Công tác quy hoạch cán bộ: Những kết quả bước đầu
10:50', 12/5/ 2004 (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, thời gian qua các cấp ủy Đảng Bình Định đã quan tâm thực hiện công tác quy hoạch cán bộ đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU về thực hiện quy hoạch cán bộ chủ chốt của tỉnh và hướng dẫn các huyện-thành ủy, các sở, ngành thực hiện quy hoạch cán bộ. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến nay đã có 11 huyện - thành ủy và 27 sở, ban, ngành đã thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Ở 27 sở, ban, ngành đã quy hoạch được 43 cấp trưởng, 89 cấp phó. 11 huyện - thành ủy quy hoạch 205 đồng chí, trong đó có 129 đồng chí có trình độ chuyên môn đại học (62,92%); 142 đồng chí có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị (69,26%). 7/11 huyện - thành ủy cũng đã phê duyệt quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã. Nhiều cấp ủy đảng đã tiến hành công phu việc khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, lựa chọn cán bộ dự nguồn, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển cán bộ. Nhờ có quy hoạch, các cấp ủy Đảng đã chủ động chuẩn bị nhân sự phục vụ việc bầu cử HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009. Phần lớn cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt thuộc diện quy hoạch của ngành đều phát huy vai trò lãnh đạo, khả năng quản lý, điều hành, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực tế cho thấy những địa phương, đơn vị làm tốt công tác quy hoạch cán bộ đã giúp cho công tác cán bộ, nhất là khâu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ được chủ động, bảo đảm chất lượng

Tuy nhiên, đến nay công tác quy hoạch cán bộ Bình Định còn nhiều bất cập; có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả thấp, quy hoạch một đàng, đào tạo, sử dụng một nẻo. Một số địa phương, đơn vị chưa cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ phù hợp với địa phương, đơn vị mình; chưa xây dựng được quy hoạch lâu dài, chủ yếu mới dừng lại ở việc sắp xếp, bố trí số cán bộ đương chức trước mắt. Công tác quản lý cán bộ trong nguồn quy hoạch (bổ sung hồ sơ, nhận xét, đánh giá hàng năm...) chưa đi vào nền nếp. Quy hoạch cán bộ chưa thật sự trở thành căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ. Quy hoạch cán bộ còn mang tính chất khép kín trong phạm vi địa phương, ngành; có nơi quy hoạch mỗi chức danh chỉ 1 đồng chí. Tỷ lệ nguồn cán bộ trẻ, nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ con gia đình có công cách mạng, cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Kết quả 27 sở, ngành của tỉnh đã quy hoạch:

* Trong 43 đồng chí quy hoạch cấp trưởng có: 4 đồng chí là nữ (9,3%), 4 đồng chí dưới 40 tuổi (9,3%), 43 đồng chí đều có trình độ chuyên môn đại học (100%), 33 đồng chí có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị (76,74%).

* Trong 89 đồng chí quy hoạch cấp phó có: 14 nữ (15,73%), 21 đồng chí dưới 40 tuổi (23,59%), 89 đồng chí đều có trình độ chuyên môn đại học (100%), 43 đồng chí có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị (48,31%).

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, yếu kém nói trên trước hết là do một số cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác quy hoạch cán bộ, thiếu đầu tư chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác quy hoạch cán bộ. Không ít cán bộ chủ trì có tư tưởng do dự, quá nhấn mạnh những mặt khó khăn, phức tạp của công tác này. Một số không ít cán bộ chủ trì ở các cấp chưa tin tưởng vào hiệu quả công tác quy hoạch, chưa coi trọng công tác quy hoạch cán bộ. Việc quán triệt, nhận thức quan điểm, chủ trương, phương pháp, cách làm, qui trình quy hoạch cán bộ đến cấp cơ sở còn hạn chế, còn lúng túng trong triển khai tổ chức thực hiện. Nội dung và phương pháp làm quy hoạch có nhiều điểm chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tăng cường chỉ đạo và thực hiện, tạo ra bước chuyển biến mới trong công tác quy hoạch cán bộ ở Bình Định. Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2004 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Các cấp ủy Đảng sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị cho nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2005-2010. Đối với các địa phương, đảm bảo nguồn quy hoạch lớn hơn hệ số 2 so với số lượng Ban chấp hành, theo phương châm một cán bộ có thể quy hoạch 2-3 chức danh và một chức danh cũng quy hoạch ít nhất 2-3 cán bộ. Trong quy hoạch đảm bảo cơ cấu hợp lý 3 độ tuổi, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số; nhất là quan tâm phát hiện cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, có triển vọng bổ sung vào quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch mạnh dạn phân công lại một số cán bộ; đưa cán bộ dự bị vào vị trí công tác hoặc đưa đi đào tạo, luân chuyển. Thực hiện chủ trương chỉ bổ nhiệm hoặc giới thiệu để bầu những cán bộ có trong quy hoạch. Người đứng đầu tổ chức phải trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thay thế mình và chỉ đạo xây dựng, thực hiện quy hoạch cán bộ.

Thực tế cho thấy những địa phương, đơn vị làm tốt quy hoạch cán bộ đã góp phần phát huy dân chủ, bảo đảm đoàn kết nội bộ và đưa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ động hơn, hạn chế được những tiêu cực trong công tác cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ hiện nay: "Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài". Thực trạng đội ngũ cán bộ, yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải chủ động chuẩn bị một đội ngũ cán bộ thích ứng với tình hình, nhiệm vụ mới, nhằm tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức trong cạnh tranh quốc tế.

. Minh Hiếu

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lấn chiếm đất đai ở Phú Hậu - S.O.S  (11/05/2004)
An toàn giao thông đường thủy: Còn quá nhiều nỗi lo!   (10/05/2004)
Một công dân ở Cát Chánh bị đánh "hội đồng"   (10/05/2004)
Công An Bình Định mang niềm vui lên với bản làng   (09/05/2004)
Cần làm rõ trách nhiệm của ông hiệu trưởng   (09/05/2004)
Quy Nhơn về đêm   (07/05/2004)
Cuộc gặp mặt cảm động   (07/05/2004)
Một lần đến Điện Biên Phủ   (07/05/2004)
Nhớ một thời hoa ban đỏ   (07/05/2004)
Hào khí Điện Biên trên quê hương Bình Định năm xưa   (06/05/2004)
Điện Biên Phủ: Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh   (06/05/2004)
Chuyển biến mọi mặt đời sống văn hóa của tỉnh   (06/05/2004)
Trọng pháo và đánh lấn - Hai yếu tố độc đáo trong chiến dịch Điện Biên   (05/05/2004)
Sức sống của Chủ nghĩa Mác và công cuộc đổi mới đất nước   (05/05/2004)
Chợ... "chạy" !   (04/05/2004)