Năm 2003, các cơ quan chức năng của Bình Định đã kiểm tra, triệt phá hàng trăm ổ nhóm, cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật. Song thực tế cho thấy, tình hình phòng, chống các tệ nạn xã hội (TNXH) còn rất khó khăn…
* Mại dâm, ma túy: Diễn biến phức tạp
|
Một số thanh thiếu niên hư hỏng tổ chức cướp giật bị Công an bắt giữ |
Qua công tác điều tra, bắt xử lý, xóa tụ điểm tệ nạn mại dâm cho thấy, các điểm chứa mại dâm tập hợp đối tượng bán dâm hoạt động trá hình dưới nhiều dạng khác nhau, phần lớn tập trung ở các dịch vụ như karaoke, quán cà phê giải khát, massage, nhà hàng, khách sạn, nhà trọ. Đối tượng không tụ tập tại một điểm thường xuyên mà ở trọ nhà dân. Một số ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) phục vụ tại các cơ sở dịch vụ kinh doanh ngành nghề có điều kiện tạm trú trong khu vực dân cư hoặc tại nơi đăng ký HĐLĐ. Khi có khách mua dâm thì các cơ sở liên lạc bằng điện thoại hoặc đem xe chở gái đến tiếp khách bán dâm, thu tiền phòng chứa. Đáng chú ý, một số đối tượng từ tỉnh ngoài đến cư trú tại TP Quy Nhơn và các thị trấn đóng vai học nghề, tìm việc làm, lao động phổ thông... nhưng thực chất là làm tiếp viên tại các điểm karaoke, massage, tiếp thị nhà hàng, bán cà phê. Nguồn thu nhập chính là hưởng tiền "boa" của khách và hoạt động bán dâm khi chủ cơ sở đồng ý hoặc thỏa thuận đi mua bán dâm ở nơi khác.
Tệ nạn mại dâm chủ yếu vẫn tập trung tại địa bàn TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn... Năm 2003, Bình Định có 890 cơ sở hoạt động karaoke (trong đó chỉ có 334 cơ sở được cấp giấy phép), thu hút khoảng 300 nữ tiếp viên vào làm việc, trong số này có đến 75% hoạt động bán dâm. Theo thống kê của Công an tỉnh, toàn tỉnh có 50 điểm karaoke, 30 điểm cà phê giải khát, 15 phòng trọ, 5 khách sạn có liên quan đến hoạt động mại dâm… Một cán bộ xã Phước Lộc (Tuy Phước) cho biết: "Địa phương chúng tôi có 7 điểm hát karaoke, trong đó chỉ có hai là đăng ký kinh doanh đàng hoàng, thế mà rất ít khách lui tới. Trong khi 5 điểm tự phát lúc nào cũng dập dìu khách ra vào (?)".
Năm 2003, các Đội kiểm tra 814 của xã, phường, thị trấn đã kiểm tra 250 lượt các cơ sở kinh doanh, dịch vụ; phát hiện 105 lượt cơ sở vi phạm quy định, lập hồ sơ đề nghị xử phạt trên 34 triệu đồng, trục xuất 16 nữ tiếp viên không đăng ký tạm trú ra khỏi địa bàn. Riêng Đội 814 của tỉnh kiểm tra 61 lượt các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 40 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 100 triệu đồng. Các cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá 10 vụ chứa mại dâm, bắt xử lý 52 đối tượng, lập hồ sơ truy tố 10 vụ, 14 đối tượng (trong đó có 12 chủ chứa), xử lý hành chính 12 đối tượng mua dâm… Công an tỉnh đã bắt được hai vụ mua bán, vận chuyển ma túy trái phép.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình TNXH diễn biến phức tạp. Một số đối tượng từ các tỉnh đến tỉnh Bình Định lôi kéo số nữ thanh niên không có việc làm, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên, nhập vào hoạt động mại dâm trá hình dưới hình thức lao động phổ thông, học nghề, tiếp thị… gắn với việc phục vụ các cơ sở dịch vụ kinh doanh nghề có điều kiện tạo thành đường dây gái gọi. Đối tượng chủ chứa, môi giới dẫn dắt mại dâm chủ yếu vẫn là chủ nhà hàng, khách sạn, nhà trọ… Thậm chí có một số cơ sở kinh doanh do Nhà nước quản lý nhưng lợi dụng sự lỏng lẻo trong tổ chức quản lý, một bộ phận nhân viên cũng tổ chức mại dâm hoặc tiếp tay hoạt động mại dâm. Ở một số địa phương như Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và nhất là ở TP Quy Nhơn, tình hình rất phức tạp.
Mới đây, tại Hội nghị về phòng, chống TNXH, ông Phan Minh Hải - Trưởng Công an TP Quy Nhơn - cảnh báo: "Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời tệ nạn nghiện ma túy thì tình hình sẽ phức tạp. Tuy con nghiện ngoại tỉnh đến nhiều nhưng cộng đồng dân cư không hề hay biết để có các biện pháp phòng, chống". Yếu tố gia đình, cộng đồng đóng vai trò quyết định đối với việc cai nghiện của các con nghiện, thế nhưng nhiều gia đình có con bị nghiện, vì ngại mang tiếng, ngại sự kỳ thị của cộng đồng nên đã đưa con đi xa, thậm chí cho vào TP Hồ Chí Minh, thật chẳng khác nào "thả hổ về rừng". Cũng có trường hợp bà mẹ dù biết con bị nghiện vẫn hàng ngày cung cấp cho con 300.000 đồng để thỏa mãn cơn ghiền. Về phía gia đình là vậy, nhưng về phía địa phương, cộng đồng dân cư cũng chưa thật sự cảm thông, quan tâm, vẫn còn có sự kỳ thị, nghi ngờ và xa lánh các đối tượng này. Chính điều này đã làm cho nhiều con nghiện co cụm lại và dễ sa vào đường cũ.
Phòng, chống TNXH không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan năng mà còn là trách nhiệm chung của cộng đồng và xã hội. Chỉ khi nào có sự phối hợp đồng bộ các biện pháp tuyên truyền giáo dục, thanh tra kiểm tra thường xuyên và cộng đồng tích cực cùng quan tâm, giúp đỡ các đối tượng tiến bộ thì khi ấy phòng, chống TNXH mới thực sự có hiệu quả.
. Thu Hà |