Sinh thời Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin (CNMLN) cho cán bộ, đảng viên; Người chỉ ra tính tất yếu và vai trò hết sức quan trọng của công tác này đối với sự nghiệp cách mạng: Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy đúng hướng. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, khoa học nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin. Trong Đảng ai cũng phải hiểu và làm theo chủ nghĩa ấy. Để hiểu và thực hiện đúng lý luận đó thì phải học tập CNMLN.
Thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng ta có nhiều ưu điểm cho nên đã lãnh đạo cách mạng thu được nhiều thắng lợi to lớn và căn bản. Nhưng trong Đảng còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu hiểu biết lý luận cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp thì tỏ ra lúng túng, nên không tránh khỏi khuyết điểm sai lầm, bởi vì sự nghiệp cách mạng rất vĩ đại, song cũng hết sức khó khăn phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận, để đáp ứng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Từ sự nhấn mạnh tính cấp thiết và vai trò quan trọng đặc biệt của công tác giáo dục CNMLN cho cán bộ đảng viên, Bác Hồ chỉ ra những mặt hạn chế của bệnh lười học tập, ngại đào sâu suy nghĩ, xem thường học tập lý luận chính trị. Người chỉ rõ: "Trong Đảng hiện nay còn nhiều người chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem nhẹ học tập lý luận chính trị, hoặc là thiếu kiên quyết tìm biện pháp để điều hòa giữa công tác và học tập". Lời Bác Hồ nhắc nhở cách đây 45 năm mà chúng ta cảm thấy gần gũi và bức thiết đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay, như các Nghị quyết của Đảng ta gần đây đã đánh giá và nhận xét.
Để nắm được những vấn đề lý luận, Hồ Chí Minh nêu rõ: "Trong thời kỳ cách mạng XHCN, Đảng cần phải nhấn mạnh hơn bao giờ hết việc học tập lý luận Mác- Lênin để vận dụng một cách sáng tạo các nguyên lý, phạm trù, qui luật, nguyên tắc, quan điểm của CNMLN vào sự nghiệp đổi mới. Bởi vì, trong công cuộc cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được". Cuộc cách mạng XHCN đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có lập trường vô sản vững chắc, giác ngộ về XHCN cao, phải rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện ý thức tập thể. Muốn vậy đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải khắc phục căn bệnh quan liêu, lãng phí, tham ô, hẹp hòi; phải luôn luôn sâu sát cơ sở, phát huy đầy đủ dân chủ, tính sáng tạo của hàng triệu quần chúng nhân dân vào sự nghiệp xây dựng CNXH, vì CNXH. Để thực hiện được mục tiêu đó, phải nâng cao trình độ lý luận trong cán bộ đảng viên, phải tổ chức học tập lý luận chính trị trong Đảng, nhằm quán triệt và thực hiện có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng.
Hồ Chí Minh đặt vấn đề rất rõ ràng về học tập CNMLN là nắm vững lập trường, quan điểm và phương pháp của CNMLN để xử lý mọi việc, không giáo điều, không sách vở; không tự trói mình, cũng không trói người khác, hoặc để người khác trói mình vào những câu chữ chết cứng.
Bác Hồ cũng nêu lên những yêu cầu cụ thể có tính nguyên tắc của quá trình học tập, nghiên cứu CNMLN là: "Phải khiêm tốn thật thà… Kiêu ngạo, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Phải tự nguyện, tự giác xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành".
Sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta trong những năm qua thu được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên đất nước vẫn còn đứng trước những thử thách mới và nguy cơ. Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục CNMLN cho cán bộ đảng viên sẽ góp phần quan trọng nhằm khắc phục những lúng túng về lý luận dẫn tới hạn chế, khuyết điểm, góp phần xử lý có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đó cũng chính là nâng cao trách nhiệm của cán bộ và tính Đảng của đảng viên.
. Bá Nguyên |