Tháng 5 năm 1946, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Paris làm thượng khách của chính phủ Pháp, Cụ Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đến hỏi Bác nếu ở nhà xảy ra những chuyện phức tạp thì nên xử sự như thế nào. Bác trả lời ngắn gọn một câu "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Thấu suốt tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, Cụ Huỳnh đã giải quyết suôn sẻ, hiệu quả, hợp lòng dân mọi sự cố gay cấn ở trong nước.
Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin thích ứng với thực tiễn cách mạng nước ta và bối cảnh quốc tế. Tư tưởng "Dĩ bất biến ứng vạn biến" là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính nguyên tắc, tính kiên định, tính vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, tính uyển chuyển của sách lược; giữa đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng; giữa kế thừa và đổi mới. Bác chỉ rõ cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mục tiêu chiến lược là bất di bất dịch. Nhưng tùy hoàn cảnh cụ thể ở trong nước và quốc tế, tùy từng giai đoạn lịch sử mà đề ra những sách lược uyển chuyển, phù hợp.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta đứng trước tình hình như nghìn cân treo sợi tóc: nạn đói hoành hành, tài chính kiệt quệ, ngân khố rỗng không, chính quyền còn non trẻ lại phải cùng một lúc đương đầu với nhiều kẻ thù: hành động gây hấn, xâm lược của thực dân Pháp ở miền Nam, âm mưu lật đổ của Tưởng Giới Thạch và tay sai ở miền Bắc. Nhận rõ mâu thuẫn giữa hai tập đoàn đế quốc Anh-Pháp và Mỹ-Tưởng trong vấn đề Đông Dương và căn cứ vào âm mưu và hành động cụ thể của từng tên đối với chính quyền cách mạng, Đảng và Bác chủ trương thực hiện sách lược hòa với Tưởng để kháng chiến chống Pháp. Ta đồng ý cho một số tên tay sai của Tưởng tham gia chính phủ liên hiệp lâm thời và sau đó mặc dù bọn Quốc Dân đảng không cử người ra ứng cử Quốc hội, nhưng ta vẫn nhường cho chúng 72 ghế trong Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là giải pháp thêm bạn bớt thù có lợi cho cách mạng. Đến khi bộ mặt phản dân, hại nước của Quốc Dân đảng bị phơi bày sau vụ Ôn Như Hầu, ta mới thẳng tay trừng trị bọn tay sai của giặc Tưởng.
Sau ngày ta giành chính quyền về tay nhân dân, một bộ phận đáng kể trong tầng lớp trung gian, tầng lớp trên, tầng lớp trí thức còn chưa hiểu và e ngại Đảng Cộng sản. Để thu phục nhân tâm, đoàn kết toàn dân, tháng 11 năm 1945 Đảng ta tuyên bố "tự giải tán", "sự thật là Đảng rút vào bí mật. Và dù là bí mật, Đảng vẫn lãnh đạo chính quyền và nhân dân" (Lời Hồ Chủ tịch). Và đến Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2-1951), khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta ngày càng lớn mạnh, tình hình quốc tế có nhiều thuận lợi, Đảng và Bác chủ trương Đảng ra hoạt động công khai với tên mới Đảng Lao Động Việt Nam, kế thừa truyền thống của Đảng Cộng sản Đông Dương đảm nhận sứ mệnh lịch sử trọng đại vừa tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa có nghĩa vụ giúp đỡ các Đảng cách mạng ở Lào và Campuchia đấu tranh giành thắng lợi. Như vậy dù hoạt động bí mật hay công khai, dù mang tên Đảng Cộng sản, Đảng Lao động hay Đảng nhân dân cách mạng, dù "vạn biến" như thế nào, nhưng bản chất "bất biến" là Đảng ta vẫn là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động (nay bổ sung Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng).
Những năm đầu cuộc kháng chiến, khi lực ta chưa đủ mạnh, thế ta chưa đủ vững, Đảng và Bác chủ trương ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946. Đây là thượng sách nhằm tận dụng thời gian hòa hoãn ra sức củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng mọi mặt đủ sức kháng chiến chống Pháp lâu dài, đảm bảo giành thắng lợi cuối cùng…
Trên đây là một vài minh chứng nói lên sự đúng đắn và tính hiệu quả của nguyên lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Trong hoạt động cách mạng, không thể giáo điều, rập khuôn, xơ cứng, lại càng không thể xét lại, cơ hội, đi chệch mục tiêu chiến lược mà phải nghiêm túc kế thừa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời phải nhạy bén với thực tiễn, không ngừng sáng tạo, đổi mới và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin lên một tầm cao mới thích ứng với thời đại và từng giai đoạn lịch sử.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về "Dĩ bất biến ứng vạn biến" là tài sản vô giá của các thế hệ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau. Chúng ta phải hết sức trân trọng, ra sức kế thừa vận dụng và phát huy.
. Hoài Nam |