Những bà mẹ xứ dừa
15:55', 30/4/ 2004 (GMT+7)

Hoài Nhơn bây giờ là dải đất xanh vườn, tốt ruộng. Những làng xóm thanh bình dưới bóng dừa xanh; những đồng lúa, vườn bòng như ngày càng xanh thêm trong làn nắng mới. Sự trù phú ngọt ngào ấy đã tạo cảm giác mời gọi, níu kéo và làm cho người ta khó hình dung được nơi đây, trước kia lại là vùng đất bị chiến tranh tàn phá ác liệt. Biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống mảnh đất này. Giờ chiến tranh đã đi qua gần 30 năm, nhưng nỗi đau của những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng từng đêm vẫn còn nhức nhối!

Cách đây gần mười năm, tôi đã một lần về Tam Quan Bắc thăm mẹ Võ Thị Tánh trong dịp mẹ dọn về ngôi nhà tình nghĩa mà địa phương vừa xây cho. Ngôi nhà với sân, vườn thênh thang mà sức mẹ thì quá nhỏ. Nỗi đau, nỗi đơn chiếc đã đè nặng lên tấm lưng còng và cuối cùng mẹ đã ra đi khi dọn về nhà mới chưa đầy hai năm. Trong danh sách 620 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu thì Hoài Nhơn đã có 240 mẹ với 43 người có từ 4 đến 6 con là liệt sĩ. Đứng đầu danh sách này, là mẹ Đặng Thị Ruộng ở xã Hoài Hương, mẹ Nguyễn Thị Siểng ở xã Hoài Mỹ và mẹ Võ Thị Tánh. Mẹ Đặng Thị Ruộng là cao tuổi nhất. Những năm cuối đời, mẹ nghễnh ngãng và không còn nhớ được những trường hợp hy sinh của 5 người con và một người cháu. Nỗi đau, nỗi gian khổ cực nhọc của mẹ đã dồn sang cho người con gái đầu giờ cũng đã quá tuổi bảy mươi.

Ở các xã: Hoài Thanh, Tam Quan, Hoài Tân, Hoài Châu… tôi cũng đã gặp nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng như vậy. Có mẹ giờ đã qua đời và hầu hết các mẹ đã già và đang cần có sự giúp đỡ của xã hội. Cùng hoàn cảnh như mẹ Đặng Thị Ruộng là các mẹ: Huỳnh Thị Hai, Huỳnh Thị Ân ở xã Hoài Thanh Tây, Đinh Thị Thìn, Nguyễn Thị Thận, Nguyễn Thị Gió… ở Tam Quan Bắc hoặc chị Trần Thị Sâm, thương binh mù hai mắt ở An Thái, Tam Quan Nam.

Là một chiến sĩ có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, chị Sâm đã bị thương trong một trận đánh trên quê hương xứ dừa và mãi mãi không còn được nhìn thấy ánh nắng mặt trời cũng như màu xanh bạt ngàn của vườn dừa quê chị khi vừa 22 tuổi. Nhà mẹ Huỳnh Thị Hai, Huỳnh Thị Ân và một số mẹ khác thì tôi đã ghé thăm. Còn chị Sâm, tôi chỉ tình cờ gặp chị tại Phòng Thương binh - Xã hội huyện Hoài Nhơn. Đối diện với gương mặt, sau nụ cười còn quá trẻ so với nỗi đau quá già mà chị phải gánh chịu, tôi bỗng thấy mình nhỏ bé trước cái biển mênh mông của sự hy sinh chịu đựng, của lòng yêu sống trong một trái tim vĩ đại biết nhường nào.

Khi ngồi viết những dòng này là tôi đã mắc lỗi với chị Sâm, với mẹ Hai, với má Ân... là vì các mẹ, các chị đã dặn tôi không cần nói gì nhiều về cuộc đời họ, về nỗi đau mà họ đã và đang gánh nặng trong tim, trên những đôi vai gầy còm, nhỏ bé. Bởi, như lời mẹ Huỳnh Thị Ân thì tất cả những nỗi đau mà các mẹ đang gánh chịu bây giờ đã lắng đọng vào trong máu, trong tim… Mẹ còn sống thì vết thương ấy vẫn còn và không có gì có thể xóa mờ được.

Cho nên mọi sự ưu đãi mà Đảng và Nhà nước dành cho các mẹ, các chị là biểu hiện của lòng tri ân đối với những người đã hy sinh cho đất nước. Sự quan tâm đó chỉ có thể làm dịu đi chứ không thể nào làm lành lặn vết thương nhức nhối trong trái tim của bao bà mẹ Việt Nam.

Trên đất nước này và trên quê hương Bình Định còn biết bao bà mẹ khác, còn biết bao nỗi nhức nhối trong trái tim đang cần chia sẻ… Mong sao các ngành, các cấp hãy quan tâm đến các mẹ, các chị nhiều hơn nữa, đừng để một trái tim nào cảm thấy lạc lõng cô đơn trong suốt quãng đời còn lại.

. Mai Thìn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng dưới chân núi Bà Bơi  (30/04/2004)
Vì sao tôi thảo lời đầu hàng cho tổng thống ngụy Sài Gòn?  (29/04/2004)
Gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa  (29/04/2004)
Đưa người lang thang về nhà: Còn lắm gian nan  (29/04/2004)
An Nhơn: Đất nghề quê lúa   (28/04/2004)
Một sự nghiệp cách mạng to lớn của một đời người ngắn ngủi  (27/04/2004)
Trường chuẩn quốc gia ở bậc mầm non: Đích đến còn xa   (26/04/2004)
Dùng công nghệ thông tin làm bàn đạp cho sự phát triển   (26/04/2004)
Tưng bừng ngày hội bầu cử  (25/04/2004)
Nhiều vụ việc tiêu cực đã được xử lý nghiêm túc  (25/04/2004)
Bầu cử HĐND các cấp: Công việc chuẩn bị đã hoàn tất   (23/04/2004)
Mở rộng các ngành và loại hình đào tạo   (22/04/2004)
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nóng bỏng một "mặt trận"   (21/04/2004)
Công tác xây dựng gia đình văn hóa phát triển mạnh về lượng và chất   (21/04/2004)
Nhiều giáo viên mầm non, mẫu giáo chưa được tham gia BHXH  (20/04/2004)