Cây đại thụ của đường Hồ Chí Minh
17:20', 18/5/ 2004 (GMT+7)

Ngày 19-5 này, đường Hồ Chí Minh vừa tròn 45 năm kể từ khi Đảng ta quyết định thành lập Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Hai người lính được Đảng phân công làm nhiệm vụ "mở đường" đều quê huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi. Đó là Thiếu tướng Võ Bẩm người Tịnh Khê và Đại tá Nguyễn Thạnh người Tịnh Thọ. Ông Thạnh hiện nay đã 97 tuổi, ở phường Quảng Phú, thị xã Quảng Ngãi.

Đại tá Nguyễn Thạnh tại Trường Sơn năm 1964

Chỉ tính cái tuổi 97 không thôi là đủ để ông Nguyễn Thạnh trở thành "đại thụ" rồi. Nghe lời chúc "đại thượng thọ", ông cười làm rung những chiếc răng hiếm hoi còn nán lại với ông: "Đảng được bao nhiêu năm là tôi có bấy nhiêu tuổi Đảng!". Rồi ông chi li: " Hồi trẻ, nếm đủ thứ đòn roi của địch trong các nhà tù, chỉ mong sao sống được bảy mươi, giờ chín mươi bảy, "lời" những hai mươi bảy năm. Sướng rồi!". Tôi góp chuyện: "Cụ gắng sống thêm 3 năm nữa là đủ bách niên. Lúc ấy, có đi gặp tổ tiên thì cũng toại nguyện".

Hình như với ông, quỹ thời gian mà tạo hóa đã dành cho mình như thế là quá đủ. Ông nói: "Giờ trò chuyện với anh đây, chút nữa đi chầu ông bà ông vải thì cũng tốt thôi. Tôi đâu dám nghĩ là mình sẽ được chứng kiến lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, cũng không nghĩ là mình sống đến lúc con đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ ấy sắp tròn 45 năm". Rồi ông hỏi tôi: "Anh có biết con đường ấy chính thức được thành lập năm nào không?". Tôi nước đôi với ông: "Hình như đâu năm 1959, đúng không cụ?". "Đúng mà chưa đủ. Ngày 19-5, đúng ngày sinh Bác Hồ!".

Đã lâu lắm rồi, hai tiếng "Trường Sơn" đã bị khuất lấp trong ông. Vì vậy, khi nghe tôi nhắc lại hai tiếng ấy, ông như bừng thức với những chuỗi ký ức đứt nối của người già. Qua ông, mỗi một chớp sáng của ký ức về Trường Sơn là một bài ca về lòng quả cảm và sự hy sinh vô bờ của những người lính đã từng đặt chân lên con đường đó, đã từng gửi cả tuổi thanh xuân của mình ở đó. Ông nói rằng, để có một đại lộ Hồ Chí Minh được thảm nhựa như hôm nay, hàng triệu người đã phải đi qua những lối mòn của Trường Sơn từ 40-50 năm trước, hàng vạn người đã đổ máu của mình trên đó. Nói ngày 19-5 mở đường Trường Sơn là một cách nói chứ kỳ thực là con đường ấy đã từng in dấu chân của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ Khu V trong kháng chiến chống Pháp khi vượt Trường Sơn ra Việt Bắc. Nhưng lần đánh nhau với thằng Mỹ này, đường Trường Sơn mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Sau Nghị quyết 15 của Đảng, từ một nông trường quân đội ở Ninh Bình, ông được điều về và nhận nhiệm vụ làm Đoàn phó cùng với ông Võ Bẩm, quê Sơn Mỹ, làm Đoàn trưởng Đoàn 559, mở đường Trường Sơn. Nghị quyết 15 xác định là phải dùng vũ lực để giải phóng miền Nam chứ không chỉ đơn thuần là đấu tranh chính trị nữa. Mà đã nói đến dùng vũ lực là phải vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Ý nghĩa của việc mở đường Trường Sơn là như thế.

Và bây giờ, đang kể chuyện Trường Sơn

Ở tuổi 97 nhưng tất cả những địa danh từ những ngày đầu mở đường Trường Sơn, ông không bỏ sót tên của một vùng đất nào. Sau hội nghị tại Hồ Xá vào tháng 6-1959 để chọn lựa các phương án "mở nút" tuyến đường, một cuộc chuẩn bị khá chu đáo và âm thầm để đưa người và vũ khí vượt Trường Sơn. Và Khe Hó đã là điểm hẹn của hàng trăm tấn vũ khí, lương thảo trong những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Từ Khe Hó, một lần nữa, các loại vũ khí lại được những đôi "vai sắt chân đồng" gùi trên lưng băng qua hàng trăm đồn bót của địch nơi đường 9, vượt qua hàng chục đèo cao suối sâu để vào Nam. Những cái tên gợi nhớ một thời gian khó như đỉnh núi Một Ngàn, động Voi Mẹp, sông Ra Gã, sông Nước Chảy, dốc Bốn Thang… chắc hẳn vẫn còn vang lên trong tâm tưởng bao người lính Trường Sơn thuở ấy. Trong ông vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác đê mê khi chuyến hàng đầu tiên sau 8 ngày vượt đèo lội suối đã đến được Tà Riệp an toàn.

Thực ra chuyến hàng đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn 40 khẩu súng và 10 thùng đạn nhưng nó khẳng định một điều rằng: Chúng ta hoàn toàn có thể chuyển vũ khí vào miền Nam bằng con đường huyền thoại này. Mà đã chuyển được vũ khí vào miền Nam thì mới tính đến chuyện thắng-thua với thằng Mỹ!

Trường Sơn trong ông là một dòng chảy không dứt của ký ức. Tuy nhiên, trò chuyện với ông, tôi còn nhận ra rằng, trong người cán bộ lão thành cách mạng này không chỉ có một ký ức về Trường Sơn mà còn có cả một quãng thời gian oanh liệt trước đó, khi thì với tư cách là đội viên của Đội Du kích Ba Tơ, khi thì với tư cách một Trung đoàn trưởng từng đánh nhau với Pháp ở Phú Yên. Ông là một kho sử sống của cả một giai đoạn đau thương mà hào hùng nhất của dân tộc ta suốt nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Có lẽ ông là cán bộ lão thành cách mạng cao niên nhất vẫn còn sống hiện nay ở tỉnh Quảng Ngãi.

Chứng kiến toàn bộ những biến động lớn lao suốt 74 năm qua kể từ khi Đảng ta được thành lập, trải qua nhiều nhà tù đế quốc, qua nhiều trận đánh với hai tên thực dân sừng sỏ là Pháp và Mỹ, song cái đọng lại sâu đậm nhất trong ông vẫn là con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Bởi lẽ, chính con đường ấy đã góp phần quan trọng trong việc đánh thắng đế quốc Mỹ, mà ông, với tư cách là cây đại thụ, một trong rất ít người đầu tiên khai phá tuyến đường ấy từ 45 năm trước.

. Trần Đăng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cây đại thụ của đường Hồ Chí Minh  (18/05/2004)
Thi tốt nghiệp tiểu học năm học 2003-2004: Vì Luật nên... phải thi  (18/05/2004)
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục, nghĩ về nền giáo dục hiện nay   (17/05/2004)
Để trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng   (17/05/2004)
Chuyện ghi ở Trung tâm giáo dục lao động - xã hội Bình Định  (16/05/2004)
Những người sống cạnh… người chết  (14/05/2004)
Công nhân nhảy xưởng  (13/05/2004)
Thông tin thêm về vụ một học sinh tự tử tại An Lão: Tiếng nói của những người trong cuộc   (12/05/2004)
Công tác quy hoạch cán bộ: Những kết quả bước đầu   (12/05/2004)
Lấn chiếm đất đai ở Phú Hậu - S.O.S  (11/05/2004)
An toàn giao thông đường thủy: Còn quá nhiều nỗi lo!   (10/05/2004)
Một công dân ở Cát Chánh bị đánh "hội đồng"   (10/05/2004)
Công An Bình Định mang niềm vui lên với bản làng   (09/05/2004)
Cần làm rõ trách nhiệm của ông hiệu trưởng   (09/05/2004)
Quy Nhơn về đêm   (07/05/2004)