Một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu" là niềm tự hào của hết thảy mọi người dân Việt Nam. 50 năm đã qua, những nhân chứng của Điện Biên năm xưa ở Bình Định nay không còn nhiều. PV Báo Bình Định may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với 3 trong số những người có vinh dự được tham gia vào trận đánh lịch sử ấy.
* Ông Lê Văn Thìn (76 tuổi, xã Phước Hưng, Tuy Phước)
Nghe nhắc đến Điện Biên Phủ, mắt ông sáng lên. Rồi ông lụm cụm vào nhà, lấy ra một cặp giấy tờ, trong đó có một miếng bìa cứng bọc vải gắn nhiều huân chương, huy hiệu. Người lính già săm soi "của để dành", nào lý lịch, các loại giấy chứng nhận đeo huy hiệu, huân chương chiến công, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng... Ông cầm từng cái lên, ngắm nghía rồi đặt xuống. Cuối cùng, ông cầm tấm giấy chứng nhận đeo Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ đã được ép nhựa cẩn thận và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, mân mê hồi lâu trên tay và bắt đầu câu chuyện về một thời hào hùng của chàng trai đất võ ở miền Tây Bắc.
Năm 1947, khi 19 tuổi, chàng trai Lê Văn Thìn nhập ngũ. Năm 1953, ông tập kết ra Bắc, được phân công về Sư đoàn 312, trung đoàn 165, tiểu đoàn 7. Ông kể: "Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, đơn vị của tôi được phân công phối hợp với một trung đội bộ binh, làm nhiệm vụ đánh bên ngoài đồi Độc Lập với mục đích không cho địch đánh lấn ra. Sau đó, hai đơn vị di chuyển theo đường hào vào trung tâm Mường Thanh. Anh em chúng tôi thích thú và phấn khởi lắm vì vừa đánh địch dưới đất vừa đánh địch trên trời. Chúng tôi bắn thủng các dù tiếp viện lương thực, lấy lương thực của bọn chúng trang bị cho đơn vị mình".
"Lúc nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, bác đang ở đâu?". "Tôi đang điều trị tại trạm cứu thương. Tôi bị thương trong trận đánh vào Mường Thanh. Anh em thương binh chúng tôi nghe đài, rồi nghe đồng đội kể chuyện ta thắng trận, chuyện tướng Đờ Cát đầu hàng. Vui lắm!".
* Ông Nguyễn Văn Bản (73 tuổi, phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn)
"Đầu tháng 2-1954, trung đoàn 55 của chúng tôi được lệnh mở đường từ Lai Châu xuống Bản Kéo. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết là đi phục vụ chiến dịch Trần Đình, mãi khi tới Tuần Giáo thì mới biết chiến dịch Trần Đình chính là chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây vốn là một con đường mòn đã có sẵn, nhiệm vụ của chúng tôi là mở rộng đường để xe đạp thồ tải đạn và gạo phục vụ chiến dịch. Cứ ban ngày làm, ban đêm nghỉ, có người đã hy sinh vì bị cây đè chết khi đang làm nhiệm vụ. Tuy địch không biết ta làm đường này nhưng chúng tôi vẫn phải vừa đào đường vừa trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bởi bọn thổ phỉ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng, chúng tôi đẩy xe giúp thanh niên xung phong tải đạn, tải gạo, khiêng giúp những người bị thương đi trạm xá".
Những ngày sôi động nhất Điện Biên Phủ mà ông Bản được trực tiếp chứng kiến và tham gia là những ngày đánh chiếm cứ điểm Him Lam. Lúc này, ông đang ở sư đoàn 312, trung đoàn 141, tiểu đoàn 16. Và ngày giải phóng Điện Biên Phủ là một ngày không thể nào quên được. Ông hào hứng: "Tối ngày 7-5-1954, anh em chúng tôi vui quá nên hễ cứ gặp bất cứ khẩu súng nào cầm khẩu ấy bắn chỉ thiên lên trời. Vui không thể tả được. Sau này chúng tôi bị phê bình vì chuyện ấy. Anh em toàn lính trẻ, cứ thấy thắng là mừng chứ có nghĩ gì đâu… (cười). Đấy, hồi ấy bọn Pháp chúng bảo "Khi nào nước sông Nậm Rốm chảy ngược, rừng Tây Bắc không còn lá thì Việt Minh mới đánh được Điện Biên Phủ", thế mà mình vẫn thắng!"
* Bà Lê Thị Hoa (68 tuổi, phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn)
Không ngờ người phụ nữ với vẻ dịu dàng và giọng nói nhỏ nhẹ đang ngồi trước mặt tôi đã từng là một cô thanh niên xung phong (TNXP) khỏe khoắn, gan dạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Bà xuýt xoa: "Tôi cũng không tưởng tượng được là có ngày hôm nay".
Cách đây 50 năm, cùng với rất nhiều bạn bè đồng trang lứa, cô gái Hải Phòng Lê Thị Hoa đi TNXP và được phân công trực tiếp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Công việc của đơn vị cô là đào giao thông hào và sau đó là tải đạn cho chiến dịch. Bà Hoa kể lại: "Hồi đó chúng tôi trẻ lắm, chỉ mới mười tám đôi mươi nên ai cũng khỏe và hăng hái. Chúng tôi đào hào không kể ngày đêm, đến bữa thì ăn cơm nắm, rồi lại tiếp tục làm việc. Khi nào mệt quá, buồn ngủ quá thì tựa lưng vào hào chợp mắt chốc lát rồi tỉnh dậy lại làm tiếp. Đào hào xong rồi thì tải đạn. Tôi chỉ nhớ là chúng tôi vác những thùng đạn rất nặng". Kỷ niệm không thể nào quên trên chiến trường Điện Biên Phủ là bà đã may mắn thoát chết trong gang tấc. Lần ấy, khi đang đào hào thì đạn pháo của Pháp bắn tới. Bà và hai người bạn gái cùng đơn vị bị cát vùi và chỉ có mình bà là may mắn còn sống.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị của bà tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ dọn dẹp chiến trường: chặt cây, san đường, lấp hố bom... Bà tiếp tục phục vụ trong lực lượng TNXP đến năm 1958 thì chuyển ngành.
. Nguyên Sương
|