Những người sống cạnh… người chết
10:44', 14/5/ 2004 (GMT+7)

Ngày ngày họ cần mẫn, lặng lẽ bên nghĩa trang để lo cho những người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng; chăm sóc, bảo vệ, hương khói cho các ngôi mộ… Đó là những người trong Đội quản lý nghĩa trang Bùi Thị Xuân (TP. Quy Nhơn). Cái nghề không có trong "hạng mục" này lại là cuộc mưu sinh của không ít con người.

Chăm sóc một ngôi mộ vô chủ (ảnh: Công Tâm)

Đã hẹn trước, đúng 9 giờ sáng tôi có mặt ở nghĩa trang, bước vào văn phòng Đội quản lý lại không có một bóng người. Loay hoay mãi mới gặp được cô văn thư, được cô cho biết: "Do sáng nay có một đám tang ngoài dự kiến, nên anh em phải vác xà beng, cuốc đi đào huyệt từ 5 giờ sáng nhưng đến giờ vẫn chưa xong, có lẽ khi đào mộ gặp phải đá bàng".

Nghe vậy, tôi nhờ cô văn thư dẫn đường để đến nơi anh em trong Đội quản lý đang đào huyệt. Băng qua hàng nghìn ngôi mộ, tôi cũng đến được nơi anh em đang đào huyệt cho một người mới vừa mất. Đúng như lời cô văn thư nói, huyệt đào gặp phải tảng đá bàng, bởi nghĩa trang nằm dưới chân núi Hòn Chà. Phía bên trên, trống kèn của đám ma như đang hối thúc vì đã quá giờ hạ quan tài, phía bên dưới thì anh em trong Đội quản lý nghĩa trang đang hì hục đục từng mảnh đá. Đến đúng 11 giờ trưa, công việc lấp huyệt mới hoàn tất. Lúc này, ông Nguyễn Thanh Phong, Đội trưởng Đội quản lý nghĩa trang, một người có trên 20 năm gắn bó với công việc này, mới thở phào, thông báo: "Anh em về ăn cơm trưa và nghỉ ngơi, chiều 3 giờ đào tiếp cái nữa".

Vừa ăn cơm trưa, vừa trò chuyện, người tôi hỏi chuyện đầu tiên là chàng trai Nguyễn Đỗ Quốc. Quốc 26 tuổi nhưng đã gắn bó với nghĩa trang này được 5 năm. Anh kể: "Lúc trước tôi làm được hai năm thì đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, cũng đã xin làm công nhân gỗ ở trong Khu công nghiệp Phú Tài, lương lại khá hơn ở đây nhiều. Nhưng không hiểu duyên số sao đó, xui khiến tôi về làm công việc cũ". Hiện nay công việc của Quốc phải làm hàng ngày là đào huyệt, lấp huyệt, tu sửa những ngôi mộ bị hư hỏng, tối đến thay phiên nhau trực đêm. Hầu như cả ngày lẫn đêm Quốc đều trúc trực ở đây. Dù công việc nhiều và khá vất vả nhưng thu nhập của Quốc cộng tất cả các khoản lại chỉ 400 ngàn đồng/tháng. Tôi hỏi đùa: "Làm nghề này, Quốc không sợ ma à!" Quốc cười đáp: "Lúc mới vào làm tôi cũng ngại lắm chứ. Còn giờ, ngày đêm làm bạn với người chết thì sợ gì nữa".

Cái công việc suốt ngày gần gũi với người chết này không phải ai cũng làm được. Đã có bao người đến đây xin làm, chỉ làm được một buổi rồi lặng lẽ bỏ ra đi. Chị Đỗ Thị Bích Hạnh, đã có 3 năm làm công việc chăm sóc mộ kiêm luôn nấu ăn cho Đội, thổ lộ: "Cũng đã có nhiều người đến đây xin làm. Sáng đi đào huyệt, trưa về dọn cơm ra ăn thì chỉ biết chống đũa mà nhìn, rồi lẳng lặng ôm đồ bỏ đi. Làm cái nghề này mà yếu bóng vía thì không cách nào làm được. Bản thân tôi lúc mới vào làm cứ sợ… ma, ngày không dám ăn cơm, đêm không dám ngủ. Giờ làm lâu thành quen".

Xây mộ (ảnh: Công Tâm)

Trời nắng cũng như trời mưa, ngày nào các anh em trong Đội quản lý đều có mặt từ sáng cho đến tối. Mà có ngày nào anh em được nghỉ ngơi. Có ngày, anh em trong Đội phải đào 9 đến 10 cái huyệt, ngày nào xui xẻo gặp trúng đá bàng thì tối về ê ẩm cả mình mẩy. Nhưng sợ nhất là đào huyệt khi trời vừa mưa xuống, hơi mộ vừa mới chôn bốc lên, anh em về ốm cả tháng. Mà người chết có chọn được ngày giờ để khai tử đâu, nên dù 1 giờ khuya hay 4 giờ sáng, cứ có tin báo là họ vác đồ nghề lên đường để kịp giờ chôn theo yêu cầu của gia chủ. Không những thế, anh em trong Đội còn có trách nhiệm đối với nhiều ngôi mộ vô chủ. Anh Lộ Ngọc Tài, 29 tuổi, đã có 8 năm tuổi nghề, vừa nói, vừa dẫn tôi ra hàng mộ vô chủ. Tôi nhẩm tính có trên 500 mộ, trong đó phần nhiều là các mộ bốc từ các nơi khác về do giải phóng mặt bằng, một số mộ là các con nghiện ma túy, người bị bệnh AIDS chết không có thân nhân, không để lại tên tuổi.

Anh Tài còn kể, có cả chục ngôi mộ là của các em bé vừa mới chào đời đã bị đem vứt ngoài bờ, ngoài bụi, không thân nhân, không người thừa nhận. Không nỡ để các cháu bé xấu số không có một nơi yên nghỉ, anh em trong Đội gom góp người ít người nhiều mua quách về chôn cất các cháu tử tế.

Trở lại với việc quản lý, bảo vệ nghĩa trang, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: "Nghĩa trang Bùi Thị Xuân với hơn 6.000 ngôi mộ nhưng được quản lý khá tốt. Từ khi thành lập cho đến nay, chưa có tình trạng trộm cắp, mộ bị đập phá xảy ra. Chúng tôi cũng luôn chú ý đến công tác chăm sóc mộ để cho nghĩa trang luôn sạch đẹp".

Ông Phong nói một cách đơn giản vậy nhưng tôi hiểu, để có được kết quả đó, anh em trong Đội quản lý nghĩa trang đã phải rất vất vả, phải thật sự… yêu nghề và vượt qua được mặc cảm nghề nghiệp. Một ngày ở nghĩa trang, chứng kiến công việc thường ngày của anh em trong Đội quản lý nghĩa trang, tôi thật sự cảm thông, trân trọng và chia sẻ với họ. Đó thật sự là một công việc mà không phải ai cũng làm được.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công nhân nhảy xưởng  (13/05/2004)
Thông tin thêm về vụ một học sinh tự tử tại An Lão: Tiếng nói của những người trong cuộc   (12/05/2004)
Công tác quy hoạch cán bộ: Những kết quả bước đầu   (12/05/2004)
Lấn chiếm đất đai ở Phú Hậu - S.O.S  (11/05/2004)
An toàn giao thông đường thủy: Còn quá nhiều nỗi lo!   (10/05/2004)
Một công dân ở Cát Chánh bị đánh "hội đồng"   (10/05/2004)
Công An Bình Định mang niềm vui lên với bản làng   (09/05/2004)
Cần làm rõ trách nhiệm của ông hiệu trưởng   (09/05/2004)
Quy Nhơn về đêm   (07/05/2004)
Cuộc gặp mặt cảm động   (07/05/2004)
Một lần đến Điện Biên Phủ   (07/05/2004)
Nhớ một thời hoa ban đỏ   (07/05/2004)
Hào khí Điện Biên trên quê hương Bình Định năm xưa   (06/05/2004)
Điện Biên Phủ: Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh   (06/05/2004)
Chuyển biến mọi mặt đời sống văn hóa của tỉnh   (06/05/2004)