất ít nhất từ 3-4 tháng. Thậm chí có địa phương cũng chẳng màng đến việc hồi âm. Đó là chưa kể đến các đối tượng hồi hương được một thời gian, lại tiếp tục lang thang tại Quy Nhơn. Chẳng hạn như trường hợp của em Đinh Thị Xoài 16 tuổi người huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Em này trước sống lang thang ở Quy Nhơn. Tháng 8-2003, Xoài được huyện Kbang đón về. Nhưng chỉ được một thời gian Xoài lại tiếp tục xuống Quy Nhơn, tụ tập với một đám trẻ bụi đời. Mới đây Xoài lại bị thu gom tiếp nhưng lần này cô khai tên là Đinh Thị Hoa (!)
Hiện nay, số người lang thang xin ăn ngoài tỉnh đến Bình Định có chiều hướng tăng bởi các tỉnh khác cũng đang thực hiện việc thu gom. Họ thường đi tàu đến ga Diêu Trì, hoặc xuống xe tại ngã ba Cầu Bà Di (Tuy Phước) rồi từ đó tản ra, xuống Quy Nhơn hoặc các nơi khác xin ăn. Trước tình hình này, ngành chức năng đã phải nhờ đến công an địa phương phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra tạm vắng, tạm trú; nếu những đối tượng này đến Quy Nhơn để làm ăn bất chính thì kiên quyết xử lý, cảnh cáo và trục xuất khỏi địa phương, yêu cầu họ về nơi cư trú.
* Giải pháp nào cho có hiệu quả?
Thực tế đã nêu cho thấy giải quyết triệt để nạn người xin ăn lang thang là vấn đề không thể làm trong "một sớm, một chiều". Song theo bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm GDLĐXH tỉnh: cần phải thu gom thường xuyên chứ không nên chỉ tập trung vào những đợt cao điểm. Nhiều đối tượng biết nên tránh xuất hiện vào những ngày cao điểm, chờ cho tình hình yên họ mới "tái xuất giang hồ". Như vậy, hiệu quả sẽ không cao. Ngoài ra, địa phương cũng cần phải có trách nhiệm phối hợp đồng bộ với các ngành chức năng trong việc giải quyết các đối tượng này. Nếu họ không còn gia đình, người thân hoặc còn sức lao động thì phải giao cho địa phương quản lý, quan tâm tạo điều kiện cho họ có việc làm và chỗ ở.
Nếu thực hiện được các vấn đề như bà Cúc đã nêu, có thể tình hình sẽ đỡ hơn rất nhiều.
. Thu Hà |