Muôn đời sau các thế hệ người Việt Nam sẽ còn nhắc đến chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, không chỉ là niềm tự hào về ông cha của mình mà còn như là của chính mình.
* Xe đạp lên ngôi vua vận tải
|
Xe trâu, bò đều được huy động chuyển vũ khí ra mặt trận |
Thời ấy các gia đình khá giả mới có được một chiếc xe đạp, đó cũng là tài sản quý nhất của mỗi nhà. Thế mà dân đem xe ra trận, sáng kiến, cải tiến, gia cố chiếc xe đạp của mình thành xe thồ, phương tiện vô cùng lợi hại vận chuyển tiếp tế cho mặt trận mà không có bất cứ phương tiện nào sánh kịp; trên địa hình hiểm trở, đường hẹp, dốc trơn, vừa phát cây san đường, chỉ cần 1 mét chiều ngang là đi được.
"Xe đạp thồ" là một danh từ ra đời từ mặt trận Điện Biên Phủ. Nó đã góp phần quan trọng vào chiến thắng, trở thành ngôi vua vận tải cho trận đánh lớn này. Có lẽ vì thế mà chiếc tay cầm nối dài được gọi là "tay ngai" (chỉ có vua mới có ngai).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Mỗi xe thồ lúc đầu chở được 100 kg sau đó nâng lên 200 kg, 300 kg. Có một dân công ở Phú Thọ, anh Ma Văn Thắng chở được 352 kg. Năng suất xe thồ gấp 10 lần dân công gánh bộ. Gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở cũng giảm đi 10 lần".
Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.
* Giặc liên tục tiếp tế cho ta, biết mà vẫn phải làm
Đây là chuyện rất hy hữu chưa từng có trong chiến tranh, kể cả trên thế giới.
Khi trận Điện Biên Phủ diễn ra được 3 tuần lễ, vòng vây khép chặt, ta và địch kề cận nhau, có nơi xen kẽ, có điểm lúc này thuộc bên này, lúc khác lại thuộc bên kia, đêm quân ta đào giao thông hào, ban ngày địch cho xe ra san lại.
Hàng vạn quân địch chỉ trông chờ vào phương tiện tiếp tế duy nhất là đường hàng không cách xa trên 360 km. Sân bay Mường Thanh liên tục bị ta pháo kích. Chỉ còn lại một biện pháp duy nhất là thả dù. Máy bay Pháp, phi công Pháp huy động 100% vẫn không đủ. Phải nhờ đến cả máy bay vận tải Mỹ, phi công của Mỹ mặc thường phục để thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Về nguyên lý máy bay thả dù, muốn thả cho chính xác cần phải xuống thấp và tính được gió. Lòng chảo Điện Biên hướng Đông - Tây hẹp, chung quanh núi cao, chỉ có chiều dài theo hướng Bắc - Nam. Mà ở cả hai đầu hướng Bắc Nam, cao xạ pháo và súng phòng không của ta sẵn sàng nghênh đón. Vậy là chỉ còn hai cách bay trên cao và thả ban đêm. Với hai cách này mà ở vùng lòng chảo lại thường có gió quẩn, dù rơi không chính xác và không theo chiều nhất định. Hàng thả dù rất khó trúng đích, rơi rất nhiều sang phía quân ta. Địch biết rõ nhưng không có cách nào khắc phục được.
Trong lịch sử chiến tranh đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay chưa hề có trận đánh nào dài ngày như trận đánh Điện Biên Phủ. Chỉ tính từ lúc nổ súng cho đến khi quân giặc đầu hàng, tướng giặc bị bắt, trọn 56 ngày đêm giao tranh không ngừng tiếng súng. |
Cố Đại tướng Hoàng Văn Thái kể lại rằng: "Có đến trên một phần ba đồ tiếp tế của chúng rơi vào trận địa quân ta, có những thứ ta đang rất cần, đã hết hoặc không có như: huyết thanh khô, đạn súng cối, đạn đại bác... Có lần anh em nhặt được những bao tải, tưởng là bao cát định đem làm công sự. Tiểu đoàn trưởng thấy ngoài bao có chữ "Sucre" liền thọc lưỡi lê vào rút ra toàn là đường trắng, một thứ rất quý, cần tăng sức cho bộ đội ta. Có những thứ không ai nghĩ tới như nước đá cây, xà lách, hành tây. Các chiến binh 312 còn nhặt được cả một thùng hàng trong đó có rượu sâm-banh và quân hàm cấp tướng của DeCastries mới được phong. Anh em quẳng quân hàm đi và mở rượu ra liên hoan. Trong vòng một tuần lễ có trung đoàn thu được 776 dù hàng của địch đủ các loại: gạo, sữa, đường, sô-cô-la, đạn pháo... (địch đã thả dù sang trận địa ta, tổng cộng 5.000 viên đạn đại bác 105 ly).
Tất cả hàng tiếp tế rơi vào quân ta. Bộ Chỉ huy Pháp biết rất rõ, biết từng ngày, biết cả số liệu cụ thể nhưng không có cách nào khác là từng ngày vẫn cứ phải tiếp tế nhiều hơn, càng tiếp tế thì tập đoàn cứ điểm càng thêm nguy cơ "tắt thở".
* Trận đánh của cả nước
Lần đầu tiên và cũng là sự kiện có một không hai trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta, dân ra mặt trận nhiều hơn quân đội. Chỉ tính riêng đội quân xe đạp thồ (hơn 2 vạn) đã đông hơn số quân chủ lực. Chưa tính và không thể nào tính hết được biết bao nhiêu dân công tiếp lương, tải đạn, làm đường suốt biên giới trở về, từ đồng bằng khu 3, khu 4, trung du ngược lên, trên mọi nẻo đường. Dân nuôi quân, che chở, chăm lo từng bước quân đi.
Trung ương Đảng và Chính phủ động viên toàn dân dốc sức chi viện cho trận Điện Biên Phủ. Một tổ chức đặc biệt được thành lập là Hội đồng cung cấp trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Thời gian này ở lại hậu phương phần lớn chỉ là người già yếu và trẻ em. Chưa bao giờ khát vọng vì độc lập tự do, ý chí, tinh thần của dân tộc Việt Nam "quyết tâm đánh thắng giặc, tất cả cho tiền tuyến" lại trở thành sức mạnh vật chất một cách cụ thể, hùng hậu đến như vậy.
Trên mọi mặt trận từ đồng bằng, khu 3, khu 4, Bình Trị Thiên, khu 5, Tây Nguyên cho đến Nam Bộ - ở đâu đâu, bất cứ trận đánh lớn nhỏ, đánh sân bay, kho tàng, đánh thật hoặc đánh nghi binh... tất cả đều đặt lên hàng đầu một mục tiêu là: phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ.
Có thể nói rằng: mùa xuân năm 1954 - cả nước Việt Nam đánh trận Điện Biên Phủ.
. Mai Trọng Tuấn
(Báo Thanh Niên)
|