Trọng pháo và đánh lấn - Hai yếu tố độc đáo trong chiến dịch Điện Biên
16:25', 5/5/ 2004 (GMT+7)

Hình thái chiến cuộc 1953-1954 với Pháp là việc dốc toàn bộ cơ số hiện có của đạo quân viễn chinh để hình thành các cụm cứ điểm gọi là tập trung binh lực mà thực chất là những ổ đề kháng. Trong đó nổi lên tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Quân ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm

Với sức mạnh của đạo quân nhà nghề, được tích lũy kinh nghiệm trong chiến tranh thế giới thứ II, các tướng lĩnh hiếu chiến như Na-va, Cô-nhi quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành "Cứ điểm dã chiến mạnh nhất" của quân Pháp lúc ấy. Khi đổ xong gần 17.000 quân cùng máy bay, xe tăng, đại bác và hình thành những boong ke kiên cố thì chính Đại tướng Na-va tuyên bố: Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm. Là "Cái máy nghiền thịt Việt Minh" và thách thức bộ đội ta lên đánh.

Quả là thách thức lớn khi câu hỏi đặt ra: Có nên đánh Điện Biên Phủ hay không, và đánh như thế nào? Bác Hồ và Trung ương Đảng ta nhận định: địch tập trung binh lực ở Điện Biên là cơ hội tốt để ta tiêu diệt chúng. Bác Hồ đã ngả mũ mà nói rằng: Thế trận Điện Biên Phủ sẽ như cái mũ lật ngửa. Quân ta ở trên vành mũ và bọn Pháp sẽ khốn ở dưới lòng mũ. Đầu tháng 3-1954 khi mùa xuân cho hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc thì chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn với mật danh "Chiến dịch Trần Đình". Trong đó, quân chủng pháo binh trẻ tuổi anh hùng, lần đầu tiên đem "Voi" của mình xung trận. Bọn Pháp vẫn cho rằng: Việt Minh làm gì có trọng pháo và nếu có, làm sao vận chuyển được lên Điện Biên với quãng đường 500 km? Nhưng chúng đã lầm. Chúng đã đụng đến sức mạnh vĩ đại của cuộc chiến nhân dân và hơn nữa, khi khai thông biên giới Việt - Trung (1950) thì chúng ta còn có hậu phương vững chắc là Liên Xô, Trung Quốc mà điển hình là Đại tướng Trần Canh (Trung Quốc) - người bạn chí tâm của kháng chiến quân Việt Nam. Trọng pháo bao gồm đại pháo 105 ly, sơn pháo 75 ly và cao xạ theo vệ quốc chân đồng vai sắt ra trận. Dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô, bến Bình Ca và cả núi rừng Tây Bắc rung chuyển bởi âm vang của điệu hò kéo pháo: "Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù". Những dũng sĩ như Tô Vĩnh Diện đem thân chèn pháo "Nát thân nhắm mắt còn ôm" cho hàng trăm cỗ pháo âm thầm vào trận địa chờ ngày khai hỏa. Và quả là lợi hại khi pháo binh ta chiếm cứ cao điểm mà nện xuống đầu giặc Pháp ở Điện Biên. Pháo binh làm nên 2 chuyện thần kỳ:

- Nện xuống cứ điểm, lô cốt không cho quân Pháp ngóc đầu dậy để bộ đội xung phong đánh lấn.

- Phong tỏa sân bay Mường Thanh và hàng không chặt đứt đường tiếp viện duy nhất của bọn Pháp lúc ấy.

Pháo binh Việt Nam là nỗi kinh hoàng của quân Pháp trong lòng chảo Điện Biên bởi từ trên cao dội xuống. Khi "Voi" xung trận bằng việc nã đạn xuống trung tâm Mường Thanh thì tên quan 5 chỉ huy trọng pháo ở Điện Biên lúc ấy là đại tá Pi-ốt trong giây phút kinh hoàng đã rút súng tự sát. Pháo binh Việt Nam xứng đáng "Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng" như Bác Hồ phong tặng.

Hiệp đồng với pháo, đánh lấn cũng là chiến thuật độc đáo. Vì rằng Điện Biên Phủ là cứ điểm đề kháng liên hoàn. Đào hào đánh lấn nhằm chia cắt đội hình cứ điểm không cho địch ứng cứu. Hàng trăm km đường hào đã được bộ đội bằng đôi tay bất kể ngày đêm dưới mưa nắng và hỏa lực ác liệt đào xuyên vào ruột núi. Kết quả là lần lượt từng phân khu, từng cao điểm bị cô lập. Ta và địch giành nhau từng tấc đất. Ở Đồi A1 khi bị cắt rời khỏi trung tâm Mường Thanh bởi hào đánh lấn, địch điên cuồng phản kích và Anh hùng Bế Văn Đàn xông lên chiến hào lấy thân làm giá súng, nâng khẩu trung liên đúng tầm để đồng đội diệt địch. Cũng tại Đồi A1, cửa ngõ vào trung tâm Mường Thanh, đào hào đánh lấn đã đưa 960kg thuốc nổ để điểm hỏa làm nổ tung ngọn đồi cho bộ đội xung phong tiêu diệt quân thù. Đào hào đánh lấn, cũng làm nên 2 chuyện lớn:

- Áp sát chia cắt đội hình của tập đoàn cứ điểm từ Him Lam, Độc Lập, D1, A1 phá vỡ thế liên hoàn của chúng để tiêu diệt theo kiểu "Bẻ đũa từng chiếc".

- Buộc quân Pháp đánh gần, giam chân chúng trong hầm ngầm, không phát huy tối đa sức mạnh hỏa lực hiện có, đẩy vào thế bị bao vây và buộc đầu hàng.

Trong trận xung phong vào trung tâm Mường Thanh, hàng vạn tù binh Pháp lũ lượt cờ trắng trong đó có tướng Đờ-cát là ví dụ điển hình cho hiệu quả của chiến thuật đào hào đánh lấn.

Điện Biên Phủ là đỉnh cao của trí tuệ quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Trong đó pháo binh và đánh lấn như 2 cành hoa ban mãi mãi nở trắng tinh khôi giữa núi rừng Tây Bắc, trong trang sử vẻ vang của lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam.

. Phan Cao Toại

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sức sống của Chủ nghĩa Mác và công cuộc đổi mới đất nước   (05/05/2004)
Chợ... "chạy" !   (04/05/2004)
Để khơi dòng hiến máu tình nguyện   (04/05/2004)
Có một Điện Biên Phủ ở Liên Khu 5   (03/05/2004)
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Những chuyển động tích cực  (02/05/2004)
Những bà mẹ xứ dừa  (30/04/2004)
Làng dưới chân núi Bà Bơi  (30/04/2004)
Vì sao tôi thảo lời đầu hàng cho tổng thống ngụy Sài Gòn?  (29/04/2004)
Gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa  (29/04/2004)
Đưa người lang thang về nhà: Còn lắm gian nan  (29/04/2004)
An Nhơn: Đất nghề quê lúa   (28/04/2004)
Một sự nghiệp cách mạng to lớn của một đời người ngắn ngủi  (27/04/2004)
Trường chuẩn quốc gia ở bậc mầm non: Đích đến còn xa   (26/04/2004)
Dùng công nghệ thông tin làm bàn đạp cho sự phát triển   (26/04/2004)
Tưng bừng ngày hội bầu cử  (25/04/2004)