Chuyện những người tuần đường
10:31', 10/6/ 2004 (GMT+7)

Hãy tưởng tượng, có một nghề mà mỗi ngày bạn phải đi 20 km, với cùng một lộ trình, cùng một tiến độ, nghĩa là bắt đầu khi nào, mấy giờ đến đâu, khi nào phải hoàn thành. Trong suốt lộ trình ấy phải chăm chắm nhìn xuống đất, đếm từng bước chân… Đó là nghề của những người tuần đường.

* Nắng dãi, mưa dầm

Đón những chuyến tàu qua

Nắng như đổ lửa xuống những cung đường. Trong khi đợi tuần đường xuống ban (tương tự tan ca), ngồi trong trạm gác chắn Diêu Trì, gió thốc vào rát mặt, tôi hình dung chặng đường hơn 20 km mỗi ngày của một người tuần đường dưới cái nắng gắt mùa hè mà thấy hãi. Ông Bùi Chơn Tâm, Đội trưởng Đội Quản lý Đường sắt 409 (Công ty Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình), vui vẻ: "Có vậy anh mới hình dung hết cái vất vả của nghề tuần đường tụi này".

Chờ mãi rồi cũng thấy bóng một người tuần đường hiện ra sau một góc cua. Vai đeo túi dết, tay cầm cờ lê - thẻ bài (tức là một chiếc cờ lê lớn, có đóng số, vừa dùng để xiết lại ốc trên đường ray, vừa dùng để luân chuyển dọc tuyến theo một hành trình được quy định). Nước da anh ta đen sạm như một cục than. Anh Nguyễn Văn Thả, lúc này tôi mới biết tên anh, đặt vội cái túi dết trên bàn, tu một hơi cạn ly nước sôi để nguội, rồi anh thở đánh phào, vuốt vội những giọt mồ hôi long tong trên trán như mưa đầu giọt tranh, cười hồn nhiên: "Cái nghề tụi này là vậy. Nhưng mình đã chọn, đã gắn bó thì lại thấy yêu nghề thôi".

Mỗi ngày, anh Thả cuốc bộ đúng 22 km. Năm nay 38 tuổi, đã có 22 năm trong ngành đường sắt, anh Thả đã làm nghề tuần đường đúng 10 năm nay. Mỗi ngày 20 km trên đường, tính ra, sau 10 năm làm nghề, anh đã đi được trên dưới 32.000 cây số. "Nhiều người trong Đội thì đã đi bộ giáp một vòng trái đất".

Anh Thả kể, những ngày đầu cũng oải lắm. Đường thì xa, mà lại đi một mình theo một lịch trình bắt buộc, nên nản lắm. Đó là chưa kể phải để mắt đến mọi hư hỏng dọc đường, rồi sửa chữa nhỏ, dọn vệ sinh mặt đường… Những chuyện tưởng đơn giản, ai chẳng làm được, nhưng "ngó vậy mà không phải vậy". Ông Tâm cho biết thêm: "Mùa nắng thì vất vả vậy, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là vào mùa mưa bão. Cây đổ, sạt lở nền đường, tôn bay rất nguy hiểm nhưng vẫn phải thường xuyên đi tuần và thậm chí với mật độ dày hơn. Những khi đi ngược gió, tuần đường phải thường xuyên kiểm tra phía sau, nếu không rất dễ bị tàu mang đi. Nhưng dù mưa gió cỡ nào, người tuần đường cũng không được phép lơ là nhiệm vụ. Vì chỉ cần anh lơ đễnh chút xíu thôi, sự cố bị bỏ qua là tai nạn xảy ra liền. Mà tai nạn đường sắt thì…". Đầu năm 2004 này, nếu anh Thả không kịp thời phát hiện một ray gãy thì sự cố xảy ra sẽ nguy hiểm chừng nào. Còn anh Hùng Bá Tài, phụ trách cung đường Diêu Trì, thì tâm sự "Những ngày mưa bão, thật sự là tụi tui cứ phải bò qua cầu từng tí một. Đấy, như năm 2001, một tuần đường khi đi qua cầu, vô ý đứng dậy, bão hất bay xuống, gãy chân...". "Làm nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng của nó. Nhưng làm nghề này không chỉ đòi hỏi sức lực, mà cả sự dẻo dai, kiên trì, có trách nhiệm" - anh Thả kết luận.

* Chung một chữ Nghề

Ngoài anh Thả, cả Đội 409 có khoảng 10 tuần đường. Còn nếu tính trong toàn Công ty Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình thì cũng có chừng 110 tuần đường. Cũng như anh Thả, các tuần đường Lê Văn Tố, Thái Văn Hùng, Phạm Minh Túc… ở Đội 409 này đều đã có thâm niên trên dưới cả chục năm trong nghề. Họ có thể tự hào là đã đi bộ giáp một vòng trái đất. Họ thuộc những cung đường của mình đến từng chi tiết nhỏ.

Ngoài việc đi tuần, mỗi tuần đường còn phải chịu trách nhiệm quản lý khoảng 2km đường sắt. Nói quản lý, thực ra là làm công tác văn hóa mặt đường, sửa chữa nhỏ, đá chài… Khác với các nghề khác, lễ, tết được nghỉ hay ít ra thì cũng được giãn việc bớt đi một tí, tuần đường thì ngược lại, càng đến gần tết, ngày lễ lại càng phải tăng cường đi tuần.

Tuần đường không hẳn chỉ đòi hỏi sự dẻo dai, sức khỏe và thị lực. Muốn trở thành tuần đường, họ đều phải qua một khóa đào tạo chừng một tháng, có chứng chỉ nghề do Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ Đường sắt Đà Nẵng cấp. Hàng năm, Đội lại tổ chức thi nghiệp vụ, kiểm tra về quy trình, quy phạm. Chỉ những tuần đường nào đạt mới tiếp tục được theo nghề. Ngoài ra, hàng năm, các tuần đường đều phải qua kiểm tra về sức khỏe, thính giác, thị giác. Nếu không đảm bảo thì cũng… chuyển công tác khác.

Hiện nay, trên thế giới, ở những nước có công nghệ phát triển cao, tàu lửa ở nước họ có thể đạt đến vận tốc trên 500km/h. Vậy mà, đâu có máy móc nào thay thế được vị trí người tuần đường trong việc kiểm tra an toàn đường tàu. Họ vẫn phải làm công việc thủ công, tẩn mẫn, tỉ mỉ như anh Thả, anh Chơn... Trước khi từ biệt tôi để lên ban, một tuần đường tâm sự: "Đi riết rồi cũng quen chân. Nhiều khi được nghỉ phép, xa tiếng còi tàu, xa những cung đường, lại thấy nhớ".

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người "nối mạng" ở làng phong Quy Hòa  (09/06/2004)
Những góp ý của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với 2 ngành Tòa án và Kiểm sát   (09/06/2004)
Công bố ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội   (08/06/2004)
Xu hướng dùng hàng nội   (07/06/2004)
Nhiều hoạt động thiết thực và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà   (07/06/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới  (06/06/2004)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2003-2004 ở Bình Định: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế  (04/06/2004)
Bác sĩ "kiêm" dược sĩ, "kiêm" trình dược viên!  (04/06/2004)
Hoạt động tư pháp đã chuyển biến rõ rệt  (03/06/2004)
Nhìn lại Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh các cấp: Một sinh hoạt chính trị quan trọng   (02/06/2004)
Y tế trường học: Đối mặt với nguy cơ giải thể  (01/06/2004)
Bi da - Trò chơi lắm cảnh khóc, cười   (01/06/2004)
Sôi nổi các hoạt động vì trẻ em trong Ngày Quốc tế thiếu nhi   (31/05/2004)
Già làng với phong trào "ba không"  (31/05/2004)
"Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vụ việc"  (28/05/2004)