Cuộc gặp mặt cảm động
17:43', 7/5/ 2004 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã cử đoàn đại biểu đi thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Nguyện vọng của đoàn muốn đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Được Đại tướng đồng ý, 15 giờ ngày 29-3-2004 đoàn đến tại phòng làm việc của Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân chụp ảnh kỷ niệm cùng đoàn CCB Bình Định (ảnh: Xuân Thưởng)

Bước vào phòng thấy Đại tướng và chị Hà (phu nhân của Đại tướng) ngồi. Đại tướng bảo: Đồng chí nhiều râu đến ngồi gần bên (đó là đồng chí Nguyễn Khải - quê ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ). Đại tướng thân tình nói tiếp: "Các đồng chí ngồi xung quanh hết đi". Anh em trong đoàn ngồi chăm chú xem sức khỏe của Đại tướng thì đồng chí Trưởng đoàn đứng lên nói: "Thưa Đại tướng và phu nhân", thì Đại tướng nói ngay: "Gọi chị Hà cho thân mật". Cả phòng họp đều xúc động, một không khí đầm ấm của đàn em ở xa về ngồi chung quanh người anh Cả của đại gia đình Cựu chiến binh Việt Nam.

Đồng chí Trưởng đoàn tiếp tục báo cáo về số lượng, thành phần, người lớn tuổi nhất của đoàn… Đại tướng chăm chú theo dõi, khi đồng chí Trưởng đoàn báo cáo xong thì Đại tướng hỏi: "Có đồng chí nào đánh GIM 100 không" (1). Đồng chí Nguyễn Thanh Lành đứng dậy: "Dạ! Dạ! Tôi" rồi ngừng lại vì cảm động quá nghẹn trong tiếng khóc, không nói được. Đại tướng hỏi tiếp: "Trận đánh đó thu nhiều xe pháo phải không?". Đồng chí Lành chỉ nói được: "Dạ. Dạ. Nhiều lắm".

Đại tướng hỏi tiếp: "Có đồng chí nào đánh và giải phóng Kon Tum không?". Đồng chí Văn Bích đứng dậy: "Dạ, thưa có" và báo cáo: "Giải phóng xong Kon Tum tiếp tục phát triển đánh một số vị trí khác, trên đường truy kích, địch phải dùng máy bay thả truyền đơn và gọi loa "xin ta đình chiến".

Đồng chí Văn Bích tặng Đại tướng tập thơ "Những ngôi sao không tắt" - tác phẩm của đồng chí, ca ngợi các gương anh hùng, nhất là của Bình Định. Đồng chí Bích vừa cầm tập thơ trên tay thì đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Huyên - thư ký của Đại tướng đề nghị: "Đồng chí chọn bài nào tâm đắc nhất đọc cho Đại tướng nghe". Đồng chí Văn Bích xin phép được đọc bài: "Nói với con trước tượng đài anh hùng Ngô Mây", người anh hùng đầu tiên của quân đội, quê ở Bình Định. Đồng chí đọc đến khổ thơ "vào trận địa phục kích Ngô Mây cởi áo và đôi dép lốp của mình, nhờ đại đội trưởng chuyển hộ cho anh em"… Đến đoạn thơ tả cảnh Ngô Mây "ôm bom lao vào xe thiết giáp, xác tan tành chỉ còn chiếc khăn quàng đỏ vướng lại trên cây", Đại tướng rưng rưng nước mắt, lấy khăn lau. Cả anh em trong đoàn đều cảm động im lặng… Đồng chí Bích cũng nghẹn lời… cố trấn tĩnh đọc tiếp đến đoạn kết: "Qua rồi bao cảnh đớn đau máu chảy. Thành quả nào cũng có cội nguồn nghe con!". Đại tướng gật đầu nói: Đúng… đúng.

Đồng chí Trưởng đoàn đứng lên xin phép và thay mặt Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định được kính tặng Đại tướng "Tượng Quang Trung đang vung gươm trên lưng ngựa chiến" bằng gỗ Pơ-Mu. Nhìn tượng Quang Trung trên bàn, Đại tướng nói: "Quang Trung là vị anh hùng áo vải của dân tộc, đã đánh tan quân Thanh xâm lược tại Đống Đa lịch sử, là nhà canh tân kinh tế, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ". Nghe Đại tướng nhận xét, chúng tôi thầm tự hào cho quê hương Bình Định.

Lúc ấy đồng chí Huyên - thư ký của Đại tướng nhìn đồng hồ đã quá giờ, nói nhỏ: "Xin Đại tướng có gì căn dặn anh em trong đoàn". Đại tướng nói: "Các đồng chí về thăm chiến trường Điện Biên Phủ, hãy học những gì ở Điện Biên Phủ, trở về tùy sức khỏe và năng lực của mình vận dụng vào công tác cụ thể làm nên những Điện Biên Phủ nhỏ kế tiếp nhau có lợi cho nước cho dân". Đại tướng hỏi tiếp: "Các đồng chí đi bằng phương tiện gì?". Đồng chí trưởng đoàn: "Dạ, thưa Đại tướng, đi bằng ô tô". Đại tướng hỏi tiếp: "Ô tô lớn hay nhỏ", "Dạ! Bằng ô tô nhỏ 2 chiếc".

Đại tướng còn căn dặn phải nói cho lái xe cẩn thận, đường xa, dốc cao, nhiều cua gấp, nhất là đèo Pha Đin, đoạn từ Tuần Giáo ra Điện Biên nhỏ khó đi. Đến nơi trước tiên viếng Tượng đài Chiến thắng, đến đồi A1 viếng các nghĩa trang liệt sĩ, có thì giờ nên đi Mường Phăng, chú ý đi lại cẩn thận vì còn chất nổ. Anh em trong đoàn ai cũng xúc động trước sự căn dặn, chăm lo cụ thể từng phương tiện đi, đường đi, nơi viếng. Người anh Cả tuy tuổi cao, còn lo nhiều việc lớn nhưng không quên việc nhỏ đối với đàn em…

Ngoài chụp ảnh chung trong phòng, Đại tướng cùng chị Hà đích thân ra tại thềm trước sân, bảo anh em đến quây quần bên Đại tướng chụp ảnh cho rõ. Rồi Đại tướng tay trái cầm quyển sách do Đại tướng chủ biên nói về tư tưởng Hồ Chí Minh, dày gần 500 trang; tay phải ghi dòng chữ "Thân tặng đoàn Cựu chiến binh tỉnh Bình Định". Tay không rung, chữ viết rất đẹp, chữ ký rất rõ nét, đưa cho đồng chí Trưởng đoàn còn căn dặn về đưa cho nhiều anh em đọc.

Được biết theo quy định, để giữ sức khỏe cho Đại tướng vì rất nhiều đoàn đến thăm, tuy từng đoàn sẽ được tiếp trong thời gian chừng mươi phút, nhiều lắm cũng không quá 15 phút. Hôm nay, đã hơn 30 phút Đại tướng còn quây quần với đoàn Bình Định. Lúc ấy trong phòng đã có đoàn khác đang chờ. Đồng chí thư ký nói với Đại tướng. Đại tướng bước lên thềm để vào phòng khách, còn quay lại nhắc chị Hà: "Nhớ ghi địa chỉ để gởi sách tiếp cho đoàn". Ra về chúng tôi ai cũng nhận thức rằng Đại tướng gặp đoàn không có sự cách biệt nào giữa vị Tổng tư lệnh tối cao với cán bộ chiến sĩ dưới quyền, mà là người anh cả của đàn em trong đại gia đình Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi hứa với Đại tướng luôn luôn xứng đáng là anh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người em của anh Cả trong đại gia đình Cựu chiến binh Việt Nam.

. Đinh Bá Lộc

 

(1) GIM 100: Trung đoàn Âu Phi của Pháp từ Triều Tiên đưa về tăng cường cho cuộc chiến tranh Việt Nam.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một lần đến Điện Biên Phủ   (07/05/2004)
Nhớ một thời hoa ban đỏ   (07/05/2004)
Hào khí Điện Biên trên quê hương Bình Định năm xưa   (06/05/2004)
Điện Biên Phủ: Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh   (06/05/2004)
Chuyển biến mọi mặt đời sống văn hóa của tỉnh   (06/05/2004)
Trọng pháo và đánh lấn - Hai yếu tố độc đáo trong chiến dịch Điện Biên   (05/05/2004)
Sức sống của Chủ nghĩa Mác và công cuộc đổi mới đất nước   (05/05/2004)
Chợ... "chạy" !   (04/05/2004)
Để khơi dòng hiến máu tình nguyện   (04/05/2004)
Có một Điện Biên Phủ ở Liên Khu 5   (03/05/2004)
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Những chuyển động tích cực  (02/05/2004)
Những bà mẹ xứ dừa  (30/04/2004)
Làng dưới chân núi Bà Bơi  (30/04/2004)
Vì sao tôi thảo lời đầu hàng cho tổng thống ngụy Sài Gòn?  (29/04/2004)
Gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa  (29/04/2004)