Một phường nội thành của TP Quy Nhơn là đầu mối kiếm sống của trẻ lang thang thập phương. Một xã trung du khó khăn có số trẻ em bỏ học vào TP Hồ Chí Minh lao động kiếm sống đông nhất huyện… Bằng những động thái tích cực, các địa phương đã hỗ trợ gia đình nối rộng vòng tay yêu thương đưa những đứa bị thiệt thòi trở về nhà.
* Câu chuyện thứ nhất
|
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh, tặng quà cho trẻ em lớp học tình thương phường Quang Trung nhân ngày 1-6-2004 |
Phan Đình Nhu, 14 tuổi, mồ côi mẹ, cha đi bước nữa nên cháu sống với bà nội đã già yếu. Cuộc sống của hai bà cháu rất chật vật bữa đói, bữa no nên Nhu đã bỏ học từ năm lớp 4. Được hỏi có thích đi học không, Nhu trả lời: "Thích, nhưng cháu không có tiền để ăn học, hơn nữa cháu lớn tuổi rồi, vào học lớp 4 mắc cỡ lắm!" Vậy vào Sài Gòn bán vé số có thích không? "Thích gì mà thích, cháu bị người ta lừa gạt đổi vé giả, những đứa lớn thì trấn lột, có ngày không còn tiền để ăn". Nhưng khi hỏi "cháu có bỏ nhà đi bán vé số nữa không?" thì Nhu im lặng không trả lời.
Một thời gian sau, qua anh Phan Công Nhàn, cán bộ chuyên trách công tác DS-GĐ-TE xã Ân Mỹ (Hoài Ân), tôi được biết Nhu đã tiếp tục bỏ nhà vào TP Hồ Chí Minh lang thang bán vé số. Anh Nhàn cũng cho biết: Xã Ân Mỹ có số trẻ em vào TP Hồ Chí Minh lang thang kiếm sống đông nhất huyện Hoài Ân. Năm 2003, toàn xã có 31 học sinh bỏ học đi bán vé số (90%), đi ở, bán hủ tiếu gõ (10%). Đa phần số em có hoàn cảnh khó khăn do sống trong một gia đình đông con hay là trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Ăn mặc còn chưa đủ thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện học hành. Do đó, các em đều bỏ học từ lớp 6.
Để đưa các em về nhà, Ban DS-GĐ-TE xã đã tham mưu UBND xã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo vận động trẻ em lang thang về với gia đình và hòa nhập cộng đồng, trở lại trường lớp. Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên; tổ chức hội nghị để triển khai vận động trẻ em lang thang về với gia đình đến từng chi bộ, thôn xóm, khu dân cư. Các tuyên truyền viên, cộng tác viên DS-GĐ-TE đã đến từng gia đình có con em bỏ đi lang thang để vận động, tư vấn về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Một cuộc họp giữa các ban, ngành và toàn bộ các gia đình có con em lang thang, bỏ học đã được tổ chức để bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn, sớm đưa các cháu trở về đoàn tụ gia đình.
UBND xã đã tạo điều kiện cho những hộ gia đình có con em lang thang kiếm sống được vay các nguồn ưu đãi để sản xuất, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm Đối với các học sinh này, xã đã đề nghị nhà trường miễn tất cả các khoản đóng góp và vận động các cháu trở lại trường lớp. Nhờ đó, đã có 17 cháu đã trở lại trường theo học các lớp ABE. Anh Nhàn cho biết thêm: "Cuối năm ngoái, xã nhận được thông tin có 8 trẻ em là người của xã đang lang thang ở quận 4 TP Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, Ban chỉ đạo xã đã cử người đến tận các gia đình này để xác minh, đồng thời vận động họ đưa con em trở về và can thiệp với Ngân hàng NN&PTNT cho 7 gia đình được vay vốn chăn nuôi heo, trong đó có một hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội"… Nhờ đó, tình trạng trẻ em bỏ nhà lang thang kiếm sống đã giảm hẳn. Từ kinh nghiệm của địa phương mình, anh Nhàn cho biết thêm, để trẻ em lang thang có điều kiện trở về với gia đình và hòa nhập cộng đồng, Nhà nước cần xây dựng một trung tâm dạy nghề miễn phí ở cấp huyện để dạy nghề và giải quyết việc làm cho các em. Có như thế việc vận động này mới có kết quả bền vững.
* Câu chuyện thứ hai
Phường Lê Lợi là một phường nằm ở trung tâm TP Quy Nhơn với mật độ dân cư đông đúc. Đa phần người dân ở đây sống bằng nghề buôn bán, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ đóng trên địa bàn như chợ Lớn Quy Nhơn, công viên biển, nhà hàng, khách sạn và nhiều cơ quan, trường học… đã tạo thuận lợi cho giao lưu buôn bán phát triển nhưng cũng có nhiều tác động đến an ninh trật tự của phường như số người lang thang, vãng lai ở khắp nơi tập trung cư trú ở vỉa hè, hiên chợ để kiếm sống trong đó có khá đông đối tượng là trẻ em. Vậy làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi cho biết: "Ban DS-GĐ-TE phường đã phối hợp với chính quyền, công an, đoàn thanh niên phường điều tra, khảo sát để xác định số lượng trẻ em lang thang có mặt ở phường, xã. Sau đó, phường tổ chức một hội nghị với đầy đủ thành phần tham dự để thông qua kế hoạch thực hiện, trong đó triển khai sâu rộng chủ trương này trong cán bộ và nhân dân phường qua các cuộc họp tổ, khu vực để quần chúng hỗ trợ chính quyền trong thực hiện. Cán bộ khu vực phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân theo dõi và giúp đỡ đối tượng. Khu vực trưởng, cảnh sát khu vực và người được phân công phụ trách đối tượng đã đến gặp gỡ gia đình và đối tượng để vận động đưa các em trở về quê. Bên cạnh đó, các địa phương đã gắn việc thực hiện nội dung quy ước của khu dân cư với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư để nâng cao trách nhiệm của từng gia đình và cộng đồng.
Để tạo cuộc sống ổn định cho trẻ lang thang, thất học, phường Lê Lợi đã mở các lớp học tình thương và vận động các em đến lớp. Bên cạnh đó, các em đã được Nhà nước tài trợ để học nghề cắt may. Đã có 40 em tìm được việc làm từ nghề này. Ông Nguyễn Thanh Phúc khẳng định: Đến nay, không còn trẻ em nào phải lang thang kiếm sống tại phường nữa.
. Ngọc Quỳnh |