Nhiều giáo viên mầm non, mẫu giáo chưa được tham gia BHXH
16:52', 20/4/ 2004 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh mới có 846 lao động của 96 cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo ngoài công lập tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), chỉ mới đạt tỷ lệ 38,2%. Vì sao vẫn còn số đông giáo viên mầm non, mẫu giáo tư thục chưa được tham gia BHXH?

* Chiếc "đũa thần" đã có

Nhiều giáo viên mầm non, mẫu giáo chưa được tham gia BHXH (ảnh minh họa)

Cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo hiện hoạt động dưới 2 hình thức chủ yếu là công lập và ngoài công lập, trong đó hình thức ngoài công lập chiếm đa số, với 3 loại hình: bán công, dân lập và tư thục. Trong xu thế xã hội hóa công tác giáo dục, hệ thống giáo dục mầm non, mẫu giáo đang được chuyển từ công lập sang bán công. Ngày 19-8-1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP đưa ra các chế độ, chính sách, khuyến khích phát triển hình thức ngoài công lập trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, trong đó có chính sách BHXH. Theo đó, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo ngoài công lập được tham gia và hưởng quyền lợi về BHXH-BHYT như những đơn vị công lập tham gia BHXH bắt buộc. Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9-1-2003 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung điều lệ BHXH đã đưa giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo ngoài công lập vào đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo ngoài công lập phải có trách nhiệm đóng BHXH-BHYT cho giáo viên.

Tuy nhiên, qua gần 2 năm triển khai, việc thực hiện chế độ BHXH-BHYT đối với giáo viên mầm non, mẫu giáo kết quả đạt được còn quá khiêm tốn. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện chỉ có 846/2.213 giáo viên của 96/163 cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 38,2%. Phần lớn, giáo viên mầm non, mẫu giáo ngoài công lập, nhất là khối dân lập và tư thục, chưa được tham gia BHXH.

* Chưa góp sức giơ cao

Nguyên nhân của tình hình trên là do sự phân cấp quản lý ở địa phương còn thiếu nhất quán, thiếu sự chỉ đạo thống nhất của cấp có thẩm quyền. Việc trích nộp BHXH cho giáo viên mầm non, mẫu giáo mỗi thời điểm thực hiện mỗi khác, năm này thì giao cho phòng giáo dục đảm trách, năm khác lại giao cho UBND xã thực hiện; nguồn kinh phí trích nộp BHXH cho giáo viên chưa được xác định rõ là ngân sách của ngành giáo dục hay ngân sách địa phương, nên còn lúng túng trong việc thực hiện trích nộp. Với các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo dân lập và tư thục, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chưa có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên về việc thực hiện chế độ BHXH đối với giáo viên, trong khi vẫn còn một số giáo viên, nhất là ở tuyến xã, chưa hiểu biết nhiều về chính sách BHXH. Mặt khác, hệ thống văn bản pháp lý về thực hiện BHXH cho giáo viên mầm non, mẫu giáo chưa hoàn chỉnh, thiếu các văn bản hướng dẫn liên ngành nên việc thực hiện BHXH cho giáo viên mầm non, mẫu giáo gặp nhiều khó khăn.

* Việc phải làm

Thiết nghĩ trước hết Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về thực hiện BHXH đối với giáo viên mầm non, mẫu giáo, trong đó cần thiết phải có văn bản hướng dẫn liên ngành của Bộ Giáo dục & Đào tạo - Bảo hiểm xã hội Việt Nam để cụ thể hóa Nghị định số 01/2003/NĐ-CP của Chính phủ trong việc thực hiện BHXH cho giáo viên mầm non, mẫu giáo, tạo thuận lợi cho các đơn vị trực thuộc của hai ngành có cơ sở pháp lý trong phối hợp tổ chức thực hiện. Song điều quan trọng là UBND tỉnh cần quan tâm tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan như Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Tài chính, BHXH và UBND huyện, thành phố phối hợp tốt trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH-BHYT cho giáo viên mầm non, mẫu giáo trên địa bàn; cần phân công rõ trách nhiệm của các ngành liên quan và quy định rõ nguồn kinh phí đóng BHXH cho từng loại hình cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo, nhằm tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và thiếu nhất quán trong tổ chức thực hiện.

Về phía các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo ngoài công lập cần xác định rõ trách nhiệm trong việc đóng BHXH-BHYT cho giáo viên trong đơn vị, đó vừa là nghĩa vụ theo luật định, song cũng là việc làm cần thiết để đảm bảo duy trì hoạt động của đơn vị trong xu thế xã hội hóa công tác giáo dục hiện nay.

. Minh Thư

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Học sinh cận thị - SOS!  (19/04/2004)
Người phụ nữ vượt lên số phận   (19/04/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến"  (19/04/2004)
Huỳnh Trọng Quý - người đạt giải nhất cuộc thi Báo cáo viên giỏi Tư tưởng Hồ Chí Minh tỉnh  (19/04/2004)
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh  (18/04/2004)
Xã vùng cao Đăk Mang một tuần trước ngày bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp  (18/04/2004)
Phi lao thoi thóp   (16/04/2004)
Cộng đồng đồng hành với người tàn tật   (16/04/2004)
Một ngày thăm Điện Biên  (15/04/2004)
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vân Canh   (14/04/2004)
Vì sao công trình nước sinh hoạt ở Nhơn Hải bị chậm trễ?  (13/04/2004)
Chỗ ở tốt hơn cho người có công với nước  (12/04/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập chủ nghĩa Mác-Lênin  (12/04/2004)
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp: Tích cực, khẩn trương  (11/04/2004)
Thực hiện Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Những tiến bộ khởi sắc   (09/04/2004)