Từ những ngày đầu vào lập nghiệp ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã quan tâm đến hoạt động xuất nhập khẩu và kinh tế biển. Sự hình thành và phát triển rực rỡ của thương cảng Hội An là một minh chứng sinh động nhất về chính sách mở cửa, giao thương với bên ngoài. Các hoạt động vươn ra biển Đông khẳng định chủ quyền lãnh hải và khai thác biển đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được ghi chép tương đối đầy đủ, thống nhất trong các bộ sử ký của nhà Nguyễn cũng như trong các tài liệu của người nước ngoài.
Thích Đại Sán là một trong những vị cao tăng người Trung Quốc được chúa Nguyễn mời đến Thuận Hóa truyền đạo. Ông là người khai sáng chùa Thiền Lâm vào năm 1695, mở đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ, làm cố vấn chính trị cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông đến Thuận Hóa bằng đường biển, qua cảng thị Hội An. Khi trở về cố quốc ông đã viết cuốn Hải ngoại ký sự. Cuốn sách được xem là một cẩm nang đối với giới nghiên cứu Huế và nghiên cứu Quảng Nam. Đọc Hải ngoại ký sự có thể thấy từ thế kỷ 15-17, nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình trên một vùng lãnh hải rộng lớn, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thông qua các biện pháp: thu thuế tàu thuyền buôn nước ngoài; thiết lập đội Hoàng Sa hàng năm ra khai thác hải sản, tìm vớt cổ vật, hàng hóa ở những chiếc tàu bị đắm trên vùng biển này.
|
Hoàng Sa và Trường Sa qua An nam Đại quốc Họa đồ (năm 1838) - ảnh tư liệu |
Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726-1784) có 2 đoạn viết về Hoàng Sa: "Ở ngoài núi Cù Lao Ré (tức huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) có đảo Đại Trường Sa (tức quần đảo Hoàng Sa) ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi 3 ngày mới đến được đảo Đại Trường Sa... Ở trong các hòn đảo có bãi cát vàng, dài chừng hơn 30 dặm, bằng phẳng và rộng lớn, nước trong nhìn suốt đáy. Ở trên các hòn đảo có vô số tổ yến, còn các thứ chim thì kể có hàng ngàn, hàng vạn con... Bên bãi có rất nhiều vật lạ như ốc hoa, có thứ mang tên là ốc tai voi, lớn như chiếc chiếu... Lại có thứ ốc được gọi là ốc xà cừ, thứ ốc này để trang sức các đồ dùng... Có thứ đại mạo là con đồi mồi rất lớn. Có con hải ba (ba ba biển) cũng giống như con đồi mồi nhưng nhỏ hơn, mai mỏng, người ta dùng trang sức các đồ dùng...".
Lê Quý Đôn cho biết: Đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vinh (Quảng Ngãi) bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển. Ra đi từ tháng giêng. Ra đảo tự bắt chim, cá làm thức ăn... Đến tháng 8 đội Hoàng Sa trở về cửa Eo (cửa Thuận An) rồi lên thành Phú Xuân trình nộp các sản vật đã khai thác được. Nghiệm thu hải vật xong đội Hoàng Sa được bán riêng những con ốc hoa, mai hải ba, hải sâm. Sau đó các thành viên của đội được trở về nhà.
Ngoài đội Hoàng Sa, các chúa Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc hải. Đội Bắc hải không qui định bao nhiêu người. Đội này tàu thuyền nhỏ hơn, hoạt động ở vùng đảo Côn Lôn, ở xứ Cồn Tự thuộc vùng Hà Tiên. Họ chủ yếu khai thác hải sản, ít khi tìm được vàng bạc, đồ vật quý giá từ các tàu đắm như ở Hoàng Sa.
Các công trình: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; bộ biên niên sử của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục (ĐNTL) chính biên và tiền biên; Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ; Đại Nam nhất thống chí... cũng đều có ghi chép về Hoàng Sa giống như Lê Quý Đôn đã miêu tả nhưng cụ thể hơn, tần suất nhiều hơn, nội dung rõ ràng và cụ thể hơn. Quyển 10 ĐNTL tiền biên chép: "Tháng 7 năm Giáp Tuất (1754) dân đội Hoàng Sa gặp gió to, giạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh. Tổng đốc nhà Thanh chu cấp cho đầy đủ rồi sai đưa về. Chúa sai viết thư qua...". ĐNTL chính biên quyển 50, 52 cho biết: Năm 1815, 1816 vua (Gia Long) cho thủy quân và đội Hoàng Sa ra xem xét, đo đạc thủy trình. Quyển 104 chép: "Năm 1833, vua (Minh Mạng) bảo Bộ Công rằng: Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị hại. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy". Quyển 154 chép: "Năm 1835 dựng "thần từ" ở Hoàng Sa... Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh tốt, giữa cồn có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bia khắc 4 chữ "Vạn Lý Ba Bình"... Năm ngoái vua (Minh Mạng) định lập miếu ở chỗ ấy, vì gặp lúc sóng gió không làm được. Đến nay mới sai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên trái dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong rồi về".
Tác giả Sơn Hồng Đức, giảng viên địa lý học Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau khi tham gia chương trình Điều nghiên bình địa hỗn hợp Việt Mỹ đã có bài viết Khảo sát về quần đảo Hoàng Sa. Tác giả cho biết: "Từ Đà Nẵng tàu khởi hành vào buổi chiều, sáng hôm sau là đến Hoàng Sa. Đảo Tri Tôn là điểm đến dầu tiên của hải trình". Ở đảo Hoàng Sa tác giả mục kích: Có vài ngôi mộ binh sĩ thời nhà Nguyễn đã hy sinh. Phía Đông có am thờ gọi là Đền Bà; có pho tượng Quan Âm đặt trên bệ đá chạm trổ tinh vi, có lẽ do các ngư phủ Việt Nam dựng lên. Phía Bắc có ngọn hải đăng. Gần đó trước kia có căn cứ quân sự, đài khí tượng. Đài khí tượng được chính phủ bảo hộ xây dựng và chính thức hoạt động vào năm 1938. Ngày 9-3-1945 quân Nhật cũng đảo chính ở đây, tước khí giới trung đội lê dương. Các công chức đài khí tượng tháo dỡ trần nhà lấy gỗ làm bè thả trôi về tận bờ biển Quy Nhơn. Quân Pháp, rồi quân Nhật đều có xây dựng cơ sở phòng thủ ở đây nên trong chiến tranh thế giới thứ 2 đảo bị không quân của đồng minh oanh tạc.
Các sử liệu và những dấu tích để lại trên quần đảo Hoàng Sa cho thấy tầm nhìn chiến lược cũng như ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm và khát vọng của cha ông chúng ta trong công cuộc khám phá, khai thác kinh tế biển và thực thi chủ quyền lãnh hải.
. T. Thanh |