Phi lao thoi thóp
16:10', 16/4/ 2004 (GMT+7)

. Bút ký của Khổng Vĩnh Nguyên

Những ngày biển động, sương khói lên khơi… Khơi dậy trong tôi những luồng gió bấc vút qua những rặng phi lao, chạy dài theo những cồn cát trắng, cát bay mù trời theo hơi sương nước mặn tràn qua những cánh đồng chạy dài ven biển Đông. Đến mùa hè, những doi cát đùng đùng nổi giận, ném vào mặt bộ hành những trận bão cát ghê hồn… Lọc lại sương nước mặn, ngăn được bão cát nhờ có rừng phi lao. Thế mà rừng phi lao (thùy dương) đang thoi thóp, tiếng phi lao vụt qua đời tôi như những cánh chim dồng dộc bay trong ký ức quê nhà một thuở…

Cả một vùng phi lao ven biển Phù Cát, từ Đề Gi đến cửa Kẻ Thử, vươn dài theo cồn cát xuống Huỳnh Giảng, Nhơn Lý, Nhơn Hội, nay chỉ mọc rải rác ven đầm Thị Nại. Nhớ lần Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh Bình Định, do huyện Tuy Phước đăng cai tổ chức tại Huỳnh Giảng, bà con ngư dân về đây họp trại quây quần dưới nắng chang chang, ước gì có rừng thùy dương thì không khí trong lành, tươi vui biết mấy. Vậy mà những xã có rừng phi lao như Cát Tiến, Cát Hải, phi lao đang lụi dần, đang lên tiếng kêu cứu, thở than…

Rừng phi lao Cát Hải xơ xác điêu tàn vì ai? Vì những bàn tay phá hoại, vì những người kiểm lâm vô trách nhiệm. Như khu vực thôn Vĩnh Hội (dưới chân đèo Tân Thanh) phi lao cháy trụi từ lâu, chính quyền xã Cát Hải đã bán đấu giá cả một rừng cây khô, nhưng cho đến giờ vẫn chưa trồng lại. Số phi lao còn lại ở các thôn: Tân Thanh, Chánh Oai, Tân Thắng đang bị kẻ gian chặt trộm dần dần, thậm chí có lần phi lao bị đốn chất ngập cả hè trường Tân Thắng, công khai chờ xe tải về chở đi khắp xứ. Gỗ dương xẻ ván đóng thùng đựng hàng xuất khẩu, làm cừ cọc chịu mặn bền lâu… Và số phận những rừng dương trong các khu du lịch sinh thái đang lâm nạn: "Mùa xuân sang anh lót lá em nằm", du khách đã bẻ những lộc dương non tơ lót nằm tình tự, ngắm biển… Rừng phi lao bị tàn phá, những thảm thực vật cũng đi đời nhà ma… Hỡi sa sâm, xuyên âm, hương phụ nay còn đâu? Và về đâu họp đàn hỡi những đàn chim biển, chim dồng dộc với những chiếc tổ đan cỏ kỳ công nghệ thuật, treo lủng lẳng trên những cành dương cao, nay đã tuyệt nòi từ lúc rừng phi lao thoi thóp, thưa dần.

Ngoài chống gió mùa đông bắc, ngăn sương nước mặn, chống bão cát lấp ruộng nương trong mùa gió nam khô rát, rừng phi lao còn là rừng phòng hộ, rừng biên phòng dọc biển; là lá phổi xanh vạm vỡ nuôi sống dải đất ven biển miền Trung khô cằn. Giờ đây đứng bên bờ đầm Thị Nại nhìn qua Nhơn Hội, Nhơn Lý, Khe Đá, Cát Tiến, chỉ thấy một doi cát vàng ngút mắt. Nhớ có lần đi từ Nhơn Hội qua Nhơn Lý buổi trưa, tôi lấy chính bóng tôi làm bóng mát, rải rác những gốc dương liễu còi cọc, vì cành lá bà con địa phương chặt củi từ lúc nào. Thường thường người thôn này qua chặt rừng dương thôn khác, ngư dân thôn Trung Lương (Cát Tiến) qua chặt phá rừng dương Cát Hải, và bà con thôn Chánh Thiện thì cứ ung dung vào Tân Thắng (Cát Hải) đốn củi rừng dương. Đó là chưa kể bọn "hải tặc" chặt phá rừng dương trong những đêm tối trời, vác xuống thuyền giong tuốt… Ý thức bảo vệ rừng phòng hộ ven biển còn yếu kém, hệ thống tuyên truyền giáo dục hình như không có gì. Thậm chí không có những biển báo Cấm phá rừng, Cấm lửa. Luật rừng ở đây còn quá đỗi thịnh hành. Khâu quản lý quá lỏng lẻo, Lâm trường thường chỉ cử người địa phương làm công tác bảo vệ rừng, mà người địa phương thì thường hay xuê xoa vì bà con quen mặt, vả lại, chế độ trả công chưa cao, thưởng phạt chưa nghiêm minh. Vì thế cho nên vùng thùy dương chạy dọc theo con đường Nhơn Hội - Cát Chánh - Cát Tiến đã bị bà con ở đây lấn chiếm rừng lập vườn, làm nhà.

Để hình thành cho được rừng phi lao ven biển, chúng ta phải tốn kém biết bao là mồ hôi, công sức. Sau ngày giải phóng miền Nam, cả khu vực khu đông núi Bà giáp biển không còn một cây dương nào sống sót, bởi chất độc khai quang của Mỹ. Nhận thức tầm mức quan trọng của rừng phòng hộ ven biển, chính quyền địa phương đã kết hợp với ngành Lâm nghiệp huyện, tỉnh, tiến hành ươm giống phi lao ở những chân ruộng tốt, thích hợp với cây giống là đất vườn thôn Phú Hậu (xã Cát Tiến), khi cây con đúng tuổi trồng, chính quyền địa phương huy động ra quân trồng mới phi lao nhiều đợt, trồng từ mùa đông năm 1976 đến mùa đông năm 1991 - mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!

Lạ thay, khi rừng phi lao đến thời kỳ sung mãn, hạt phi lao phân tán thành những chùm tơ trắng bay theo gió, mọc lên những cây phi lao trên những mỏm đá cao chập chồng, mọc dọc theo gành biển mà chân người không bao giờ trèo lên trồng được, những cây phi lao này mang một vẻ đẹp lạ lùng, cô độc như cây phong trên núi đá trong truyện Thảo nguyên của nhà văn Nga A.P.Taêkhốp.

Rừng phi lao ven biển (khu đông Bình Định) đang kêu gào khoanh vùng trồng lại, đã từ lâu lắm rồi những bãi cồn tròi trọc đang chờ những bàn tay người trồng mới. Và xin mượn một câu Kiều linh cảm gọi thêm: Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương quan!

. K.V.N

Tháng 3-2004

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cộng đồng đồng hành với người tàn tật   (16/04/2004)
Một ngày thăm Điện Biên  (15/04/2004)
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vân Canh   (14/04/2004)
Vì sao công trình nước sinh hoạt ở Nhơn Hải bị chậm trễ?  (13/04/2004)
Chỗ ở tốt hơn cho người có công với nước  (12/04/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập chủ nghĩa Mác-Lênin  (12/04/2004)
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp: Tích cực, khẩn trương  (11/04/2004)
Thực hiện Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Những tiến bộ khởi sắc   (09/04/2004)
Phòng chống tệ nạn xã hội: Cần cộng đồng chung sức  (08/04/2004)
Thuốc tây tăng giá: Biết rồi, khổ lắm...  (07/04/2004)
Băng, đĩa lậu: Bệnh nhờn thuốc!   (06/04/2004)
Theo dấu vết "Đội Hoàng Sa - Trường Sa"   (05/04/2004)
Chuyện ghi từ Chi bộ Đảng làng Hà Ri   (04/04/2004)
Chuyện hôm qua, hôm nay của những nữ cựu tù chính trị   (04/04/2004)
Cắm mặt vào đá   (02/04/2004)