Cắm mặt vào đá
15:42', 2/4/ 2004 (GMT+7)

Cuối tháng 3, nắng gắt như muốn làm cháy da thịt con người. Vậy mà, để kiếm được đồng tiền sinh sống, người làm đá phải phơi mình ngoài trời suốt cả ngày lao động cật lực bất kể nắng nóng và những hiểm nguy đang rình rập...

* Bán mặt cho... đá

Công trường đá ở An Hòa - Phước An (Tuy Phước)

Ở Bình Định hiện có rất nhiều khu khai thác đá nằm rải rác. Nhưng nơi đang tập trung lượng người khai thác đá nhiều nhất là dọc theo triền núi Hoàng Trà thuộc xã Phước An (Tuy Phước) và phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn).

10 giờ trưa một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại một khu khai thác đá thuộc thôn An Hòa, xã Phước An. Nắng rát da, khu khai thác đá chìm trong bụi của đất, đá quyện với mùi khói khét lẹt. Trước mặt tôi, những công trường đá hiện ra. Chỉ có đá và người. Những "căn chòi" dã chiến dựng bằng 3-4 cọc tre và tấm ni lông chỉ vừa chỗ cho 2 người làm việc. Người thì nâng búa tạ lên đục vào những tảng đá to, người thì cắm cúi tỉa tót những hình khối gạch bé, kẻ thì khệ nệ ôm những khối gạch… Xe chạy qua, người đứng trên những tảng đá khổng lồ, họ cúi gập mình lại như cố tránh cái thứ bụi trắng đục đang làm cho không khí gần như đặc lại. Rồi họ lại đứng lên, tiếp tục công việc của một người làm đá...

Ông Nguyễn Ngọc Tấn - Chủ tịch UBND xã Phước An - cho biết: "Chưa có số liệu chính xác nhưng ước tính Phước An hiện có gần 1.000 người sống bằng nghề làm đá, khoảng 30% trong số này là thanh niên, trung niên. Hầu như nhà nào trong xã cũng có một vài người làm đá, có nhà có 4-5 người đều làm đá. Trong 5 năm trở lại đây, nghề làm đá đã giải quyết khá nhiều lực lượng lao động của xã Phước An với mức thu nhập tương đối ổn định". Khu khai thác đá núi Hoàng Trà có 3 hầm đá với hàng chục công trường gia công đá. Ngoài số đông là người dân địa phương xã Phước An, lực lượng lao động còn có cả những người đến từ các xã Phước Thành, thị trấn Diêu Trì; các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn và một số tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên. Tuy đặc tính của công việc làm đá là rất nặng nhọc nhưng đặc thù của nghề này không phân chia độ tuổi rõ ràng. Thanh niên vừa lên 15 tuổi đủ sức cầm búa, đã phải làm đá. Nhiều cụ đã ngoài 65 tuổi nhưng vì muốn có tiền sinh nhai nên cũng gắng gượng cầm búa để làm đá.

Đồ nghề làm đá không có gì ngoài cây xà-beng, búa tạ, búa con, mũi de đục và mũi de bạt. Họ nhận đá khoán lại từ chủ thầu. Khi thì họ được giao trực tiếp khai thác tại núi đá, lúc thì gia công đá ở dưới chân núi. Thông thường những người làm đá được thuê làm ra 2 loại đá: xây dựng và xuất khẩu. Đá xây dựng thì công việc đơn giản, chỉ cần đục ra theo kích thước mẫu với hình dáng tương đối. Còn đá xuất khẩu thì cần tỉ mỉ hơn trong việc gia công tạo hình khối. Đá xuất khẩu thường trải qua 3 công đoạn: đục ra hình dáng theo kích thước, tẩy bằng mặt đá và khâu cuối cùng là bằm đá cho láng bề mặt. Người có sức khỏe thì chuyên về khâu đục đá, người có tay nghề cao thì làm công việc tẩy đá và người sức khỏe yếu như phụ nữ, người già thì phụ trách công việc băm đá. Tùy theo công việc, sức lao động mà thu nhập của những người làm đá giao động từ 20.000-40.000 đồng/ngày.

* Máu rơi trên đá

Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa, không ít người làm đá ở Phước An chẳng hề biết nghỉ trưa là gì. Dù thời tiết nóng hay lạnh thì những chiếc áo khoác trên những người làm đá vẫn đầm đìa mồ hôi và đen sì vì bụi đá bám vào. Không chỉ có thế, để có được những khuôn đá, họ còn đổ cả máu. Anh Trần Văn Thương, 42 tuổi, trú ở Phước An - người đã có 18 năm làm đá - cho biết: "Đá bén lắm, không cẩn thận là bị chém vào mắt, vào tay ngay. Ở đây ngày nào cũng có máu rơi trên đá. Người thì bị dập tay, chân; người thì bị đá bắn vào đầu, vào mặt, thậm chí vào mắt. Không chỉ thế, còn có cả người bị đá đè chết như trường hợp mới xảy ra sau Tết này là chú Điệp, 21 tuổi. Hôm đấy, chú Điệp đi làm trên hầm đá núi Hoàng Trà. Đang đứng trên tảng đá lớn để đục thì tảng đá vỡ làm đôi, một nửa rơi xuống, chú Điệp ngã theo và bị đá đè chết ngay tại chỗ…".

Trường hợp của anh Điệp không phải là duy nhất! Nhiều người làm đá trên núi bất cẩn đã bị đá đè chết xảy ra khá nhiều trong 10 năm qua ở các hầm đá thuộc xã Phước An. Các trường hợp tai nạn do làm đá dẫn đến tử vong chủ yếu do đá văng vào đầu, đá đè, sụp hầm… Ngoài ra, không ít trường hợp người làm đá bị mũi de văng làm đui mắt. Thợ đá Trần Văn Thảo ở An Hòa, Phước An, cho biết thêm: "Ngoài trường hợp mảnh đá văng khi đục đá, còn có trường hợp rất nguy hiểm nữa là bị mũi de, mũi đục văng lên mặt. Ở đây đã xảy ra nhiều trường hợp sứt đầu, mẻ trán, thậm chí bị đui mắt vì mũi de vỡ ra văng lên". Một mối nguy hiểm nữa của nhưng người làm đá hiện nay là bệnh bụi phổi. Theo số liệu thống kê của Trạm y tế Phước An, từ năm 1997 đến nay, tỷ lệ 2% số người làm đá trong xã bị bệnh lao do bụi phổi, đã có 1 người chết vì bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do làm việc quá sức và vấn đề vệ sinh, an toàn lao động chưa được đảm bảo.

Không khó lắm để gặp được anh Ba Giăng, người đang bị mù một con mắt do làm đá. Công trường đá - nơi làm việc của anh - cũng ở An Hòa, Phước An như những công trường khác trong khu vực. Chúng tôi gặp anh Ba Giăng khi anh đang hì hục nâng búa tạ đục những tảng đá lớn. Dù nghề làm đá đã cướp của anh một con mắt, nhưng ngay sau khi xuất viện, anh lại trở về với nghề. Anh cười buồn: "Giờ không tiếp tục làm đá nữa thì lấy gì ăn, còn phải nuôi con nữa chứ. Thôi thì đã trót theo nghề rồi thì cố làm để nuôi con ăn học, mong sao tụi nhỏ lớn lên không còn phải sống với nghề đá này nữa. Nhưng dù sao như tôi cũng còn may mắn hơn nhiều người đã mất mạng trong lúc làm đá".

Mong ước của anh Ba Giăng cũng là giấc mơ của những người làm đá thuộc khu khai thác đá xã Phước An nói riêng và ở những nơi khác trong tỉnh nói chung. Để kiếm được đồng tiền bằng nghề làm đá, họ đã đổ không ít mồ hôi, nước mắt và cả máu…

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Các chúa Nguyễn đã khai thác kinh tế biển ở Hoàng Sa và Trường Sa  (01/04/2004)
Căn cứ trước mũi súng   (31/03/2004)
Chiến dịch giải phóng Quy Nhơn: 36 giờ hành binh thần tốc   (31/03/2004)
Y tế cơ sở chưa hết khó khăn!   (30/03/2004)
Chuyện nhói lòng về 5 đứa trẻ mồ côi   (30/03/2004)
Làng văn hóa Trung Định  (29/03/2004)
Những cuốc xe đêm  (29/03/2004)
Dân chủ, đúng luật, đúng quy trình  (28/03/2004)
Trung Lương: Nỗi niềm đọng lại  (28/03/2004)
Hành trình về cội nguồn   (26/03/2004)
Đời thợ xây  (25/03/2004)
Tạo thêm cơ hội cho người lao động   (24/03/2004)
Con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin   (23/03/2004)
Kinh doanh dịch vụ truy cập Internet: Đã đến giai đoạn chọn lọc  (22/03/2004)
Nhìn lại đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng bộ tỉnh Bình Định  (21/03/2004)