Cộng đồng đồng hành với người tàn tật
9:58', 16/4/ 2004 (GMT+7)

Với sự nỗ lực từ các cơ quan, ban ngành và cộng đồng trong nhiều năm qua, những khó khăn trong cuộc sống của người tàn tật (NTT) tại Bình Định đã được sẻ chia phần nào. Không ít người trong số họ đã tự tin hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

* Gieo niềm tin cho NTT

Đại diện Hội Chữ thập đỏ Bình Định trao tặng xe lăn cho người khuyết tật

Bình Định là một tỉnh thường xảy ra những biến cố do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Trong chiến tranh, Bình Định lại nằm trong khu vực điểm nóng của sự tranh chấp ác liệt giữa ta và địch nên chịu nhiều mất mát. Theo thống kê của Ban điều tra chiến tranh Trung ương, Bình Định là một trong ba tỉnh có lượng chất độc Dioxin của Mỹ rải xuống nhiều nhất. Do đó, chứng tích của chiến tranh gần như có mặt khắp các vùng trên địa bàn tỉnh.

Xuất phát từ tình hình thực tế NTT ở Bình Định và để giúp họ có điều kiện vươn lên hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng, trong những năm qua tỉnh đã rất quan tâm đến công tác chăm sóc NTT. 872 người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học đã được trợ cấp hàng tháng, 1.167 người thuộc diện tàn tật tại cộng đồng được cứu trợ xã hội thường xuyên, đã góp phần xoa dịu nỗi đau và sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh.

Với số lượng lớn NTT không còn khả năng tự phục vụ, sự ra đời của các trung tâm nuôi dưỡng tập trung là hết sức cần thiết và đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho họ. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm tại cộng đồng cũng đã phát huy vai trò trợ giúp học nghề, giải quyết việc làm cho NTT phù hợp khả năng lao động. Mỗi năm, Cơ sở dạy nghề Đồng Tâm thuộc Ban Từ thiện - Xã hội Báo Bình Định và Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga đã tổ chức dạy các nghề: may mặc, đan thêu, điêu khắc, chạm trổ… cho gần 150 trẻ em bị tàn tật có hoàn cảnh khó khăn. Không những là mái ấm giúp người tàn tật sớm hòa nhập với cộng đồng, các cơ sở này còn tạo ra nhiều việc làm thiết thực giúp cho họ cải thiện cuộc sống. Các trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh, được hỗ trợ, đã tạo điều kiện để các em học chữ. Các năm qua, trên địa bàn tỉnh đã duy trì thường xuyên 25 lớp học tình thương với hơn 1.500 em theo học văn hóa và các lớp năng khiếu.

Bình Định hiện có gần 32 ngàn NTT, chiếm tỉ lệ 2,09% dân số. Huyện An Lão có tỉ lệ NTT cao nhất (3,06%) và An Nhơn có tỉ lệ NTT thấp nhất (1,48%). Trong số NTT có 13.905 nữ, 4.608 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống (14,8%), 5.631 người không còn khả năng tự phục vụ trong sinh hoạt và 37 gia đình có từ 4 NTT trở lên. Dạng tật chiếm số đông là khuyết tật vận động (12.201 người). Nguyên nhân: bẩm sinh 39,12%, bệnh tật 37,3%, tai nạn 22%, chiến tranh 1,58%.

Ngoài việc được tạo việc làm, học văn hóa, NTT còn được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ về y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng. Các dự án "Hỗ trợ người khuyết tật nghèo và nạn nhân chất độc da cam", lắp chi giả, dự án phẫu thuật "Vì nụ cười trẻ thơ" được triển khai có hiệu quả. 1.038 lượt trẻ em sứt môi, hở hàm ếch đã được phẫu thuật; 353 trẻ em bị chấn thương, dị tật cơ quan vận động, sẹo bỏng được phẫu thuật chỉnh hình; 19 trẻ em được phẫu thuật điều trị não úng thủy... trong đó nhiều ca có kinh phí được hỗ trợ lên đến hàng chục triệu đồng. Hàng trăm xe lăn, xe lắc tay, chân tay giả được cấp phát miễn phí đến tận tay NTT; nhiều NTT được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hàng năm.

* Rút ngắn dần khoảng cách

Một vấn đề khá bức thiết hiện nay là mới chỉ 3.476 NTT được cấp thẻ BHYT, chủ yếu dành cho những người được nuôi dưỡng tại các trung tâm tập trung. Con số này so với số lượng NTT trong tỉnh là còn quá ít. Bên cạnh đó, chế độ BHYT lại phải thực hiện giống như những đối tượng khác nên cũng phần nào gây khó khăn cho các trung tâm nuôi dưỡng tập trung như Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Ông Bùi Trung Dũng - Trưởng phòng chính sách xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Cái khó nhất vẫn là mức kinh phí hỗ trợ cho NTT còn hạn hẹp. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc. Các chính sách cho người tàn tật mới chỉ thực hiện tốt chủ yếu ở vùng đồng bằng và thành thị; phần lớn NTT ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải "tự thân vận động" là chính. Mấu chốt của những khó khăn nói trên là do công tác xã hội hóa chăm sóc NTT vẫn chưa thật sự phổ biến.

Với sự ra đời của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn này. Bên cạnh đó còn là việc tăng cường sự liên kết các phong trào từ thiện, các tổ chức từ thiện cùng hướng đến sự bình đẳng cho những NTT.

. Hiền Lê

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cộng đồng đồng hành với người tàn tật   (16/04/2004)
Một ngày thăm Điện Biên  (15/04/2004)
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vân Canh   (14/04/2004)
Vì sao công trình nước sinh hoạt ở Nhơn Hải bị chậm trễ?  (13/04/2004)
Chỗ ở tốt hơn cho người có công với nước  (12/04/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập chủ nghĩa Mác-Lênin  (12/04/2004)
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp: Tích cực, khẩn trương  (11/04/2004)
Thực hiện Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Những tiến bộ khởi sắc   (09/04/2004)
Phòng chống tệ nạn xã hội: Cần cộng đồng chung sức  (08/04/2004)
Thuốc tây tăng giá: Biết rồi, khổ lắm...  (07/04/2004)
Băng, đĩa lậu: Bệnh nhờn thuốc!   (06/04/2004)
Theo dấu vết "Đội Hoàng Sa - Trường Sa"   (05/04/2004)
Chuyện ghi từ Chi bộ Đảng làng Hà Ri   (04/04/2004)
Chuyện hôm qua, hôm nay của những nữ cựu tù chính trị   (04/04/2004)
Cắm mặt vào đá   (02/04/2004)