Chỗ ở tốt hơn cho người có công với nước
15:50', 12/4/ 2004 (GMT+7)

Những ngôi nhà kiên cố cho các gia đình chính sách cứ được thay thế dần những ngôi nhà tạm bợ. Và sau 5 năm con số này đã lên đến 6000 ngôi!

* Mái nhà vững chãi

Những ngôi nhà đơn sơ như thế này đang dần được thay thế bằng nhà kiên cố

Trước đây, gia đình bà Lê Thị Nhơn ở An Quang, Cát Khánh (Phù Cát)  gồm 7 người, 3 người lớn và 4 đứa cháu vẫn phải sống trong cảnh chật chội, sinh hoạt lộn xộn. Đã vậy, căn nhà xây dựng từ lâu nên xuống cấp trầm trọng. Mùa mưa, cả nhà thay nhau đi hứng nước. Mùa hè thì nắng nóng. Bốn đứa trẻ đã lớn mà vẫn phải ngủ chung. "Còn tui đã già, đi lại khó khăn, lại còn khó ngủ, hay thức giấc giữa chừng để đi vệ sinh. Mỗi lần như vậy lại lục đục ra vào, làm con cháu thức giấc. Năm ngoái, tui lại bị tai biến mạch máu não, sinh hoạt, đi lại càng khó khăn hơn", bà Nhơn, năm nay đã 82 tuổi, tâm sự. Bà là mẹ của hai liệt sĩ. Năm 2003, gia đình bà được tỉnh hỗ trợ chục triệu đồng để xây lại nhà. "Định làm năm ngoái, nhưng chưa chạy đủ tiền, vả lại "thầy" bảo năm nay cất nhà thì được chữ An", chị Sáu, con dâu bà Nhơn nói chen vào. Hôm chúng tôi đến, căn nhà mới khởi công chừng hai tuần. "Tôi tính xây cho má một phòng riêng cho tiện, bọn trẻ cũng có chỗ để học hành. Tính sơ sơ chắc cũng mất đâu chừng hai lăm, ba mươi triệu", anh Sáu cho biết. Bà Nhơn, mấy ngày nay, dù đi lại khó khăn, ánh mắt nhìn không rõ nhưng vẫn thường xuyên ra coi ngó ngôi nhà mới đang dần hình thành. "Chừng nào xong hả cháu?" là câu bà Nhơn hay hỏi đám thợ. Ông Lê Văn Thanh, thôn trưởng thôn An Quang cho biết: "Cả thôn 700 hộ thì đã có 98 hộ chính sách và 5 Bà mẹ VNAH. Đến nay, không còn hộ chính sách nào trong thôn còn phải ở nhà đơn sơ nữa."

Trở lại Tuy Phước một ngày đầu tháng ba, tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Thi ở thôn Phú Mỹ. Nhà ông thuộc diện được hỗ trợ ngay từ năm 2000, khi mới thực hiện chủ trương xóa nhà đơn sơ cho hộ chính sách. Được tỉnh hỗ trợ 5 triệu, ông bỏ thêm vào, phá căn nhà cũ, xây lại. Nhà ông ở dọc ngay đường quốc lộ nên tiện bề buôn bán, cho thuê mặt bằng. Tháng kiếm thêm được vài trăm ngàn, đời sống của gia đình ông khá hơn trước.

* Cuộc huy động của toàn dân

Chỉ trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2000, ngay từ khi chủ trương "xóa nhà ở đơn sơ cho gia đình chính sách" của tỉnh mới ra đời, đã được các địa phương, nhân dân ủng hộ hết sức nhiệt tình. Mỗi nhà chính sách được hỗ trợ 5 triệu đồng, nhà của bà mẹ VNAH được hỗ trợ 10 triệu đồng để làm lại một mái nhà kiên cố. Của tỉnh hỗ trợ là vậy, nhưng ít gia đình nào lại bằng lòng sửa với số tiền hỗ trợ đó. "Không làm thì thôi, đã làm thì phải cho khang trang hơn mới được" là tâm lý chung của mọi người. Bởi vậy, số tiền 5 hay 10 triệu đồng là "chất xúc tác" quan trọng để các hộ cố gắng thay thế các ngôi nhà cũ tạm bợ của mình bằng ngôi nhà mới đàng hoàng hơn. Anh Ba, con trai của bà Huỳnh Thị Hoa ở xã Phước Lộc (Tuy Phước) tâm sự: "Mẹ tôi chỉ có 5 triệu của tỉnh cho, còn lại anh em tôi, đứa có nhiều góp nhiều có ít góp ít để xây cho mẹ mái nhà tổng cộng mất gần hai chục triệu đấy".

Nhiều địa phương bằng cách này hay cách khác cũng đã tạo mọi điều kiện  hỗ trợ cho các gia đình xây dựng nhà. Chẳng hạn như ở huyện Hoài Ân, những hộ gia đình chính sách còn khó khăn, UBND cấp xã đứng ra đăng ký mua nguyên vật liệu với các chủ hàng. Khi nhà đã hoàn thành, chính quyền xã đứng ra nghiệm thu và giao tiền cho gia đình trả lại người bán. Người dân địa phương cũng vào cuộc tích cực không kém. Nhiều gia đình chính sách khó khăn hoặc neo đơn, địa phương đã huy động nhân dân, các tổ chức, hội đoàn thể trong vùng đến giúp ngày công. Có nơi, người dân mang những thứ mà nhà mình có sẵn hoặc chưa cần như: gạch ngói, tấm tôn, cửa… đến để "viện trợ" thêm.

Ông Nguyễn Tường Vân, Trưởng phòng Tổ chức - Lao động - Xã hội huyện Hoài Nhơn vui vẻ cho biết: "Số nhà đơn sơ theo chủ trương của tỉnh, chúng tôi đã xóa xong từ năm 2003. Tổng cộng gần 2000 nhà. Nhiều nhà giá trị đến 30-40 triệu đồng. Chủ trương của tỉnh đã góp phần cải thiện, đời sống của các gia đình chính sách và làm cho bộ mặt của nông thôn Hoài Nhơn càng đẹp hơn". Hiện Hoài Nhơn còn khoảng 500 nhà chính sách chưa được cải thiện nhà đơn sơ. "Đây là số gia đình mới được công nhận từ năm 2000 - 2003" - ông Vân giải thích.

Đến nay, tỉnh Bình Định đã cơ bản xóa xong nhà tạm cho các gia đình chính sách. Sau 5 năm triển khai, 6.000 nhà đơn sơ đã bị xóa sổ với tổng kinh phí gần 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền huy động trong nhân dân để thực hiện chương trình này lên đến gần trăm tỉ đồng bởi ngoài tiền hỗ trợ của tỉnh, thân nhân của các hộ chính sách đã đóng góp thêm. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn một số rất ít gia đình chính sách mới được công nhận từ năm sau 2000 còn ở nhà đơn sơ.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập chủ nghĩa Mác-Lênin  (12/04/2004)
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp: Tích cực, khẩn trương  (11/04/2004)
Thực hiện Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Những tiến bộ khởi sắc   (09/04/2004)
Phòng chống tệ nạn xã hội: Cần cộng đồng chung sức  (08/04/2004)
Thuốc tây tăng giá: Biết rồi, khổ lắm...  (07/04/2004)
Băng, đĩa lậu: Bệnh nhờn thuốc!   (06/04/2004)
Theo dấu vết "Đội Hoàng Sa - Trường Sa"   (05/04/2004)
Chuyện ghi từ Chi bộ Đảng làng Hà Ri   (04/04/2004)
Chuyện hôm qua, hôm nay của những nữ cựu tù chính trị   (04/04/2004)
Cắm mặt vào đá   (02/04/2004)
Các chúa Nguyễn đã khai thác kinh tế biển ở Hoàng Sa và Trường Sa  (06/04/2004)
Căn cứ trước mũi súng   (31/03/2004)
Chiến dịch giải phóng Quy Nhơn: 36 giờ hành binh thần tốc   (31/03/2004)
Y tế cơ sở chưa hết khó khăn!   (30/03/2004)
Chuyện nhói lòng về 5 đứa trẻ mồ côi   (30/03/2004)