Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh
15:27', 18/4/ 2004 (GMT+7)

Hầu hết những người được tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định là những người già tàn tật, người già cô đơn, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mỗi người có một hoàn cảnh hết sức éo le nhưng dưới mái ấm Trung tâm (TT) này đã thực sự là ngôi nhà của họ.

Nơi đây, có bao nhiêu con người là bấy nhiêu cảnh đời bất hạnh. Họ là những con người đang chịu mất mát lớn trong cuộc đời, nhưng dưới mái nhà chung của xã hội, họ đang tìm được những tháng ngày hạnh phúc, dù đó là nhỏ nhoi. Đó là những đứa trẻ khuyết tật, trẻ bất hạnh bị bỏ rơi ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời, trẻ không may lâm vào cảnh cha mẹ mất sớm, những cụ già không nơi nương tựa. Cụ Nguyễn Thị Kính, hơn 70 tuổi bị liệt hai chân, xúc động cho biết: "Tôi đã trải qua những tháng ngày cơ cực, cơm không có mà ăn, việc di chuyển rất khó khăn, nhiều khi muốn chết đi cho khỏe. Bây giờ được sống ở đây còn gì hạnh phúc hơn, bởi ở đây không chỉ có cơm ăn, áo mặc mà còn có cả sự chia sẻ". Mặc dù bị liệt cả hai chân phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng cụ Kính vẫn nhận chăm sóc cho hai đứa trẻ bị liệt của TT khá chu đáo.

Đại diện chi đoàn Báo Bình Định (bên trái) tặng quà cho Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định (ảnh: Văn Lưu)

Hiện TT đang nuôi dưỡng thường xuyên 166 người, trong đó 84 cụ già và 82 trẻ. Các cụ ở đây từ 70-90 tuổi, có 32 cụ tàn tật, 51 cụ già yếu cô đơn (24 cụ trong số đó còn mắc bệnh tâm thần). Thực ra, con số này chưa tính từ khi thành lập TT, đến nay lớn hơn nhiều. Do tuổi già sức yếu cộng với bệnh tật, nên có nhiều cụ lần lượt ra đi từng năm. Những lần như thế, cán bộ, nhân viên TT lại làm những người con có hiếu, lo lắng tươm tất chu đáo đến phút cuối, tiễn đưa những người đã khuất đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đặc biệt, TT có một nghĩa trang dành riêng cho những mảnh đời bất hạnh, nằm ở không xa TT lắm (xã Nhơn Hòa - An Nhơn). Lúc đang sống không để các cụ cô đơn, lúc chết cũng không để các cụ tủi phận.

Trong số những cán bộ, nhân viên ở đây có những người đã gắn bó với TT từ khá lâu. Các cô Huệ, Ngọc, Hiếu, Hiền... đã có mười mấy năm gắn bó ở đây. Công việc của các cô không dễ dàng chút nào, bởi những người các cô chăm sóc không phải lúc nào cũng khỏe mạnh hay như những người bình thường khác. Vì vậy, đòi hỏi các cô phải là những người chịu thương, chịu khó để gánh vác bao nhiêu chuyện của một người mẹ, người chị, người con, từ chăm sóc chu đáo, tận tụy đến cư xử nhẹ nhàng, tình cảm. Cô Nguyễn Thị Hiền tâm sự: "Nhiều người già bị lẫn, mỗi khi đi cầu xong lại ngồi bốc phân chơi như một đứa trẻ lên 1 không biết gì. Thế là mình phải dỗ dành để đưa đi tắm rửa".

Riêng 84 cháu nhỏ ở TT, trong đó có 14 cháu bị tàn tật vừa mới sinh đã bị bỏ rơi, nên công việc chăm sóc của các cô giáo dưỡng của TT vất vả trăm bề. Các cô như những bà mẹ thật sự lo cho con mình, từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc học hành, dạy các cháu lễ phép, biết yêu thương nhau như anh em ruột. Khi được hỏi ở TT có vui không, cháu Lý Thị Mỹ Chi, kể: "Từ bé cháu không biết Tết Trung thu là gì, cũng không được đi học. Khi về đây, mỗi Tết Trung thu cháu được phát bánh kẹo, được cho đèn ông sao, được đi học với các bạn vui lắm". Hiện bé Chi còn có một người anh trai cũng đang ở TT. Cả hai mồ côi cả cha lẫn mẹ, do cha mẹ của 2 em đi làm nghề đốt than ở Gia Lai, không may bị rơi xuống hầm than chết cháy. Giờ đây, TT đã là mái ấm của 2 anh em. Được chứng kiến các cháu vui chơi, học bài lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, yêu thương, gắn bó như trong một mái nhà, ai cũng cảm thấy ấm lòng.

Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc TT khoe: "Hiện có 43 cháu đang học cấp 1 và 2 ở ngoài cộng đồng, 14 cháu đang học nghề tại Trường công nhân kỹ thuật Quy Nhơn, 1 cháu đang học tại Trường trung học kinh tế - kỹ thuật Bình Định, 1 cháu đang học Cao đẳng Sư phạm Bình Định, đặc biệt có một cháu đang học năm 4 tại trường Đại học Thủy sản Nha Trang".

Người mà ông Châu khoe đang học đại học ở Nha Trang là Trương Hùng Sơn. Sơn mồ côi cả cha lẫn mẹ và được đưa vào TT khi mới 12 tuổi. Chuyện đến được giảng đường đại học của Sơn cũng là một dịp tình cờ. Trong một lần về thăm TT, ông Huỳnh Phi Dũng, một doanh nghiệp ở Bình Dương quê gốc Bình Định, biết được hoàn cảnh và sự ham học của Sơn, ông đã tạo điều kiện để Sơn thi vào đại học.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Nhà nước và các đoàn thể, tổ chức từ thiện, nên cơ sở vật chất của TT được xây dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi cho các cụ và các cháu từ ăn ở đến sinh hoạt. Có thể nói, dưới mái ấm TT này, các cụ già đã và đang được sống những ngày cuối đời thanh thản và hạnh phúc. Và ở đây, những đứa trẻ ở TT cũng lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Nơi đây, dưới mái nhà cộng đồng, các em được sưởi ấm bằng tất cả tấm lòng, và cũng chính nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn các em, ấp ủ những hoài bão, ước mơ của các em. Và rồi sẽ tiếp tục có những em sẽ được bước chân vào giảng đường đại học như Hùng Sơn.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (18/04/2004)
Xã vùng cao Đăk Mang một tuần trước ngày bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp  (18/04/2004)
Xã vùng cao Đăk Mang một tuần trước ngày bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp  (18/04/2004)
Phi lao thoi thóp   (16/04/2004)
Cộng đồng đồng hành với người tàn tật   (16/04/2004)
Một ngày thăm Điện Biên  (15/04/2004)
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vân Canh   (14/04/2004)
Vì sao công trình nước sinh hoạt ở Nhơn Hải bị chậm trễ?  (13/04/2004)
Chỗ ở tốt hơn cho người có công với nước  (12/04/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập chủ nghĩa Mác-Lênin  (12/04/2004)
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp: Tích cực, khẩn trương  (11/04/2004)
Thực hiện Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Những tiến bộ khởi sắc   (09/04/2004)
Phòng chống tệ nạn xã hội: Cần cộng đồng chung sức  (08/04/2004)
Thuốc tây tăng giá: Biết rồi, khổ lắm...  (07/04/2004)
Băng, đĩa lậu: Bệnh nhờn thuốc!   (06/04/2004)