Một lần đến Điện Biên Phủ
10:32', 7/5/ 2004 (GMT+7)

Khi chiếc máy bay ATR72 vừa chạm bánh xuống đường băng sân bay Điện Biên trong lòng tôi một cảm xúc dâng trào đến nghẹt thở. Bao nhiêu hình ảnh hào hùng về Điện Biên Phủ (ĐBP) mà tôi đã có dịp đọc được, xem được qua sách báo, phim ảnh chợt hiện về. Lòng tôi rộn ràng vui sướng vì biết rằng trong chốc lát nữa thôi mình sẽ được tận mắt nhìn thấy những địa danh anh hùng đã vang lừng khắp thế giới từ 50 năm qua.

Đường phố ĐBP những ngày gần lễ kỷ niệm 50 chiến thắng ĐBP dập dìu những đoàn khách trong nước và thế giới. Tôi thật sự cảm động khi gặp những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch ĐBP, ngực lấp lánh huân chương, mắt ánh lên niềm tự hào, mặt rạng rỡ nụ cười. Các cựu chiến binh từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, được chính quyền các địa phương tổ chức về thăm lại chiến trường xưa.

Bác Hoàng Văn Tôn, quê Nghệ An, kể cho tôi nghe những ngày tham gia chiến dịch ĐBP. Bác Tôn đã cùng đồng đội đào nhiều địa đạo xuyên rừng núi chỉ với cây xẻng nhỏ, trong tư thế vừa nằm vừa đào hầm để tránh đạn pháo của giặc Pháp. Cứ như thế các địa đạo của quân ta đi sát vào phòng tuyến của giặc và nhờ đó bất ngờ tấn công, góp phần tạo nên chiến thắng ĐBP lừng lẫy địa cầu. Bác Bùi Văn Đạm, quê Hải Dương, lúc đó là cán bộ dân vận, kể cho tôi nghe về cuộc đấu tranh của bà con các dân tộc Tây Bắc xuống đường năm 1954 đòi quân Pháp rút về nước. Máy bay Pháp đã gây nên tội ác khủng khiếp ở Noọng Nhai, dội bom giết chết hơn 400 người dân vô tội. Noọng Nhai trở thành một trong những địa danh gây nhiều xúc động cho khách tham quan.

ĐBP những ngày giáp lễ kỷ niệm 50 chiến thắng rộn ràng như một công trường lớn. Nơi này các công nhân đang tu sửa, nâng cấp các di tích; nơi kia thanh niên, học sinh luyện tập văn nghệ, bộ đội tập diễu hành... Phố xá, chợ búa tấp nập người mua sắm, chủ yếu là khách du lịch. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng trên đỉnh đồi D1. Tại các khu di tích lịch sử như đồi A1, hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát và nhà Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sửa sang để đón khách đến thăm.

Thung lũng Điện Biên nằm ở độ cao trên 500m so với mặt biển, bốn bề là núi bao bọc với nhiều ngọn đồi ở phía đông và cánh đồng Mường Thanh có sông Nậm Rốm chảy qua đất đai rất màu mỡ. Các di tích nổi bật của chiến trường Điện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1; cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm xung quanh thành phố, trong đó đồi cứ điểm A1 là nơi quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ của Pháp tại ĐBP. Tại đây còn trưng bày chiếc xe tăng của Pháp bị quân ta tiêu diệt trong lúc tấn công lên đồi A1 và tượng 4 chiến sĩ vô danh đã hy sinh để diệt xe tăng.

Chúng tôi đã đến thăm nghĩa trang ĐBP. Trên 600 ngôi mộ anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại vĩnh viễn nơi đây phần lớn không có họ tên. Nhưng trên tấm bảng đồng lớn thì có tên hầu hết các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch ĐBP năm xưa. Tôi lần lượt đọc tên các anh hùng, liệt sĩ: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện... đâu đây như còn vang lên tiếng hò kéo pháo, tiến hô xung trận của các anh. 50 năm trước những chàng trai trẻ ấy đã quên mình, sẵn sàng lao lên trước họng súng của địch, anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Quần thể di tích Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP nằm ở xã Mường Phăng, cách thành phố ĐBP gần 30km. Để đến đây du khách phải đi bằng ô tô, vượt qua dốc Tà Lơi hiểm trở và nhiều đoạn đường quanh co, khúc khuỷu. Sở chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mặt biển là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… Từ đây có thể quan sát toàn bộ ĐBP và thung lũng Mường Thanh. Tất cả hầm hào, nhà làm việc của Sở chỉ huy đang được tái hiện lại gần như cũ. Bên cạnh Sở chỉ huy là khu di tích hồ Pa Khoang, một hồ nước nhân tạo trên núi cao, đầu nguồn của hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho cả vùng lòng chảo Điện Biên, đồng thời là khu du lịch, an dưỡng. Ở đây đang được xây dựng công trình thủy điện Thác Bay nhằm cung cấp điện cho toàn tỉnh Điện Biên.

ĐBP có một nét đẹp riêng dễ làm say lòng khách phương xa: những con người - người Kinh, người Thái, người H'mông... dẫu có lối sống riêng, có nền văn hóa riêng, trang phục riêng, nhưng đều thật thuần khiết và mến khách. Ta có thể gặp họ bất cứ ở đâu, trong buổi chợ sớm bên cầu Mường Thanh, ven con đường bụi bặm dẫn về bản, trong phòng đợi của sân bay Điện Biên. Đêm ĐBP bình yên và êm ả, nhưng chỉ cách thành phố vài km các bản làng dân tộc Thái lại sôi động trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Chúng tôi đã có dịp đến bản Cọ Mỵ và được các cô gái Thái xinh đẹp trong trang phục truyền thống mời ăn nhiều món ăn rất đặc thù của người Thái. Sau bữa ăn cả khách và chủ cùng múa hát và uống rượu với nhau dưới ánh lửa bập bùng. Trong các điệu múa sạp, múa xòe, khách và chủ cùng nắm tay nhau vui nhộn và đoàn kết.

Một lần đến ĐBP nhưng đã để lại trong tôi thật nhiều ấn tượng sâu sắc. ĐBP không chỉ là cụm di tích lịch sử hào hùng của dân tộc, đó còn là vùng đất đa sắc tộc với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Những con người ấy, cùng với thiên nhiên nguyên sơ, tươi đẹp lại thấm đẫm những oai hùng của lịch sử là vốn quý, là sức hấp dẫn của Điện Biên Phủ mà không nơi nào có được.

. Xuân Phụng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ một thời hoa ban đỏ   (07/05/2004)
Hào khí Điện Biên trên quê hương Bình Định năm xưa   (06/05/2004)
Điện Biên Phủ: Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh   (06/05/2004)
Chuyển biến mọi mặt đời sống văn hóa của tỉnh   (06/05/2004)
Trọng pháo và đánh lấn - Hai yếu tố độc đáo trong chiến dịch Điện Biên   (05/05/2004)
Sức sống của Chủ nghĩa Mác và công cuộc đổi mới đất nước   (05/05/2004)
Chợ... "chạy" !   (04/05/2004)
Để khơi dòng hiến máu tình nguyện   (04/05/2004)
Có một Điện Biên Phủ ở Liên Khu 5   (03/05/2004)
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Những chuyển động tích cực  (02/05/2004)
Những bà mẹ xứ dừa  (30/04/2004)
Làng dưới chân núi Bà Bơi  (30/04/2004)
Vì sao tôi thảo lời đầu hàng cho tổng thống ngụy Sài Gòn?  (29/04/2004)
Gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa  (29/04/2004)
Đưa người lang thang về nhà: Còn lắm gian nan  (29/04/2004)