Hào khí Điện Biên trên quê hương Bình Định năm xưa
16:31', 6/5/ 2004 (GMT+7)

Liên tiếp bị thua đau trên khắp các chiến trường Việt Nam và Đông Dương, tháng 5-1953, được sự trợ giúp của Mỹ, chính phủ Pháp cử tướng Na Va, tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Hai tháng sau, "Kế hoạch Na Va" được thực thi.

Theo kế hoạch hai bước nói trên, đến mùa xuân 1954, địch sẽ xóa bỏ vùng tự do Liên khu V, mùa thu, tập trung binh lực mở cuộc tiến công chiến lược ở miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, gây sức ép buộc ta phải nhận đàm phán theo những điều kiện do chúng áp đặt. Điện Biên Phủ là điểm trung tâm của kế hoạch Na Va. Tại chiến trường khu V, cuộc hành quân At-lăng là một bộ phận của kế hoạch đó...

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị chu đáo mọi mặt chính trị, quân sự, hậu cần theo khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!", ngày 13-3-1954, tiếng súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ rền vang khắp núi rừng Tây Bắc. Trong đợt tấn công lần thứ nhất, ta tiêu diệt nhanh, gọn hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, tiêu diệt và bắt sống 2.000 tên địch. Ngày 30-3, ta mở đợt tấn công thứ hai cắt đứt Điện Biên Phủ ra từng khúc, thắt chặt vòng vây, triệt hẳn đường tiếp viện và tiếp tế của địch. Thực dân Pháp buộc phải đưa tiểu đoàn dự bị thứ tư nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ta và địch giằng co nhau quyết liệt ở hai đồi A1 và A2. Trong thế trận bị bao vây, cô lập, thả dù là nguồn tiếp tế duy nhất của địch, nhưng phần lớn dù lại rơi vào vùng quân ta. Đứng trước tình thế vô cùng nguy khốn, địch định mở đường chạy về hướng Thượng Lào...

Ở Bình Định, sau thắng lợi của cuộc phát động quần chúng đấu tranh thực hiện chính sách ruộng đất đem lại quyền lợi thiết thực về kinh tế, góp phần bồi dưỡng sức dân, đồng thời nâng cao uy thế chính trị của nông dân, các vùng nông thôn tràn ngập không khí phấn khởi, hồ hởi, hăng hái thi đua sản xuất, tham gia kháng chiến, đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến. Bộ đội được chỉnh quân, cán bộ, đảng viên, công chức được chỉnh huấn chính trị, chuẩn bị tư tưởng và lực lượng bước vào chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954 với tinh thần quyết chiến, quyết thắng rất cao.

Thực hiện kế hoạch Na Va, tháng 12-1953, địch mở cuộc hành quân At-lăng nhằm đánh chiếm 4 tỉnh tự do của liên khu V. Tháng 3-1954, quân địch từ Phú Yên đánh ra Bình Định, đồng thời chúng cho binh đoàn cơ động số 10 đổ bộ lên Quy Nhơn (đúng vào thời điểm quân ta nổ súng tấn công Điện Biên Phủ). Mặt khác, địch từ An Khê chuẩn bị tiến đánh xuống Bình Khê... Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ và các chiến trường khác, quân dân Bình Định chặn đánh địch quyết liệt ở Quy Nhơn, Tuy Phước, Bình Khê, tiêu diệt hàng nghìn tên, trong đó có 200 tên bị quân ta tập kích tiêu diệt tại nhà hát Trung Hoa...

Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!", các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm chiếm 80% tổng số lương thực huy động trong toàn liên khu. Hàng nghìn thanh niên hăng hái lên đường tòng quân bổ sung lực lượng cho quân chủ lực, bộ đội địa phương và thanh niên xung phong. Đêm đêm, trên những con đường rừng núi Hoài Ân, An Lão, Bình Khê, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Phù Cát... từng đoàn dân công kéo dài hàng cây số, tất tả ngược xuôi, gồng gánh lương thực, thuốc men, đạn dược phục vụ tiền tuyến, khiêng thương binh về hậu phương chữa trị... Bị địch đánh phá ác liệt, nhân dân Tuy Phước tranh thủ đêm tối gặt hơn 2.700 mẫu ruộng lúa chín, vận chuyển hơn 1.800 tấn lúa ra vùng an toàn. Thời gian này, các xã đồng bằng hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa là hậu cứ chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, là địa bàn luyện quân của các lực lượng vũ trang khu V và bộ đội tỉnh. Các bà mẹ, các bà chị và những em bé ngày đêm tận tình lo cho chiến sĩ từng bữa ăn, cơm nóng, canh ngọt; giặt giũ, khâu vá từng bộ quân phục đã bạc màu với tấm lòng yêu thương như ruột thịt...

Tin chiến thắng từ các mặt trận bay về tới tấp. Trên các ngã ba, ngã tư đường lớn, tại các tụ điểm dân cư, các bản tin chiến thắng viết trên nong, trên tường lúc nào cũng đông người đọc. Các chòi loa phóng thanh liên tục loan tin chiến thắng xen vào đó là những bài hát hùng tráng làm náo nức lòng người. Đêm đêm, học sinh, thanh thiếu nhi quây quần ca múa, đốt lửa trại, biểu diễn văn nghệ chào mừng và phát huy chiến thắng, không khí thật vô cùng sôi động!

Niềm vui chiến thắng, tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến" như những đợt sóng dâng trào không ngớt. Tin vui dồn dập tin vui... Ngày 1-5-1954, quân ta mở đợt tấn công thứ ba, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 ngày 7-5-1954, tướng Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ở Bình Định, trong khi hàng nghìn tên địch còn bị vây hãm tại thị xã Quy Nhơn thì ngày 24-6-1954, binh đoàn cơ động số 100, binh đoàn thiện chiến của Pháp vừa được điều từ mặt trận Triều Tiên về bị quân ta phục kích tiêu diệt trên đường 19. Cuộc hành quân At-lăng bị đánh bại hoàn toàn. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, theo đó nước ta chia làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời...

Hòa bình được lập lại! Niềm vui đại thắng tràn ngập lòng người, làm náo nức mọi nhà, mọi địa phương, mọi cơ quan, đơn vị. Trong các trường học từ cấp I đến cấp II, cấp III, các thầy cô giáo say sưa và hứng thú bình giảng thơ Tố Hữu ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Những ngày này, trên quê hương địa linh nhân kiệt của người anh hùng áo vải cờ đào, hào khí Điện Biên như đang làm sống lại hào khí Quang Trung năm xưa tiến quân ra Bắc giải phóng Thăng Long, giang sơn quy về một mối.

. Hoài Nam

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Điện Biên Phủ: Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh   (06/05/2004)
Chuyển biến mọi mặt đời sống văn hóa của tỉnh   (06/05/2004)
Trọng pháo và đánh lấn - Hai yếu tố độc đáo trong chiến dịch Điện Biên   (05/05/2004)
Sức sống của Chủ nghĩa Mác và công cuộc đổi mới đất nước   (05/05/2004)
Chợ... "chạy" !   (04/05/2004)
Để khơi dòng hiến máu tình nguyện   (04/05/2004)
Có một Điện Biên Phủ ở Liên Khu 5   (03/05/2004)
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Những chuyển động tích cực  (02/05/2004)
Những bà mẹ xứ dừa  (30/04/2004)
Làng dưới chân núi Bà Bơi  (30/04/2004)
Vì sao tôi thảo lời đầu hàng cho tổng thống ngụy Sài Gòn?  (29/04/2004)
Gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa  (29/04/2004)
Đưa người lang thang về nhà: Còn lắm gian nan  (29/04/2004)
An Nhơn: Đất nghề quê lúa   (28/04/2004)
Một sự nghiệp cách mạng to lớn của một đời người ngắn ngủi  (27/04/2004)