Học sinh cận thị - SOS!
16:50', 19/4/ 2004 (GMT+7)

Một lần tình cờ nhìn thấy các học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong giờ thể dục, tôi đã giật mình. Có đến 1/3 số học sinh của lớp đang đeo kính... Nhưng khoan, chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện "bốn mắt" từ những học sinh tiểu học.

* Cận từ lớp một

Thầy hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt - TP Quy Nhơn dẫn tôi đi dọc các dãy lớp để đếm những học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đang đeo kính. 1, 2, 3, 4… trung bình mỗi lớp có đến 4-5 học sinh đang đeo kính cận và tỷ lệ này tăng dần ở các lớp trên. Tại lớp 2C cô giáo Huỳnh Thị Tài cho biết: "Ngoài số em đã đeo kính thì học sinh ngồi ở hai bàn đầu hầu hết là yếu mắt. Phụ huynh của một số em đã đến trường thông báo và đề nghị tôi xếp các cháu lên ngồi tại các bàn trên cùng". Vậy làm thế nào để biết mắt các em có yếu hay không? Cô Tài cho biết: "Biểu hiện của các em là mắt nhìn có vẻ mày mạy, lơ ngơ, sự tập trung nghe giảng cũng giảm. Tôi đã đề nghị gia đình đưa các em đi khám, tuy nhiên, chưa thấy các em đeo kính!".

Thấy một học sinh của lớp đang nhìn lên bảng đen với đôi mắt kính hơi dày, tôi lại gần hỏi xem em đeo kính từ bao giờ. Đỗ Dương Tôn - tên cậu học sinh - trả lời: "Cháu bị cận từ lớp 1 và đang phải đeo kính tới 4 độ". Đặc biệt, tại lớp 4B, số học sinh đang đeo kính lên đến 13/45 em. Cô Thanh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: "Đầu năm học chỉ có khoảng 7-8 em phải đeo kính vậy mà bây giờ đếm lại số học sinh bị cận thị tôi cũng giật mình". Thành Trung, một học sinh của lớp cho biết "Cháu cận từ năm học lớp hai. Hồi đó, mỗi lần đi thi, cháu nhìn cô ghi đề bài trên bảng không rõ nên đã làm sai. Ba cháu đã dẫn cháu đi khám và bác sĩ cho đeo kính 1,5 độ. Nhưng bây giờ, độ cận của cháu đã tăng lên 4,75 độ". Trung còn cho biết thêm, trong gia đình em, mẹ cũng bị cận thị từ nhỏ. Ngồi bên cạnh Trung là bạn Giao cận 3,5 độ, phía sau là bạn Thuyên cận 3,5 độ, rồi bạn Dũng cận 1,5 độ. Điểm qua những khuôn mặt học trò tiểu học xinh xắn, dễ thương nhưng trong đôi kính cận, trông các em "già" hẳn đi.

* Cận ở trường chuyên

Học sinh trường chuyên cận thị khoảng bao nhiêu phần trăm? Trả lời câu hỏi của tôi, thầy Võ Công Trí mở ngay sổ điểm danh và vận dụng trí nhớ để đếm xem học sinh nào của thầy đã phải đeo kính cận: Lớp 12 Văn có 12/21 em, lớp 12 Hóa 15/24 em, lớp 12 Toán 12/24 em, lớp 12 Lý 11/23 em... Nhìn qua, có thể thấy ngay tỉ lệ học sinh lớp 12 ở trường chuyên bị cận đã vượt  trên một nửa. Thầy Trí nhận xét: "Lớp văn của tôi hai năm về trước mới chỉ có khoảng 6-7 học sinh mang kính, vậy mà bây giờ đã đông lên 5-6 em nữa. Tôi biết có khá nhiều em đã phải thường xuyên đổi kính vì bị tăng độ". Tại sân trường, tôi gặp các bạn học sinh lớp 10 Hóa đang học nhảy xa trong giờ thể dục. Thầy Kinh đang phụ trách giờ học cho biết: "Một số học sinh thấy bất tiện, vướng víu, bỏ kính ra nên khi học, các em cứ lấy đà trật khỏi tấm ván dậm nhảy". Để giúp các em khắc phục, trường đã kẻ sơn trắng thật rõ xung quanh ván cho học sinh dậm nhảy chính xác. Học thể dục, đã khó khăn thế, nói chi đến những phiền hà, rắc rối khác trong cuộc sống. Chỉ riêng cái khoản phải tốn tiền mua kính, đổi kính cũng không hề nhỏ đối với những trò nghèo rồi.

* Và chuyện bàn ghế ở một trường "chuẩn"

Một điều không bình thường khi đến thăm Trường tiểu học Lý Thường Kiệt là bàn ghế học sinh ở đây hình như quá "khiêm tốn" so với khổ người của học sinh. Đi từ các lớp 1 đến lớp 5, tôi đều nhìn thấy hình ảnh các cô cậu học trò phải chồm cả nửa người, lưng hình vòng cung, mặt người song song với mặt bàn. Nói lại cảm giác này, các cô giáo cũng đồng tình: "Các em phải ngồi không đúng tư thế là do ngăn hộc bàn rất thấp. Học sinh không thể đưa chân vào dưới gầm bàn, do đó phải chồm lên mặt bàn để viết nên nhìn vào có cảm giác như bàn rất thấp, không tương ứng với ghế ngồi". Anh Vinh, một phụ huynh của lớp 4B tỏ thái độ lo lắng: "Trước đây, họp phụ huynh nhiều bậc cha mẹ cũng rất băn khoăn cho rằng bàn ghế học sinh ở trường khá thấp so với tầm vóc của các em. Chúng tôi cũng đã đề nghị được đóng tiền để nhà trường cho thợ nâng chân bàn lên cao thêm khoảng 10 cm nữa nhưng chưa được đồng ý". Nhắc lại chuyện này với ông Nguyễn Trọng Phiệt, Hiệu trưởng nhà trường thì được giải thích, trường cũng đã hỏi ý kiến những người có chức năng rồi nhưng đều được trả lời rằng, trường được Chính phủ Nhật đầu tư xây dựng theo đúng thiết kế chuẩn. Bàn ghế học sinh, giáo viên và các trang thiết bị khác cũng vậy, đã được thực hiện theo những quy chuẩn quốc gia và khi bàn giao, ngành cũng đã đối chiếu khá kỹ lưỡng với những chuẩn ấy".

Những người có trách nhiệm thì nói như vậy, nhưng thực tế phụ huynh học sinh và nhiều người đến trường vẫn không thoát khỏi cái cảm giác, học sinh ở đây đang phải ngồi học trên những bộ bàn ghế không đảm bảo kích cỡ. Trường "chuẩn" đã thế thì những trường chưa "chuẩn" sẽ ra sao?

. Minh Ngọc

 

Theo "chuẩn" của Bộ Y tế, nước ta hiện nay (và một số nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng) đã ghi trong điều lệ vệ sinh học đường, kích thước chiều bàn ghế và hiệu số chiều cao bàn và ghế phải phù hợp với từng cấp học. Ví dụ ở mẫu giáo: bàn cao 46 cm hoặc 50 cm; ghế cao tương ứng là 27 cm và 30 cm. Ở tiểu học: bàn cao 50 cm hoặc 55 cm hay 61 cm; ghế cao tương ứng lần lượt: 30 cm, 33 cm, 38 cm. THCS bàn cao 55 cm, 61 cm, 69 cm; ghế cao tương ứng lần lượt 33 cm, 38 cm, 44 cm. Ở THPT: bàn 69 cm, 74 cm; ghế 44 cm hay 46 cm.

Hiệu số độ cao bàn và ghế cũng tương ứng từng cấp học. Ở mẫu giáo hiệu số đó là:18-20 cm; tiểu học là 20-23 cm; THCS là 22-25 cm; THPT là 25-28 cm (không vượt quá 30 cm). Nếu hiệu số chiều cao giữa bàn và ghế quá lớn dẫn đến các em phải nhìn vào vở rất gần gây nên cận thị, ngoài ra dễ lệch cột sống vì khi viết phải nâng vai lên, nghiêng mình sang trái.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Học sinh cận thị - SOS!  (19/04/2004)
Người phụ nữ vượt lên số phận   (19/04/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến"  (19/04/2004)
Huỳnh Trọng Quý - người đạt giải nhất cuộc thi Báo cáo viên giỏi Tư tưởng Hồ Chí Minh tỉnh  (19/04/2004)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (18/04/2004)
Xã vùng cao Đăk Mang một tuần trước ngày bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp  (18/04/2004)
Phi lao thoi thóp   (16/04/2004)
Cộng đồng đồng hành với người tàn tật   (16/04/2004)
Một ngày thăm Điện Biên  (15/04/2004)
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vân Canh   (14/04/2004)
Vì sao công trình nước sinh hoạt ở Nhơn Hải bị chậm trễ?  (13/04/2004)
Chỗ ở tốt hơn cho người có công với nước  (12/04/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập chủ nghĩa Mác-Lênin  (12/04/2004)
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp: Tích cực, khẩn trương  (11/04/2004)
Thực hiện Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Những tiến bộ khởi sắc   (09/04/2004)