Họ, những người phụ nữ đã sống và chiến đấu bất khuất trong những năm chiến tranh, trở về đời thường cùng với những nỗi đau thể xác và cả những mất mát về đời sống tình cảm. Nhưng sẽ không một ai, không một điều gì từ họ bị lãng quên đi!
* Chuyện của một thời
|
Hội LHPN TP Quy Nhơn khen tặng các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt phong trào phụ nữ năm 2003 |
Năm 1965, cô gái Văn Thị Năm, một du kích địa phương vừa tròn 20 tuổi đã phải rời bỏ mảnh đất quê hương Cát Chánh (Phù Cát) để xuống Quy Nhơn tiếp tục hoạt động cách mạng. Chị tham gia vào đội đặc công làm giao liên, rải truyền đơn phục vụ các trận đánh lớn của bộ đội ta… Đến năm 1971, chị bị địch bắt và giam ở Nhà lao Quy Nhơn, rồi Nhà lao Phú Yên, bị đày ra Côn Đảo… Trong tù, chị đã phải nếm đủ đòn tra khảo của kẻ thù. Chị kể: "Chúng nhốt 4, 5 chị em chúng tôi vào một chuồng cọp kín bưng, dài chỉ 2 m, rộng 1,6 m và bỏ vào đó một cái xô để đi "vệ sinh" và một lon guigo nước, mỗi ngày chỉ được ra ngoài 70 phút…". Người phụ nữ ở tù đã nhiều cơ cực, vậy mà còn phải "nếm" những đòn tra khảo dã man như bắt rắn bỏ trong quần, tra điện vào những vùng kín… Nhiều chị đã phải chết đi sống lại.
Chị Nguyễn Thị Quyết, sinh năm 1935, quê ở Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn) cũng đã tham gia cách mạng khi mới tròn 17 tuổi. Năm 1956 chị được kết nạp Đảng. Đang hoạt động chuẩn bị cho "chiến dịch Tết Mậu Thân - năm 1968" thì chị bị bắt và bị giam ở nhà tù Phú Tài. Sau đó, chúng chuyển chị xuống Cần Thơ. Là một đảng viên, chị Quyết luôn xác định dù ở trong hoàn cảnh nào vẫn phải tiếp tục chiến đấu. Trong tù, chị đã tìm cách móc nối với 4 đảng viên khác, đứng ra thành lập một tổ chức đấu tranh. Chị kể: "Vào tù, không ai biết ai, diễn biến tư tưởng của mỗi người cũng khác nên trước hết phải tạo được lòng tin đối với nhau. Bởi vậy chúng tôi đã phải rút những sợi chỉ đỏ, chỉ vàng trong một cái khăn, tượng trưng cho lá cờ Tổ quốc và chích máu ăn thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!", không được khai báo trong tù. Chị Quyết được chị em bầu làm Bí thư chi bộ trong tù. Sau đó, chi bộ của chị đã phát triển thành đảng bộ với 10 chi bộ trực thuộc và hàng trăm đảng viên. Các chi bộ đã tập hợp chị em đứng ra đấu tranh bảo vệ mình và bảo vệ Đảng, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ Cách mạng trong lao tù đế quốc…
* Và những cảnh đời hôm nay
Ra tù, cô Năm đã là một phụ nữ bước quá tuổi "băm". Mối tình tuổi mười bảy, mười tám với người bạn trai cùng thôn đã trở thành dĩ vãng. Một vài người bạn cùng cảnh ngộ cũng đã "để ý" đến chị nhưng rồi cảm thấy không hợp, chị quyết định "ở vậy". Là thương binh loại 4, mất sức 31%, trình độ văn hóa chỉ mới hết cấp một, hòa bình lập lại, chị trở về làm công nhân ở một xí nghiệp ô tô và đã nghỉ hưu. Tôi đến thăm chị tại một ngôi nhà con con nằm cheo leo gần sát chân núi Vũng Chua. Chị Năm không nói nhiều về mình và tỏ ra rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, nhìn trong mắt chị, tôi thấy những ngấn nước đang chực trào ra. Sống một mình, chị nuôi hai đứa cháu ruột. Đứa lớn được cô nuôi từ năm 4 tuổi nay đã 26 tuổi. Đứa bé, chị đem về nhà từ khi mới 16 tháng nay cũng đã bước qua tuổi 16. Chúng như những con chim đã đủ lông, đủ cánh, lần lượt rồi sẽ bỏ lại chị một mình. Nhiều đêm, nằm trăn trở với những cơn đau do vết thương tái phát trong tiết lạnh của khí hậu vùng núi, người đàn bà cô quạnh này đã ôm mặt khóc thầm. Tuổi trẻ của chị, tình yêu của chị đã gởi vào cuộc chiến tranh… Nhưng chị không bao giờ ân hận, chị nói: "Vào thời của tôi, nhiều chị em cũng sống như vậy, cũng làm như vậy!".
May mắn hơn chị Năm, chị Quyết đã kịp lấy chồng vào năm 19 tuổi. Nhưng rồi cô gái có chồng ấy cũng chỉ được sống với chồng chưa trọn một tuần cho đến ngày anh hy sinh. Chị Quyết sinh con và rồi cũng phải gởi đứa con còn đỏ hỏn ấy trên "cứ" nhờ anh em nuôi giúp để hoạt động. Ngày chị vào tù, con gái chị được đồng đội đưa ra miền Bắc học cho đến ngày hòa bình, hai mẹ con mới được gặp nhau. Rồi những năm khó khăn sau chiến tranh, người đàn bà thương binh ấy đã không "đi bước nữa" mà ở vậy nuôi con trong thiếu thốn, chật vật về kinh tế. Đến gặp bà tại ngôi nhà nhỏ nghèo nàn nằm sâu trong một con hẻm ở đường Vũ Bão, tôi cảm thấy ái ngại. Bà tâm sự: "Tôi cũng đã nhiều lần làm đơn xin cấp đất, cấp nhà nhưng các cơ quan chức năng trả lời rằng tôi chưa đủ tiêu chuẩn… Thôi thì, so với nhiều đồng đội đã hy sinh, còn sống và trở về với con như tôi đã là hạnh phúc lắm rồi!".
* Còn sống còn chiến đấu
Tôi đến gặp chị Võ Thị Thanh Quyết, sinh năm 1952, tại UBND phường Ngô Mây - Quy Nhơn. Chị Quyết đang họp với Đảng ủy phường. Cũng là một cựu tù chính trị trở về sau giải phóng, chị Quyết mang nhiều vết thương chiến tranh trong mình. Năm 1975, chị lấy chồng là một cựu tù chính trị cùng hoàn cảnh. Tuy nhiên, 4 năm sau anh đã bỏ chị ra đi trong một tai nạn giao thông. Một mình nuôi 3 đứa con nhỏ với những khó khăn chồng chất của thời kỳ sau giải phóng, chị Quyết tưởng như có thể chết đi được. Nhưng rồi chị nghĩ: "Trong tù phải đối phó với kẻ thù dã man, thâm độc mà mình không khuất phục lẽ nào trước những khó khăn về kinh tế lại chịu bó tay!". Thế rồi, chị đã tiếp tục đứng dậy. Chị học bổ túc văn hóa để hoàn thành chương trình phổ thông, sau đó tiếp tục công tác tại Công ty vật tư TP Quy Nhơn. Năm 1993, chị nghỉ hưu và tham gia luôn công tác phường, xã. Từ năm 1999, chị lần lượt được bầu làm Phó Bí thư trực Đảng, Chủ tịch HĐND và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường Ngô Mây. Chị nói: "So với các anh em khác, tôi còn hạn chế về trình độ. Tuy nhiên, được Đảng tin, dân tin, tôi luôn luôn cố gắng học hỏi để làm việc cho thật tốt".
. Ngọc Quỳnh
|