Một số liệu được đưa ra tại cuộc thảo luận và trao đổi công tác cung ứng thuốc cho hệ thống cơ sở điều trị và tuyến y tế cơ sở, do Bộ Y tế tổ chức vào giữa tháng 3-2004 tại TP Hồ Chí Minh, đã làm nhiều người giật mình: có loại thuốc cao tới... 340% so với giá bán buôn.
* Chỉ người bệnh "chết"
Giá thuốc tây tăng, người bị ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên chính là người bệnh. Bị bệnh đã khổ, với giá thuốc tăng cao như hiện nay, bệnh nhân (BN) nghèo còn khổ hơn gấp trăm lần. Nhiều BN nghèo đã phải chấp nhận chữa trị cầm chừng bởi không thể nào mua nổi các loại thuốc đặc trị với giá quá cao. Vừa qua, gần 100 BN ghép tạng ở Hà Nội đã ký tên vào một kiến nghị gửi Bộ Y tế đề nghị tìm biện pháp giảm giá thuốc. Theo thống kê, từ đầu năm 2003 đến nay trên toàn quốc đã có 3 đợt tăng giá thuốc: đợt thứ nhất xảy ra vào tháng 3-2003 với gần 800 mặt hàng thuốc tăng giá, trong đó có hơn 50% là thuốc ngoại nhập. Đợt thứ hai vào khoảng tháng 10-2003 và đợt thứ ba là từ đầu năm 2004 đến nay. Trong đợt tăng giá mới này, phần lớn các thuốc ngoại nhập tại Việt Nam đều tăng giá từ 10% đến 20%, thậm chí có một số thuốc đặc trị tăng giá trên 100%.
|
Tây dược tăng giá, người bệnh gặp nhiều khó khăn khi điều trị |
Ở Bình Định, trong cơn sốt thuốc tây tăng giá, tất cả các loại thuốc đều tăng giá vùn vụt. Chị Bích, nhà ở phường Ngô Mây (Quy Nhơn), có người nhà bị bệnh tim phải dùng thuốc hàng ngày bức xúc: "Trước đây thuốc Lénitral trị bệnh tim chỉ có 1.500đ/viên, nay tăng lên 2.600đ/viên nhưng khan hiếm lắm, rất ít hiệu thuốc ở Quy Nhơn có bán loại này. Đắt là đắt vậy nhưng vẫn phải mua để điều trị chứ biết làm sao!". Qua tìm hiểu tình hình buôn bán từ khi thuốc tăng giá đến nay, nhiều tiệm thuốc tây ở Quy Nhơn đều khẳng định là lượng khách hàng vẫn không giảm, vì khi đã bị bệnh thì thuốc đắt mấy người ta cũng ráng mua để chữa trị. "Nhà thuốc không chết, chúng tôi mua lên thì bán lên, chỉ có người bệnh là chết" - Một chủ tiệm thuốc tây đã kết luận như vậy (!).
* Bao giờ giá thuốc bình ổn?
Ở nước ta, trước khi đến tay người bệnh, thuốc qua rất nhiều khâu trung gian. Cho đến lúc vào bệnh viện (BV), giá thuốc đã tăng bình quân 20-25% so với giá nhập khẩu ban đầu. Mặt khác, giá thuốc tăng còn do các nhà nhập khẩu thuốc và phân phối độc quyền phải chi cho tiếp thị, quảng cáo, hoa hồng cho trình dược viên, bác sĩ (BS)... Và tất cả những chi phí ấy đều đổ lên đầu người bệnh. Có những loại thuốc do khan hiếm nên nhà thuốc tư nhân muốn đẩy giá lên bao nhiêu cũng được.
Trong khi giá thuốc mãi leo thang, thì các biện pháp quản lý cơ bản nhất để ổn định giá thuốc vẫn chưa xuất hiện. BS Võ Xuân Châu - Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định - cho biết: "BV cũng đành chịu trước tình hình này. Chúng tôi chỉ yêu cầu các BS nên kê toa các loại thuốc trong danh mục để BN không phải mua các loại thuốc đắt tiền". Còn với BVĐK khu vực Bồng Sơn, theo BS Phạm Gia Cát - Giám đốc BV - thì: "80% thuốc của BV là mua từ Công ty Bidiphar. Chúng tôi lên kế hoạch mua thuốc từng quý hoặc 6 tháng nên bảo đảm giá thuốc ổn định trong từng khoảng thời gian như vậy. BV cũng chỉ đạo trường hợp BN cần phải điều trị bằng thuốc ngoại, thuốc đắt tiền thì phải có hội chẩn. Trừ một số trường hợp thật đặc biệt, nếu BS nào ghi toa cho BN mà không vào hồ sơ, không báo cáo, nếu BV phát hiện sẽ bị nhắc nhở, bị phạt xếp loại thi đua. Ngoài ra, BV tuyệt đối không tiếp các trình dược viên để tránh tình trạng bác sĩ ghi toa thuốc cho các công ty nước ngoài để hưởng hoa hồng".
Đưa thuốc tây vào danh mục các mặt hàng Nhà nước cần quản lý giá, quy định khung lãi suất cho các nhà phân phối thuốc sỉ và lẻ, niêm yết giá thuốc theo quy định, chống độc quyền và tăng cường thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy chế kê đơn... là những đề xuất nhằm kiểm soát giá thuốc tây được đưa ra. Tuy nhiên, trong khi chờ Nhà nước triển khai các biện pháp này thì người bệnh vẫn phải vừa chiến đấu với bệnh tật vừa chiến đấu với giá thuốc.
. Nguyên Sương
Dược sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế:
Sẽ thường xuyên kiểm giá thuốc chữa bệnh tại các quầy
. Lê Thu Hiền | |