Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, kể lại sự việc ông thảo lời đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh và lời chấp nhận của Cách mạng trước việc đầu hàng ấy vào trưa 30-4-1975.
12 giờ trưa ngày 30-4 cách đây 29 năm, chúng tôi đưa Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh Sài Gòn để ông tuyên bố đầu hàng. Chúng tôi đi bằng hai xe Jeep (chiến lợi phẩm từ miền Trung), xe đầu có ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng của chính quyền ngụy. Bên ta có đại úy Thệ đi kèm. Xe sau có tôi và một chiến sĩ bảo vệ. Thấy xe rộng, Hà Huy Đỉnh, phóng viên tự do ở Sài Gòn và nhà báo Tây Đức Von Bories Gallach, xin đi theo lấy tin, tôi cho lên xe đi cùng.
Nhân viên đài trốn hết, thấy ông Minh, một số sinh viên, thanh niên xuống đường theo vào. Tôi đã nhờ các anh đi tìm nhân viên đài về làm việc.
|
Bác Tôn Đức Thắng ôm hôn đồng chí Bùi Văn Tùng tại phòng khánh tiết dinh Thống Nhất ngày 17-5-1975 |
Tôi và ông Minh ngồi trên chiếc ghế dài trong phòng khách. Ông Minh ngồi im lặng, mắt lim dim. Tôi cũng rất mệt do nhiều đêm mất ngủ, ngồi yên là mắt díu lại và giấc ngủ khó cưỡng lại được. Một chuỗi suy nghĩ ập đến: khi tôi và anh Tài (lữ trưởng) bước lên tiền sảnh thì Phạm Duy Đô từ trong tòa nhà chạy ra báo cáo: cả nội các lẫn tổng thống đều có bên trong mời các thủ trưởng vào giải quyết. (Đô là đại đội trưởng đặc công đã hoàn thành giữ cầu xa lộ sông Đồng Nai).
Khi chúng tôi bước vào, ông Minh đứng dậy và nói: "Chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao". Một phản ứng tự nhiên tôi đáp: "Các ông còn gì để mà giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện". Sau đó, tôi quay sang ông Minh và nói: "Anh tuyên bố đầu hàng là phải nói theo những điều kiện của chúng tôi". Ông Minh đáp: "Ông muốn những điều kiện nào xin ghi cho". Sẵn tập pơ-luya xanh nhạt trên bàn tôi lấy một tờ và rút bút ra. Chỉ hơn một phút là tôi đã thảo xong. Ông Minh vừa xem vừa suy nghĩ, cuối cùng ông đề nghị bỏ hai chữ "tổng thống". Qua tranh luận, ông phải chấp thuận giữ nguyên. Tôi nói đây là bản thảo của tôi còn lời tuyên bố đầu hàng thì phải tự tay ông chép lại.
Trong khi ông Minh chép, tôi lại suy nghĩ tiếp: có kẻ đầu hàng thì phải có người chấp nhận sự đầu hàng ấy, nếu không có thể có người lầm tưởng ông Minh có thiện chí đơn phương đầu hàng, họ có biết đâu rằng quân giải phóng đã dùng cả lữ đoàn xe tăng đánh chiếm phủ tổng thống mới buộc được tổng thống đầu hàng. Tôi lấy tờ pơ-luya khác thảo lời chấp nhận đầu hàng. Thảo xong tôi thấy thiếu một ý quan trọng là phải tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Tôi gạch ngay đoạn trên và thảo lại.
Khi về đơn vị được anh em cho biết có một cán bộ cấp cao phê phán việc tôi đưa ông Minh ra khỏi dinh Độc Lập. Tôi nghĩ, tôi làm theo lời dặn thêm của Thiếu tướng Tư lệnh quân đoàn Nguyễn Hữu An khi giao nhiệm vụ: chiếm xong dinh, đồng chí Tài phải bố trí phòng quân địch phản kích từ bên ngoài, đồng chí Tùng giải quyết công việc trong dinh khi chúng tôi chưa vào kịp. Cục Chính trị quân đoàn lấy ngay hai bản thảo, lục tìm mãi mới thấy chúng bị vo tròn lại trong túi quần.
Ngày 3-5, tại cuộc họp quân chính ở quân đoàn, bắt đầu cuộc họp, thủ trưởng An nói: "Hôm nay giải oan cho đồng chí Tùng (có thể anh nói vui vì tôi bị phê phán tại dinh Độc Lập). Hôm qua tôi họp ở Bộ chỉ huy chiến dịch. Anh Thọ, anh Hùng rất khen đồng chí Tùng thảo lời đầu hàng cho Dương Văn Minh chính xác và đọc lời chấp nhận giọng dõng dạc của người chiến thắng. Qua tôi, các anh gởi lời khen đồng chí Tùng". Cả cuộc họp vỗ tay đồng tình.
Ngày 17-5, tại phòng khánh tiết dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ) đại biểu đại diện năm cánh quân đón Bác Tôn vào thăm, tôi được Đại tướng Văn Tiến Dũng cử thay mặt cán bộ, chiến sĩ nhận vòng tay và cái hôn của Bác. Cúi xuống nhận cái hôn của Bác mà nước mắt tôi chảy nhòa sang má Bác vì quá xúc động. Trong cuộc chiến này đã có hàng ngàn người trở thành liệt sĩ và biết bao anh hùng. Họ mới xứng đáng nhận cái hôn của Chủ tịch nước. Với tôi, việc làm của mình chỉ là trách nhiệm của người cán bộ chính trị quân đội bình thường…
. Theo Nhân Dân |