Chợ... "chạy" !
17:51', 4/5/ 2004 (GMT+7)

Trước đây, để lo toan cho bữa ăn hàng ngày, người nội trợ ở các vùng nông thôn phải mua thức ăn dự trữ cho gia đình trong 5 ngày, bởi cách 5 ngày mới có một phiên chợ. Bây giờ thì một bước đã ra đến chợ. Thậm chí chợ còn "chạy" đến tận nhà để phục vụ những người phụ nữ năng động ở các vùng quê.

* Tiện ích mọi bề

Những người buôn chuyến đưa hàng hóa đến từng nhà ở vùng cao

Mỗi ngày, cứ đến quãng 8 giờ sáng là trên khắp mọi nẻo đường quê xuất hiện những cái "chợ chạy"! Đó là những chiếc xe đạp cà tàng, hai bên baga là 2 chiếc giỏ sắt chứa đầy những loại thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày như: thịt bò, thịt heo, mắm, mực, tôm, cá và các thứ rau quả… Chủ nhân của những cái "chợ chạy" ấy hầu hết là phụ nữ. Gọi là "chợ chạy" bởi những cái chợ ấy không bày bán một nơi nào cố định. Bất cứ là một khu dân cư nào, bất cứ dưới một bóng mát nào cũng là nơi có thể bày chợ. Chợ được bày trên những tấm ni lông khổ rộng không quá 2 m2. Điều lý thú ở những cái chợ chạy này là giữa người mua người bán không có chuyện trả treo, mặc cả. Ngoài những món rau quả, tất cả những thực phẩm khác đều đã được chủ nhân chia phần trong những chiếc bì nhựa nho nhỏ. Và giá thành của mọi món trong những chiếc bì nhựa ấy đều không quá 2.000đ, rất thích hợp với túi tiền của nông dân.

Từ khi có những cái "chợ chạy", hầu hết người nội trợ nông thôn không còn phải mất thời gian cho việc đi xa hàng 5-3 cây số để mua thức ăn nữa mà dành thời gian ấy vào công việc đồng áng, vào việc chăn nuôi hoặc chăm sóc con cái. Sau khi đã thỏa mãn nhu cầu cho một khu dân cư nào đó rồi mà "chợ" vẫn còn cái để bán thì những chủ nhân lại cho "chợ" lên xe, tiếp tục rong ruổi. Có người vừa đi vừa rao "chợ đây, chợ đây…". Nghe tiếng gọi là lập tức "chợ" liền ghé vào… tận cửa. Việc mua bán chỉ diễn ra trong thoáng chốc và "chợ" lại tiếp tục "chạy". Dọc đường, nếu không có ai kêu mua hàng thì chủ nhân lại tiếp tục tìm một bóng mát ở một khu dân cư khác mà bày "chợ". Cứ như thế cho đến khi những chiếc giỏ sắt trống rỗng.

* Tâm tình kẻ bán, người mua

Một lần ghé chợ, tôi được nghe bà Lê Thị Lý (62 tuổi) ở thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, An Nhơn - chủ nhân của một cái "chợ chạy" tâm sự: "Tôi đã lớn tuổi, sức khỏe kém, chẳng biết việc gì làm để đỡ đần cho con cái nên mới nghĩ ra công việc này. Không ngờ nó lại đáp ứng được nhu cầu của nhiều người, nên chuyện làm ăn cũng được suôn sẻ. Công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc lắm, chịu khó vào lúc 4 giờ 30 sáng mỗi ngày thức dậy xuống chợ thị trấn Bình Định để "sắm chợ". Ai có nhiều vốn thì "sắm chợ" phong phú hơn một chút. Ai ít vốn như tôi thì với 70.000đ cũng có được một cái "chợ"! Mỗi món mua một ít, mua xong phân đều cho vào bì rồi đi bán dạo…".

Ngoài ra, người có điều kiện thì sử dụng xe máy, có nhiều món hàng phục vụ hơn, địa bàn hoạt động cũng được rộng hơn, có thể đi bán tận những xã ngoài. Nếu hôm nào bán đắt, hàng hết sớm thì cũng có phương tiện để chạy nhanh về chợ đầu mối sắm liền "một cái chợ" khác tiếp tục bán cho bữa ăn chiều của bà con. Lãi thì không nhiều nhưng mỗi thứ mỗi ít thì cũng đủ ngày công. Với dân chuyên làm nông nghiệp, có được khoản thu nhập hàng ngày từ 10-20 ngàn đồng cũng đỡ khổ...

Hiệu quả kinh tế mà những cái "chợ chạy" mang lại cho người bán là đã rõ, ngoài ra chúng còn tạo nên không ít sự tiện ích cho người mua. Chị Đinh Thị Liêm - chủ một quán cà phê ở thôn Kim Châu, xã Nhơn Hưng - An Nhơn, bày tỏ: "Nhà tôi có ít người mà công việc của quán cà phê thì luôn luôn bận rộn. Hôm nào đông khách thì không có thời gian đi chợ, đôi khi phải ăn bánh tráng hoặc mì tôm trừ bữa. Từ khi có những cái chợ "lưu động" này thì mình đỡ mất thời gian đi chợ mua thức ăn".

Hiện nay, ở nhiều vùng quê trong tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều cái "chợ chạy" hơn, nó góp phần giải quyết công việc cho một số lao động nữ ở nông thôn và giúp cho người nội trợ tiết kiệm được thời gian lo cho bữa ăn hàng ngày. Đúng là tiện cả đôi đường!

. Vũ Đình Thung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Để khơi dòng hiến máu tình nguyện   (04/05/2004)
Có một Điện Biên Phủ ở Liên Khu 5   (03/05/2004)
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Những chuyển động tích cực  (02/05/2004)
Những bà mẹ xứ dừa  (30/04/2004)
Làng dưới chân núi Bà Bơi  (30/04/2004)
Vì sao tôi thảo lời đầu hàng cho tổng thống ngụy Sài Gòn?  (29/04/2004)
Gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa  (29/04/2004)
Đưa người lang thang về nhà: Còn lắm gian nan  (29/04/2004)
An Nhơn: Đất nghề quê lúa   (28/04/2004)
Một sự nghiệp cách mạng to lớn của một đời người ngắn ngủi  (27/04/2004)
Trường chuẩn quốc gia ở bậc mầm non: Đích đến còn xa   (26/04/2004)
Dùng công nghệ thông tin làm bàn đạp cho sự phát triển   (26/04/2004)
Tưng bừng ngày hội bầu cử  (25/04/2004)
Nhiều vụ việc tiêu cực đã được xử lý nghiêm túc  (25/04/2004)
Bầu cử HĐND các cấp: Công việc chuẩn bị đã hoàn tất   (23/04/2004)