Một ngày thăm Điện Biên
11:48', 15/4/ 2004 (GMT+7)

. Ghi chép của Hà Giao

Sáng 30-08-2003, đoàn chúng tôi là văn nghệ sĩ của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, từ khách sạn Công Đoàn Điện Biên lên ô tô đi Mường Păng. Ai đã lên thăm Điện Biên mà không đến Mường Păng thì coi như chưa đến Điện Biên. Bởi ở đó là nơi Bộ tư lệnh chiến dịch Điện Biên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng quân.

Đoàn xe ngược đường hôm qua chúng tôi từ thị xã Lai Châu lên, gặp ngã ba rẽ phải, lên dốc ngoằn ngoèo chừng 15 km nữa, qua trung tâm xã Mường Păng đến trạm bảo vệ ngay chân núi. Mọi người xuống xe đi bộ. Con đường nhỏ lát bê tông nằm chênh chênh dưới ngàn cây xanh, chốc chốc lại qua cầu bằng hai thân cây đã mòn nhẵn dấu chân người qua.

Nóc hầm Đờ Cát

Chúng tôi gồm các dân tộc Lôlô, Tày, Thái, Mông, Dao, Giáy, Nùng, Hoa, Chăm, Hà Nhì và Kinh của 11 tỉnh thành. Bình Định chỉ mỗi mình tôi làm văn nghệ dân gian, còn các anh chị khác làm thơ viết văn sáng tác nhạc, chụp ảnh đạo diễn điện ảnh... hình thành từng tốp hớn hở đi thành hàng một cười nói vang rừng. Đi chừng 3 km gặp ngã ba có tấm biển đề: "Di tích lịch sử Bộ tư lệnh chiến dịch Điện Biên". Thế là các nhà nhiếp ảnh và mấy tay ảnh không chuyên lại lôi máy ra chụp hình lưu niệm.

Những cơn mưa đầu mùa làm không khí ẩm ướt. Mấy con vắt đất ngoi đầu lên làm tín hiệu của núi cao. Chúng tôi di tiếp một đoạn rẽ phải gặp một cái lán lợp bằng tranh, thưng bằng nứa. Giữa lán đặt một bàn nện bằng nứa khá lớn, hai bên là băng dài ghép bằng hai thân cây. Phòng họp Bộ tư lệnh trông rất đơn sơ mà từ đây có thể đánh đổ một cường quốc thực dân.

Tôi sờ lên bàn nứa nghe tay mát lạnh. Bàn không đặt một thứ tư liệu nào, bản đồ cũng không, có lẽ vì quá ẩm ướt dễ mốc mọi thứ. Vậy mà 49 năm trước, chính nơi đây đã quyết định mọi công tác của chiến dịch, và nơi đây ngày 13-3-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phất cờ hạ lệnh cho pháo binh ta phát hỏa tấn công, mở đầu chiến dịch to lớn nhất...

Chúng tôi đến thăm nơi ở của Phó tư lệnh Hoàng Văn Thái. Vẫn nhà tranh vách nứa đơn sơ, hầm trú ẩn không được như hầm thời ông làm Tư lệnh quân khu 5 trong kháng chiến chống giặc Mỹ. Hồi ấy tôi là phóng viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung bộ, được gặp ông vài lần. Ông cao lớn và đẹp trai. Bộ đội gọi ông cái tên thân mật là anh Sáu. Ông xông xáo xuống tận đồng bằng thăm mặt trận, thăm đồng bào vùng giải phóng Quảng Ngãi. Sau đó ông vào Trung ương cục ở miền đông Nam bộ làm Tư lệnh quân giải phóng miền Nam.

Háo hức của chúng tôi là đến chỗ ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lán của Đại tướng làm ở triền núi, chỉ có một lối vào. Lán của Đại tướng Tổng tư lệnh của ta cũng bằng mái tranh vách nứa, hầm trú ẩn cũng xếp cây rừng và lấp đất, không như hầm tướng Đờ Cát chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên lát thép bê tông hình bán nguyệt bên ngoài. Tôi nghĩ năm 1954, Đại tướng khoảng 40 tuổi, chỉ huy một chiến dịch lớn với những quyết định táo bạo, như từ ý đồ ban đầu là đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc và đã thành công. Đọc sách của Đại tướng, tôi hiểu thêm cuộc đời giản dị và tri thức uyên thâm của vị Tổng tư lệnh đã chiến thắng thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trên đường trở về, chúng tôi gặp các cháu Thái bán túi thổ cẩm, các chị Thái bán thuốc nam, họ vừa vui mừng chào đón khách vừa tham quan di tích Bộ tư lệnh chiến dịch Điện Biên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ còn vẫy tay hẹn gặp lại ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, hẳn ngày ấy di tích tôn tạo quy cách hơn, có người thuyết minh và hướng dẫn tham quan. Và tôi chọn mua túi thổ cẩm của cậu bé Thái nhỏ nhất, như thầm ước hẹn gặp lại người Tây Bắc mến thương.

Đoàn xe dừng lại Noong Nha, dâng hương tượng đài tưởng niệm đồng bào bị giặc Pháp sát hại. Ngày 25-4-1954, đúng mười hai ngày trước khi chúng đầu hàng Điện Biên Phủ, giặc tập trung dân làng là người già và trẻ em, rồi cho máy bay thả bom Napan thiêu rụi 44 người, may còn sót một bé trai chăn trâu ở xa. Tôi dâng hương mà lòng thêm nhớ hơn 500 người bị giặc Mỹ sát hại ở Sơn Mỹ - Quảng Ngãi, và không thể nào nguôi hơn 1.000 người bị giặc Đại Hàn tàn sát tại Bình An quê hương.

Trước khi đến Noong Nhài, chúng tôi rẽ vào coi hầm Sở chỉ huy của tướng Đờ Cát ở cuối sân bay Mường Thanh. Hầm đào sâu dưới đất, bên trên lát những tấm thép bê tông hình bán nguyệt. Có mấy anh nhảy lên trên, huơ tay vẫy giả như tổ xung kích cầm cờ đỏ sao vàng phất lên như trong phim thời sự Điện Biên chiến thắng. Tôi bước xuống hầm một đoạn, thấy còn hun hút và không có đèn chiếu sáng, đành quay lên. Nhìn quanh các vườn cây xanh um, tôi không hình dung nổi con đường nào tướng Đờ Cát cùng hàng nghìn quân tướng đã kéo cờ trắng lục tục ra hàng bộ đội của ta.

Rời đồi A1, chúng tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ cách đồi chừng 200 mét. Chúng tôi vào dâng hương ở bàn thờ trung tâm rồi tỏa ra dâng hương ở các ngôi mộ. Tôi mở sổ ghi liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, quê Thanh Hóa, anh hùng lấy thân chèn cứu pháo, hy sinh 21-1-1954. Liệt sĩ Bế Văn Đàn, quê Cao Bằng, anh hùng lấy thân làm giá súng, hy sinh năm 1954, và nhẩm câu bài chòi về tấm gương Bế Văn Đàn ở Bình Định. Liệt sĩ Phan Đình Giót quê Hà Tĩnh, anh hùng lấp lỗ châu mai, hy sinh 13-3-1954. Liệt sĩ Trần Can, quê Nghệ An, anh hùng xung kích, hy sinh 10-4-1954... Và tôi đọc qua các bia mộ, có liệt sĩ hữu danh và liệt sĩ khuyết danh. Tôi chỉ có thể nhớ con số 4.000 liệt sĩ đã hy sinh để làm nên chiến thắng Điện Biên huy hoàng chói sáng...

. H.G

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vân Canh   (14/04/2004)
Vì sao công trình nước sinh hoạt ở Nhơn Hải bị chậm trễ?  (13/04/2004)
Chỗ ở tốt hơn cho người có công với nước  (12/04/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập chủ nghĩa Mác-Lênin  (12/04/2004)
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp: Tích cực, khẩn trương  (11/04/2004)
Thực hiện Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Những tiến bộ khởi sắc   (09/04/2004)
Phòng chống tệ nạn xã hội: Cần cộng đồng chung sức  (08/04/2004)
Thuốc tây tăng giá: Biết rồi, khổ lắm...  (07/04/2004)
Băng, đĩa lậu: Bệnh nhờn thuốc!   (06/04/2004)
Theo dấu vết "Đội Hoàng Sa - Trường Sa"   (05/04/2004)
Chuyện ghi từ Chi bộ Đảng làng Hà Ri   (04/04/2004)
Chuyện hôm qua, hôm nay của những nữ cựu tù chính trị   (04/04/2004)
Cắm mặt vào đá   (02/04/2004)
Các chúa Nguyễn đã khai thác kinh tế biển ở Hoàng Sa và Trường Sa  (06/04/2004)
Căn cứ trước mũi súng   (31/03/2004)