Thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, gọi tắt là Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCƠCS), Tỉnh ủy đã thành lập BCĐ thực hiện QCDCƠCS của tỉnh và triển khai học tập, quán triệt, thực hiện các chỉ thị của Đảng và các nghị định của Chính phủ đến các địa phương, các ngành trong toàn tỉnh.
|
Bê tông hóa giao thông nông thôn - một trong những công việc được thực hiện theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" |
Qua 5 năm thực hiện QCDCƠCS, Ban chỉ đạo đánh giá: Các địa phương đã coi trọng hơn việc công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí, các khoản thu trong nhân dân. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy ước, hương ước làng xã, khu dân cư một cách chặt chẽ, bài bản hơn. Việc tổ chức bầu thôn - khu vực trưởng và các Ban Thanh tra nhân dân có sự tham gia quyết định của nhân dân. Hoạt động của các tổ chức tự quản ở cộng đồng dân cư đã đi vào nề nếp. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã được cụ thể hóa ở hầu khắp các xã, thôn, khu vực.
Kết quả thực hiện QCDCƠCS bước đầu đã phát huy được vai trò của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và và quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Qua đó, tạo thêm động lực mới để thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng của quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương như phong trào chuyển dịch cơ cầu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giám nghèo, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội... Nhân dân và Nhà nước cùng làm những công trình điện, trường học, bê tông hóa giáo thông nông thôn, các đường hẻm... Thông qua tổ chức tự quản, các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được hòa giải từ cơ sở, hạn chế được tình trạng khiếu kiện vượt cấp phát sinh ra những điểm "nóng". Nhân dân cũng đã tích cực góp phần xây dựng đảng, chính quyền đoàn thể vững mạnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đấu tranh, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí.
Việc lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, góp ý cho các cán bộ lãnh đạo chủ chốt; lấy ý kiến của cấp ủy, chính quyền nơi cư trú góp ý cán bộ, đảng viên theo định kỳ hàng năm hoặc khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào cấp ủy và các cơ quan dân cử được thực hiện tốt đã và đang phát huy tác dụng trong công tác xây dựng đảng và công tác quản lý đảng viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển động tích cực đó, việc thực hiện QCDCƠCS vẫn còn nhiều hạn chế như tính hiệu quả nhìn trên cục diện rộng còn thấp. Nhiều nơi chưa gắn chặt việc thực hiện QCDCƠCS với cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng. Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội ở nhiều nơi chưa phát huy tốt vai trò, chức năng của mình trong việc giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện QCDCƠCS.
Để đẩy mạnh việc thực hiện QCDCƠCS trong thời gian tới, Tỉnh ủy đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với chính quyền. Mặt trận và các hội, đoàn thể cần phát huy quyền làm chủ của quần chúng, nhân dân ở cơ sở, xây dựng quy chế phối hợp thực hiện nghiêm túc quy chế. Từng cơ quan cũng phải xây dựng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, xác định nội dung xây và chống để phấn đấu và làm cơ sở kiểm tra, đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm sát, đúng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc ngăn chặn tham nhũng, xây dựng cơ chế để vận động nhân dân giám sát, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí của cán bộ, công chức...
. Minh Ngọc |