Công nhân nhảy xưởng
15:17', 13/5/ 2004 (GMT+7)

. Phóng sự của Thu Hà

Công nhân (CN) hay "nhảy" từ xưởng này sang xưởng khác, từ công ty này sang công ty khác… là tình trạng khá phổ biến tại các công ty sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn TP Quy Nhơn.

* 1.001 lý do nhảy xưởng

Thiếu công nhân lành nghề là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp tinh chế gỗ

Tôi gặp Nguyễn Quốc Tuấn, quê ở Tây Sơn, khi đang chuẩn bị vo gạo nấu cơm chuẩn bị buổi cơm trưa. Chỉ mới bốn năm làm CN gỗ nhưng Tuấn đã thay đổi chỗ làm hết ba bận. Trước tết, Tuấn làm ở Thành Vy, nhưng từ sau tết anh đã chuyển sang Tiến Đạt. "Lương ở xưởng bên kia trả bèo, chỉ có 24.000 đồng/ca 8 tiếng. Nghe nói ở bên này cao hơn nên em nhảy" - Tuấn giải thích và cho biết thêm, nếu bên xưởng mới làm "ngon" hơn thì cậu sẽ kéo cả thằng em qua luôn.

Tại các xưởng gỗ ở TP Quy Nhơn và nhất là tại KCN Phú Tài, CN nhảy chỗ làm như Tuấn không hiếm. Chị Huỳnh Thị Bích, CN của Xưởng chế biến gỗ lâm sản thuộc Tổng Công ty Pisico nói thêm vào: "Có khi CN ở các xưởng khác đến cùng một lúc gần cả trăm người, đủ để thành lập một tổ mới".

Có 1.001 lý do khiến CN nhảy xưởng. Đôi khi chỉ vì những chuyện hết sức đơn giản: để cùng làm một chỗ, cùng ở nhà trọ cho tiện sinh hoạt, rồi vì lý do tình cảm cũng không phải là hiếm, do chủ sử dụng lao động đối xử với CN thiếu tôn trọng, không có chính sách ưu đãi CN. Anh Nguyễn Hồng Chương, tổ trưởng của một công ty, tâm sự: "Các sếp tin tưởng và đưa con em, họ hàng về làm quản lý. Người có năng lực tốt thì ai nói làm gì. Phần đông các "sếp" kiểu này đều là dân tay ngang, không biết gì về kỹ thuật mà lại quát nạt bọn tôi phải làm thế nọ thế kia, rồi ra vẻ ta đây, hách dịch. Ức lắm! Vậy là nhiều đứa xin nghỉ, kéo cả băng qua xưởng khác làm".

Khúc mắc trong trả lương của chủ DN là vấn đề khiến cho CN nhảy xưởng nhiều nhất. Anh Thanh, trước làm ở Công ty Trường Sơn ấm ức: "Thử hỏi làm hai, ba tháng mới được nhận lương một tháng thì lấy gì mà sống. Lương tháng trên 1 triệu mới có để dành tiêu nhín chờ đến kỳ, chứ lương mấy trăm thì sao đủ sống?". Luyện, trước làm ở Công ty Ánh Việt cũng cùng một tâm sự như vậy. "Em sợ kiểu trả lương đó lắm rồi", Luyện le lưỡi lắc đầu. Nhiều CN phản ánh, tình trạng trả lương chậm, nợ lương, thậm chí có nơi CN làm hai, ba tháng mới trả lương một tháng hoặc cho ứng dần lương, còn lại để gối sang tháng sau, giữ chân CN. Bởi vậy, nhiều CN "trụ" không nổi phải nhảy qua xưởng khác, chấp nhận lương ít hơn nhưng bù lại được nhận lương đúng kỳ; công việc rõ ràng, chủ thợ sòng phẳng.

* Giữ chân CN

Nhiều DN sau một thời gian bỏ công ra đào tạo đội ngũ CN khá lành nghề, thì bị DN khác "hút về" bằng chế độ lương, thưởng cao hơn. Một Phó giám đốc của Công ty TNHH Tiến Đạt cho biết: "Chính sách tiền lương là một trong những vấn đề quan trọng nhất để giữ chân CN. Công ty trả lương đúng hạn, không nợ lương thì sẽ hút được nhiều lao động ở lại".

Một số DN tìm cách giữ chân người lao động, chủ yếu là bộ phận văn phòng, thợ kỹ thuật và CN lâu năm; bằng cách tạo mối quan hệ thân tình như người trong nhà, hoặc có mức lương, thưởng rất cao. Có DN cuối năm chi tiền thưởng vài ba mươi triệu/nhân viên hoặc tặng cả sợi dây chuyền vàng kỷ niệm mang logo của công ty. Anh L. là thợ kỹ thuật cao được một công ty khác "mời về" với mức lương chênh lệch cả triệu đồng, được trang bị điện thoại di động và các khoản phụ cấp khác… nhưng anh từ chối. "Làm người, còn có cái tình nữa chứ. Trước, tôi gặp một số khó khăn, công ty quan tâm giúp đỡ. Vì mấy chục mấy trăm chênh lệch mình lại ra đi coi sao được. Mà chưa chắc gì ở chỗ mới họ đã đối xử với mình tốt như ở đây" - anh bảo vậy. H.G, một nhân viên khá được việc cũng có chung tâm sự với anh L: "Tôi cũng được mời đi làm chỗ khác, lương có thể cao gấp hai, ba lần. Nhưng nghe nói ở bên đó, người ta cạnh tranh nhau từng tí một, sơ sẩy là có người thay vị trí của mình ngay. Thôi thì tôi cứ ở đây, lương ít hơn, nhưng một mình một chợ, chủ ưu đãi mình hơn".

CN nhảy xưởng thì người chịu thiệt trước hết là các DN có CN nhảy. Tuyển CN mới không khó nhưng lại phải đào tạo lại từ đầu, đó là chưa kể CN mới vào chưa làm quen với nội quy, kỷ luật của xưởng, gây ra không ít phiền hà cho chủ DN. Nhiều LĐ vi phạm ở xưởng này, bị DN sa thải và đến xưởng khác vẫn tiếp tục vi phạm. "Nếu DN quản lý LĐ chặt chẽ, thông báo tình hình cho các DN khác biết thì hạn chế được tình trạng này" - ông Hồ Văn Hòa, Phó Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, nhận xét. Ngoài ra, CN biến động liên tục còn ảnh hưởng đến vấn đề phát triển chung của cả KCN. Năm 2003, gần 1.000 chỉ tiêu dạy nghề cho CN thuộc KCN Phú Tài của tỉnh đã không thể thực hiện được. Một trong những nguyên nhân khiến DN không thể triển khai đó là tình trạng CN biến động liên tục.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thông tin thêm về vụ một học sinh tự tử tại An Lão: Tiếng nói của những người trong cuộc   (12/05/2004)
Công tác quy hoạch cán bộ: Những kết quả bước đầu   (12/05/2004)
Lấn chiếm đất đai ở Phú Hậu - S.O.S  (11/05/2004)
An toàn giao thông đường thủy: Còn quá nhiều nỗi lo!   (10/05/2004)
Một công dân ở Cát Chánh bị đánh "hội đồng"   (10/05/2004)
Công An Bình Định mang niềm vui lên với bản làng   (09/05/2004)
Cần làm rõ trách nhiệm của ông hiệu trưởng   (09/05/2004)
Quy Nhơn về đêm   (07/05/2004)
Cuộc gặp mặt cảm động   (07/05/2004)
Một lần đến Điện Biên Phủ   (07/05/2004)
Nhớ một thời hoa ban đỏ   (07/05/2004)
Hào khí Điện Biên trên quê hương Bình Định năm xưa   (06/05/2004)
Điện Biên Phủ: Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh   (06/05/2004)
Chuyển biến mọi mặt đời sống văn hóa của tỉnh   (06/05/2004)
Trọng pháo và đánh lấn - Hai yếu tố độc đáo trong chiến dịch Điện Biên   (05/05/2004)