Sau 9 năm phát động, đến nay phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở Bình Định đã lan rộng đến tất cả các địa phương trong tỉnh với sự tham gia của hàng ngàn đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Tuy nhiên, 9 năm qua, việc sử dụng máu do thanh niên hiến tình nguyện (TN) tại các bệnh viện (BV) không hề nằm dưới một sự kiểm soát nào.
* Sức mạnh một phong trào
|
Thiếu máu điều trị đang là bức xúc và nan giải ở BVĐK tỉnh (Trang Xuân Chi) |
Thiếu máu điều trị là một thực tế đầy bức xúc và nan giải ở các BV. Ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, lượng máu nhận được từ nguồn hiến TN và thân nhân người bệnh chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về máu điều trị của BV. Còn tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, lượng máu do thanh niên hiến TN cũng chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu của BV.
Nhưng để có được con số 25% hay 30% ấy là cả một quá trình. Trước năm 2000, cả tỉnh chỉ có vài địa phương phát động được phong trào HMTN. Trong những đợt vận động HMTN ấy, có khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, Đoàn Thanh niên... phải tiên phong hiến máu để động viên phong trào. Còn đến nay thì phong trào này đã phủ sóng tất cả các huyện, thành phố và bắt nhịp đến cả những đơn vị trực thuộc như Đoàn Dân Chính Đảng, Trường ĐH Quy Nhơn.... Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Bình Định, từ năm 1997 đến hết quý I/2004 đã có gần 8.000 ĐVTN đăng ký HMTN, trong đó có 2.583 người cho máu.
Nhưng phong trào HMTN không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ các đợt phát động. Ở Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Phước, sự ra đời của các CLB Ngân hàng máu sống đã tăng "tính chiến đấu" cho phong trào. Bất cứ khi nào bệnh nhân nghèo cần máu để điều trị, các thành viên của Ngân hàng máu sống ngay lập tức có mặt để cứu người. Anh Huỳnh Tấn Phong - phụ trách CLB Ngân hàng máu sống Thành Đoàn Quy Nhơn - không dấu được niềm tự hào khi nói về CLB: "Với Ngân hàng máu sống, chúng tôi mong muốn được làm một việc gì đó thật cụ thể và hữu ích để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình".
* Công khai thông tin để đẩy mạnh phong trào
Tại BVĐK tỉnh, từ năm 1997 đến 30-9-2003:
- Số người cho máu TN: 1.725 người
- Lượng máu hiến TN: 418,35 lít
- Lượng máu hiến TN bị hủy: 65,5 lít.
- Lượng máu truyền miễn phí cho bệnh nhân: 108,65 lít (từ 1-2000 đến 9-2003).
(Theo báo cáo nội bộ của BVĐK tỉnh) |
Để thúc đẩy phong trào HMTN của tỉnh, năm 1999 UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo vận động (BCĐVĐ) HMNĐ. 5 năm qua, số người tình nguyện và lượng máu hiến ngày càng nhiều. Tuy vậy, một vấn đề gây khá nhiều thắc mắc cho ĐVTN họ không được biết cụ thể máu do họ hiến với tinh thần nhân đạo đã được các BV sử dụng như thế nào. Chị T.T.L - một hội viên Hội LHTN Tuy Phước, người đã tham gia hiến máu 2 lần tâm sự: "Chúng tôi cần biết máu hiến đã được sử dụng như thế nào để còn có cơ sở vận động mọi người tham gia hiến máu chứ. Đặt vấn đề như vậy nhưng chưa bao giờ được giải đáp một cách cụ thể."
Anh Huỳnh Cao Nhất - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định, Phó BCĐVĐ HMNĐ tỉnh - xác nhận: "Đúng là có dư luận thanh niên thắc mắc việc họ không được biết BV đã sử dụng máu hiến TN như thế nào? Vấn đề thông tin đầy đủ và rõ ràng cho thanh niên biết việc sử dụng máu hiến TN đã được nêu ra rất nhiều lần tại các cuộc họp ở Tỉnh Đoàn nhưng chính Tỉnh Đoàn cũng chỉ nhận được các câu trả lời chung chung từ BVĐK tỉnh. Chúng tôi đề nghị sau 1 năm BCĐVĐ HMNĐ nên tổng kết và cho biết cụ thể về tình hình sử dụng máu hiến TN".
Tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã gặp ông Đào Duy Chấp- Chủ tịch Hội CTĐ Bình Định, Phó trưởng BCĐVĐ HMNĐ tỉnh – và được ông Chấp cho biết: "Chúng tôi chỉ có trách nhiệm vận động, phối hợp với ngành y tế và Đoàn Thanh niên tổ chức lấy máu. Còn việc thu gom và sử dụng máu là của Sở Y tế và các BV". Còn BS Nguyễn Đồng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định cho biết: "Đến tháng 10-2003, BVĐK tỉnh mới thống kê số liệu về HMTN từ năm 1997 đến tháng 9-2003. BV không làm thống kê, báo cáo về tình hình thu nhận, sử dụng máu hiến TN cho BCĐVĐ HMNĐ tỉnh vì không ai bắt báo cáo!".
Nếu biết đích xác máu hiến tình nguyện đã cứu được bao nhiêu người, bao nhiêu người đã được tặng máu đúng như tinh thần "máu của bạn là sinh mạng của đồng loại" chắc chắn phong trào sẽ còn phát triển mạnh hơn. Bằng chứng sinh động là các CLB Ngân hàng máu sống đã nâng ý nghĩa của phong trào HMTN được lên rất nhiều. Điều mà những người tham gia CLB Ngân hàng máu sống tâm đắc nhất chính là họ biết được máu do họ hiến TN đã trực tiếp giúp đỡ ai qua cơn hiểm nghèo. Vì thế, thiết nghĩ, dù lượng máu mà BVĐK tỉnh và BVĐK khu vực Bồng Sơn thu nhận từ nguồn hiến TN chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu máu điều trị tại cơ sở mình thì cũng nên thông báo cụ thể tình hình thu nhận, sàng lọc, sử dụng cho mọi người biết, nhất là với ĐVTN - những người đã trực tiếp hiến máu. Việc làm này không chỉ giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc HMTN mà còn có tác dụng thúc đẩy phong trào HMTN, kêu gọi nhiều người cùng chung sức với cộng đồng trong việc xã hội hóa y tế.
. Nguyên Sương
|