Chuyện ghi ở Trung tâm giáo dục lao động - xã hội Bình Định
16:59', 16/5/ 2004 (GMT+7)

Một nữ giám đốc nhiệt tình, một cô y tá trong ngày đi làm đầu tiên đã chứng kiến cái chết của bệnh nhân AIDS, một người cha nghiện ngập, một người mẹ bị HIV, một thanh niên trẻ vùi mình trong ma túy hay một em bé vừa cất tiếng khóc chào đời đã đếm được tuổi đời ngắn ngủi của mình... Đó đều là những mảnh đời "sáng - tối" ở Trung tâm giáo dục lao động - xã hội Bình Định (TT). Và họ đã sống, làm việc với nhau chỉ bằng một "chữ tâm" nhân ái, không khoảng cách.

* Khi giám đốc làm… tiếp thị

Với đồng nghiệp và học viên TT, hình ảnh người nữ giám đốc Nguyễn Thị Kim Cúc đã trở nên rất gần gũi và thân thiện. Từ đồng nghiệp cho tới học viên không ai gọi chị bằng chức danh "giám đốc" có phần cách biệt. Người vào trước gọi bằng chị, người trẻ vào sau lại nhích lên một chút, gọi thành cô.

Đội văn nghệ TT trong một đêm biểu diễn văn nghệ

Năm 1995 khi đang công tác tại Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, chị được phân về làm Giám đốc TT. 39 tuổi, cậu bé con thứ hai vừa sinh được vài tháng, chồng thường xuyên công tác xa nhà, chị vẫn vui vẻ vượt qua khó khăn bắt tay vào nhiệm vụ mới. Những năm đầu TT vừa thành lập, công việc dồn dập, phải ở lại trưa thỉnh thoảng còn kéo sang buổi tối, chị cảm thấy thời gian sao dài quá. Chính ở đây, lần đầu tiên chị biết đến bệnh nhân AIDS chứ không còn "nghe tên" như trước. Cũng từ đó, TT lập tức trở thành vùng đất... trắng, cách biệt với bên ngoài.

Trong chị luôn trằn trọc một ý nghĩ phải làm sao phá bỏ hố sâu ngăn cách của người dân với các học viên. Và câu chuyện người giám đốc làm… tiếp thị trở thành một kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày đầu đưa cộng đồng gần với TT. Số là TT còn khá nhiều vùng đất trống. Chị chủ động đề ra việc hình thành vườn rau trước sân. Ban đầu chỉ là để cho các học viên có ý thức yêu lao động và tạo nguồn cải thiện đời sống. Nhưng ngặt nỗi, nhờ sự chăm sóc tốt, mấy luống rau cứ xanh mơn mởn và TT "tiêu thụ" không kịp. Vậy là chị nghĩ đến chuyện mang rau ra chợ bán. Chị nhớ lại: "Lúc đó, nghe nói rau của TT, người dân xung quanh không ai dám mua. Mang rau ra đến chợ mời mọc mãi, người ta cũng chú ý nhưng nghe nói đến tên của TT họ liền quày quả bỏ đi". Vừa tiếc công học viên vừa cho rằng đây là cơ hội xóa dần khoảng cách, chị quyết định mang rau đi "tiếp thị". Chị mời họ vào TT xem mình chế biến món và ăn trực tiếp tại vườn. Ban đầu, các "khách hàng" còn bán tín bán nghi nhưng riết rồi quen, họ lại xem đây là "đầu mối" để có được món rau vừa ngon lại vừa rẻ.

* Màu xanh trên đất trắng

Trước đây, quãng đường ngắn chưa đến 1km từ quốc lộ 1A vào đến TT phía trước chỉ có dăm ba ngôi nhà đơn sơ, còn đằng sau là dãy núi lác đác vài cây sẻ dại quanh năm rặt một màu đỏ quạch của đất. Sau những năm tháng được các cấp, ngành quan tâm và sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng, bây giờ con đường ấy đã được rút ngắn dần. Cuộc sống của người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS cũng được chú ý nhiều hơn.

Mảnh đất TT nằm dưới chân núi gần 40 ha vốn được mệnh danh là vùng đất trắng, nay đã xanh một màu xanh của sự sống. Hiện tại, TT đã có một vườn rau khá rộng với nhiều chủng loại, hơn 300 cây xoài và 500 cây điều đã cho những quả ngọt đầu mùa. Đàn bò với 30 con và một loạt các loại gia súc, gia cầm khác (heo, chim, bồ câu...) cũng được tự tay học viên chăm sóc và phát triển nhiều thêm. Với số học viên trẻ là đối tượng nghiện ma túy và mại dâm, TT còn phối hợp với trung tâm dạy nghề tạo mọi điều kiện tổ chức các lớp dạy nghề: may, gò, hàn….

Từ năm 2000 trở lại đây, TT cũng thường xuyên được hưởng lợi từ các dự án liên kết và phi chính phủ. Có thể nói, sự quan tâm của cộng đồng đã phần nào xóa dần khoảng cách giữa các học viên của TT với xã hội bên ngoài. Nhưng trên hết, sự bao dung, nhân ái, không khoảng cách giữa những cán bộ TT với học viên đã làm cho họ tự tin và cố gắng phấn đấu trở thành người tốt. Anh C, một người nhiễm HIV/AIDS, bộc bạch: "Không còn bị mặc cảm bị kỳ thị, nên trong những ngày ở TT, chúng tôi đã cố gắng giành giật thời gian để sống, để làm được điều có ích".

. Hiền Lê

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người sống cạnh… người chết  (14/05/2004)
Công nhân nhảy xưởng  (13/05/2004)
Thông tin thêm về vụ một học sinh tự tử tại An Lão: Tiếng nói của những người trong cuộc   (12/05/2004)
Công tác quy hoạch cán bộ: Những kết quả bước đầu   (12/05/2004)
Lấn chiếm đất đai ở Phú Hậu - S.O.S  (11/05/2004)
An toàn giao thông đường thủy: Còn quá nhiều nỗi lo!   (10/05/2004)
Một công dân ở Cát Chánh bị đánh "hội đồng"   (10/05/2004)
Công An Bình Định mang niềm vui lên với bản làng   (09/05/2004)
Cần làm rõ trách nhiệm của ông hiệu trưởng   (09/05/2004)
Quy Nhơn về đêm   (07/05/2004)
Cuộc gặp mặt cảm động   (07/05/2004)
Một lần đến Điện Biên Phủ   (07/05/2004)
Nhớ một thời hoa ban đỏ   (07/05/2004)
Hào khí Điện Biên trên quê hương Bình Định năm xưa   (06/05/2004)
Điện Biên Phủ: Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh   (06/05/2004)