An toàn giao thông đường thủy: Còn quá nhiều nỗi lo!
16:33', 10/5/ 2004 (GMT+7)

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Phụng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (GTĐT) Công an tỉnh: Điều bức xúc nhất hiện nay là hệ thống đường thủy với các hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch ở Bình Định khá nhộn nhịp nhưng hoàn toàn chưa được phân chia luồng tuyến cụ thể, rõ ràng; không hề được đặt các phao tiêu, biển báo để tàu thuyền biết mà tránh được những cản ngại lẩn khuất dưới mặt nước, đặc biệt là ở những tuyến đường thủy lớn như đầm Thị Nại, ven biển Quy Nhơn…

Bến đò Đống Đa, TP Quy Nhơn

Chẳng hạn, luồng vào cảng cá Thiện Chánh (Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn) tuy đã được nạo vét mở rộng nhưng chưa đủ cho mấy trăm tàu thuyền neo đậu bên trong; nếu rủi ro hỏa hoạn xảy ra thì hậu quả sẽ khó lường. Hoặc như ở cửa biển Đề Gi, có một vùng sóng rất nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Trên đường biển từ nội thành Quy Nhơn sang Nhơn Hải có một vùng đá ngầm mà các tàu thuyền rất e ngại khi đi qua khu vực này… Giá như ở những nơi như vậy có đặt các phao tiêu báo hiệu thì sẽ tạo sự an toàn hơn cho các phương tiện GTĐT. Bên cạnh đó, trừ các cảng hàng hải, toàn tỉnh có đến 36 bến thuyền lớn, nhỏ, song chỉ có 2 bến (bến Hàm Tử và bến Cầu Đen ở Quy Nhơn) được cấp phép hoạt động…

Chính vì sự bất ổn của các tuyến GTĐT là rất bức xúc, nhất là trong thời gian vừa qua, ở một số địa phương trong nước xảy ra nhiều tai nạn GTĐT rất nghiêm trọng, đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình hình GTĐT ở Bình Định. Theo yêu cầu về an toàn kỹ thuật, các tàu thuyền khi lưu hành phải có đầy đủ phao cứu sinh, dụng cụ phòng cháy chữa cháy, phương tiện chống thủng, chống đắm… đặc biệt là đối với tàu thuyền vận chuyển hành khách. Song còn nhiều tàu thuyền chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, lại thường xuyên chở quá tải; tuy lực lượng cảnh sát GTĐT thường xuyên tuần tra kiểm soát nhưng không thể quản lý hết được, nhất là trên các tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu… Ngoài ra trên luồng lạch GTĐT, từ lâu đời các ngư dân đã phân chia các vùng nước để hành nghề đăng, đáy, làm cản trở giao thông, thường xuyên vi phạm an toàn GTĐT nhưng rất khó giải quyết rốt ráo; chung qui cũng là do hệ thống GTĐT ở Bình Định không được phân chia luồng tuyến rạch ròi.

Một số vụ tai nạn giao thông đường thủy điển hình xảy ra gần đây:

* Ngày 30-4 tàu Diễm Tín chở 147 khách du lịch đi từ Dầm Dơi ra Hòn Khoai thuộc vùng biển Cà Mau, khi còn cách bờ 6km tàu bị phá nước, chìm, 39 người thiệt mạng.

* Ngày 1-5, đoàn khách du lịch 22 người từ TP.HCM dùng thuyền đánh cá đi từ Vòm Láng đến Kênh Ngang (Gò Công Đông - Tiền Giang) do chở quá trọng tải, bị chìm cách bờ 2km, 3 người bị chết, 1 mất tích.

* Ngày 2-5, 9 công nhân may mặc của DNTN Tiến Đạt (Tam Kỳ - Quảng Nam) dùng thuyền đi chơi trên hồ Phú Ninh, gặp sóng lớn thuyền bị chìm, 4 công nhân bị chết.

* Trước đó vài tháng đã xảy ra 2 thảm cảnh thương tâm do tai nạn giao thông đường thủy: Ngày 10-8-2003 tại khu vực biển Hòn Chông (Nha Trang) xảy ra vụ chìm tàu chở khách du lịch làm 11 người chết, và tháng 1-2004 đã xảy ra vụ chìm tàu chở khách tại vùng biển Kiên Giang làm 11 người chết.

Đặc biệt là trong mùa mưa lũ, các tuyến đò ngang (chỉ hình thành theo mùa vụ) ở Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn… thường xảy ra tai nạn lật thuyền gây chết người. Để hạn chế tình trạng này, phòng cảnh sát GTĐT đã tham mưu cho Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương phải yêu cầu chủ phương tiện chuẩn bị đầy đủ phao cứu sinh để đảm bảo an toàn cho hành khách khi có sự cố xảy ra, song yêu cầu này chưa được thực hiện nghiêm túc.

Thêm một bức xúc nữa, nhu cầu hành nghề vận tải đường thủy ngày càng cao, nhiều người mong muốn được tham dự các lớp học để được cấp chứng chỉ chuyên môn, mà việc đáp ứng yêu cầu lại rất hạn chế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bức xúc về an toàn GTĐT, theo Trung tá Nguyễn Xuân Phụng: Trong công tác quản lý nhà nước, địa phương ít chú ý đến hoạt động GTĐT nên các chủ phương tiện chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các điều kiện an toàn kỹ thuật; các phương tiện hoạt động theo cách truyền thống chứ ít chú ý đến luật GTĐT… Trả lời vấn đề mà Báo Bình Định đã nêu là các tàu đò Quy Nhơn - Nhơn Hội thường xuyên chở quá tải, Trung tá Phụng cho biết: Hiện nay, Nhơn Hội là một công trường lớn (thi công tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội) nên nhu cầu đi lại ngày càng cao. Trong khi đó Hợp tác xã (HTX) vận tải đường thủy ở đây lại bố trí tài chuyến theo kiểu cũ, một ngày chỉ bố trí một phương tiện hoạt động (HTX này có 6 chiếc thuyền) nên không giải quyết hết số lượng khách có nhu cầu. Sắp đến phòng cảnh sát GTĐT sẽ làm việc với HTX yêu cầu bố trí phương tiện hợp lý hơn.

Còn nhiều vấn đề đáng quan tâm về an toàn GTĐT ở Bình Định, mong rằng ngành Giao thông - Vận tải Bình Định và phòng cảnh sát GTĐT kịp thời có những biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn cho hành khách và phương tiện khi tham gia GTĐT, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"!

. Thúy Vi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một công dân ở Cát Chánh bị đánh "hội đồng"   (10/05/2004)
Công An Bình Định mang niềm vui lên với bản làng   (09/05/2004)
Cần làm rõ trách nhiệm của ông hiệu trưởng   (09/05/2004)
Quy Nhơn về đêm   (07/05/2004)
Cuộc gặp mặt cảm động   (07/05/2004)
Một lần đến Điện Biên Phủ   (07/05/2004)
Nhớ một thời hoa ban đỏ   (07/05/2004)
Hào khí Điện Biên trên quê hương Bình Định năm xưa   (06/05/2004)
Điện Biên Phủ: Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh   (06/05/2004)
Chuyển biến mọi mặt đời sống văn hóa của tỉnh   (06/05/2004)
Trọng pháo và đánh lấn - Hai yếu tố độc đáo trong chiến dịch Điện Biên   (05/05/2004)
Sức sống của Chủ nghĩa Mác và công cuộc đổi mới đất nước   (05/05/2004)
Chợ... "chạy" !   (04/05/2004)
Để khơi dòng hiến máu tình nguyện   (04/05/2004)
Có một Điện Biên Phủ ở Liên Khu 5   (03/05/2004)