Rượu Bầu Đá - "vàng thau" lẫn lộn
16:29', 10/6/ 2004 (GMT+7)

Rượu Bầu Đá vốn là đặc sản của thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn), hiện đã trở thành một thương hiệu rượu nổi tiếng được nhiều nơi trong cả nước biết đến và còn xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng cũng từ sự nổi tiếng này đã làm cho thị trường rượu Bầu Đá "vàng thau" lẫn lộn.

Rượu Bầu Đá đang được đóng chai ở cơ sở Thành Tâm

Hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở các đầu mối giao thông như bến xe, nhà ga, dọc các quốc lộ đều có nhiều quầy hàng bán rượu Bầu Đá. Nhiều nhất là dọc hai bên Quốc lộ 1 A và 19, đoạn đi qua địa phận huyện An Nhơn, ở khu vực ngã ba Cầu Gành thuộc xã Phước Lộc - Tuy Phước, qua địa phận huyện An Nhơn nhan nhản những hàng quán bán rượu có trương tấm biển đề hàng chữ "Rượu Bầu Đá".

Chị Hồng, một người bán rượu Bầu Đá trên Quốc lộ 19 thuộc xã Nhơn Hòa (An Nhơn) cho biết, rượu chị bán có rất nhiều giá: thấp nhất là 7 ngàn đồng/lít và cao nhất hơn 10 ngàn đồng/lít tùy theo loại rượu và cũng tùy theo… khách hàng. Chị Hồng lấy rượu tại xã Nhơn Hòa và một ít ở Nhơn Lộc. Trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 10 lít. Tôi thắc mắc: "Sao rượu lấy tại Nhơn Hòa mà vẫn để hiệu rượu Bầu Đá? " Chị Hồng giải thích: "Mình bán chủ yếu cho khách ở xa mua về làm quà. Mấy ai trong số họ phân biệt được rượu Bầu Đá chính hiệu và "Bầu Đá ăn theo" đâu… ". Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người bán rượu Bầu Đá cho khách qua đường phần lớn lấy rượu ở nhiều nguồn, qua những người bỏ mối, nên phần nhiều họ không biết được rượu mình đang bán có xuất xứ ở đâu.

Đó là thực trạng tại các quày bán rượu Bầu Đá tự phát trên đường. Còn ngay tại xã Nhơn Lộc, quê hương của rượu Bầu Đá, việc nấu rượu cũng tràn lan, chất lượng thì… tùy theo yêu cầu của người mua. Không chỉ ở xóm Bầu Đá mà nhiều người trong xã đã học cách nấu rượu này. Hiện toàn xã có khoảng 600 hộ có nghề nấu rượu, sản phẩm được gọi chung là rượu Bầu Đá. Đông người nấu rượu là vậy nhưng số người quan tâm đến uy tín và chất lượng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu này không nhiều. Để có một lít rượu Bầu Đá ngon thì công việc nấu rất công phu: rượu được nấu bằng gạo lứt (lúa trì), nấu một mẻ 5 kg gạo (lấy được từ 2,5 - 3 lít rượu) phải mất 6 tiếng đồng hồ. Còn hiện nay, cách nấu đã được… "cải tiến". Người ta thay gạo lứt bằng các loại gạo có chất lượng tốt. Thời gian nấu cũng được rút ngắn xuống còn hơn 3 tiếng đồng hồ một mẻ và lấy hơn 3 lít rượu nước đầu. Thế nhưng, nấu đúng theo công thức này thì giá thành rất cao, khoảng 6.000 đồng/lít, trong khi nhiều khách hàng chỉ mua với giá bán buôn 4.000 đồng/lít. Do vậy, ở làng nghề mặc dù ai cũng biết được công thức nấu rượu Bầu Đá, nhưng chỉ khi nào có người đặt hàng với giá cao thì họ mới nấu đúng theo công thức, còn không thì vẫn nấu để lấy rượu có chất lượng thấp hơn, giá thấp dễ bán.

Ông Trương Thế Lưu, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, bức xúc: "Tôi thấy rượu Bầu Đá được nấu và bày bán tràn lan như hiện nay mà lo cho tương lai của làng nghề. Theo tôi, muốn cho việc nấu rượu Bầu Đá của người dân trong làng nghề đảm bảo chất lượng thì phải hướng họ vào việc đăng ký sản xuất kinh doanh, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về chất lượng sản phẩm, chứ không thì chẳng bao lâu nữa thương hiệu rượu Bầu Đá sẽ mất tiếng". Hiện nay trên địa bàn xã Nhơn Lộc có 2 cơ sở đóng chai rượu Bầu Đá có thương hiệu riêng là: Thành Tâm và Thu Trang. Trung bình mỗi ngày 2 cơ sở này thu mua hơn 300 lít rượu của 50 hộ trong làng nghề rồi pha chế lại để đóng chai. Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ cơ sở rượu Bầu Đá Thành Tâm cho biết: "Sản phẩm rượu Bầu Đá của chúng tôi đã có mặt hầu hết các địa phương trong cả nước với hơn 20 đại lý phân phối, được khách hàng tín nhiệm, nên phải luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Để đảm bảo được điều này, cơ sở của chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 40 hộ dân trong làng nghề với điều kiện phải tuân thủ theo yêu cầu về chất lượng của cơ sở đặt ra".

Tuy nhiên, số cơ sở có thương hiệu và uy tín như vậy hiện nay còn rất ít, nên lượng rượu Bầu Đá dỏm và không đảm bảo chất lượng được tung ra thị trường còn nhiều, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của làng nghề.

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện những người tuần đường  (10/06/2004)
Người "nối mạng" ở làng phong Quy Hòa  (09/06/2004)
Những góp ý của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với 2 ngành Tòa án và Kiểm sát   (09/06/2004)
Công bố ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội   (08/06/2004)
Xu hướng dùng hàng nội   (07/06/2004)
Nhiều hoạt động thiết thực và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà   (07/06/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới  (06/06/2004)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2003-2004 ở Bình Định: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế  (04/06/2004)
Bác sĩ "kiêm" dược sĩ, "kiêm" trình dược viên!  (04/06/2004)
Hoạt động tư pháp đã chuyển biến rõ rệt  (03/06/2004)
Nhìn lại Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh các cấp: Một sinh hoạt chính trị quan trọng   (02/06/2004)
Y tế trường học: Đối mặt với nguy cơ giải thể  (01/06/2004)
Bi da - Trò chơi lắm cảnh khóc, cười   (01/06/2004)
Sôi nổi các hoạt động vì trẻ em trong Ngày Quốc tế thiếu nhi   (31/05/2004)
Già làng với phong trào "ba không"  (31/05/2004)