"Alô, làng phong Quy Hòa xin nghe ạ!" - "Chị làm ơn cho tôi gặp anh Nguyễn Đức Nam..." - "Vâng, xin anh gác máy chờ 5 phút nữa gọi lại nhé!". Nói dứt lời, cô gái gác máy, sau đó tiếp tục dùng micro đọc to: "Alô, xin mời anh Nguyễn Đức Nam ra nghe điện thoại, có người cần gặp..." - giọng của cô cất lên trên hệ thống loa phát thanh ở làng phong Quy Hòa nghe thật ấn tượng.
|
Hiếu với công việc của mình |
Đó là công việc hàng ngày của Phạm Thị Minh Hiếu, sinh năm 1984, người làm nhiệm vụ nối cầu thông tin giữa người bên ngoài và những người đang sinh sống ở làng phong Quy Hòa. Phải mất gần 15 phút chờ đợi sau nhiều cuộc điện thoại nhờ "nối mạng" với người làng phong, Hiếu mới có thời gian để tiếp chuyện với tôi.
Không chỉ có giọng nói hay và dịu dàng, Hiếu còn là cô gái khá xinh xắn. Sinh ra và lớn lên ở làng phong Quy Hòa, cũng như nhiều bạn trẻ khác trong làng phong, bản thân Hiếu không mắc bệnh phong nhưng xuất thân từ gia đình có người mắc bệnh này. Ông bà ngoại của Hiếu mắc bệnh phong nhưng cha mẹ Hiếu thì không sao cả. Tuy nhiên, vào những năm trước, sự mặc cảm của người có thân nhân bị bệnh phong cùng ánh mắt lạnh nhạt của người đời đã bó buộc cuộc đời của cha mẹ Hiếu luôn với khu này. Thế rồi từ đó, mẹ Hiếu quyết định xin làm hộ lý cho Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa để chăm sóc cho bệnh nhân phong, còn cha thì mưu sinh với nghề thợ xây...
Để liên lạc với bên ngoài và ngược lại, phần lớn những người sinh sống trong làng phong Quy Hòa đều dùng máy điện thoại của Hội đồng bệnh nhân Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa, nơi Hiếu đang trực điện thoại. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 50 cuộc điện thoại gọi đi và gọi đến làng phong Quy Hòa. Vì thế, công việc đã khiến Hiếu luôn bận rộn từ 7 giờ sáng đến 21 giờ, trừ giờ nghỉ trưa, chiều ăn cơm. Nơi làm việc của Hiếu là một phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn một chiếc bàn, điện thoại, 1 micro và dàn âmli nối hệ thống loa ra bên ngoài. Không chỉ riêng ban ngày, đêm khuya Hiếu cũng thường xuyên bị mất ngủ mỗi khi người làng phong có việc cần liên lạc ra bên ngoài. "Những lần bị đánh thức như vậy, Hiếu có bực mình không?". Hiếu mỉm cười: "Đó là công việc và trách nhiệm của Hiếu mà. Có việc cần quan trọng thì họ mới như vậy chứ...".
Ngoài công việc chính, Hiếu còn được phân công nhiệm vụ giữ phòng thư viện của làng phong Quy Hòa. Ông Nguyễn Hữu Đồng - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân của Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa - cho biết: "Mọi người ở đây ai cũng yêu quý Hiếu vì cô luôn luôn vui vẻ và làm tốt nhiệm vụ của mình, để lại ấn tượng tốt cho những ai gọi điện thoại đến làng phong này".
Ngoài công việc, hiện nay Hiếu đang học năm thứ I lớp trung cấp Tài chính kế toán tại Trung tâm Tin học Bình Định. Hàng đêm, cùng bạn bè trong làng, Hiếu vượt đèo ra Quy Nhơn học. Nói về ước mơ của mình, Hiếu cho biết: "Từ nhỏ đến giờ, mình luôn luôn có hai điều ước. Thứ nhất là cố gắng học để sau này làm một công việc gì đó có ích cho những người làng phong Quy Hòa; thứ hai là mong rằng mọi người hãy có cái nhìn thân thiện hơn nữa với những người mắc bệnh phong nói chung và những người đang ở làng phong Quy Hòa nói riêng."
Nghe Hiếu "triết lý" như vậy, tôi thoáng nghĩ, hình như ước mơ thứ nhất Hiếu đã thực hiện được phần nào. Còn ước mơ thứ hai của Hiếu, có lẽ nó cũng giống như ước mơ của cha mẹ Hiếu và những người cùng thế hệ của họ. Nhưng Hiếu khác với cha mẹ cô. Hiếu và bạn bè của mình đã biết từng bước biến ước mơ thành hiện thực bằng hành động thực tế.
. Hải Lê |