Bình Định thiệt hại nặng sau cơn bão số 2
18:51', 13/6/ 2004 (GMT+7)

Hồi 16 giờ ngày 12-6, bão số 2 - một cơn bão bất thường - đã đổ bộ vào địa phận tỉnh Bình Định, gió cấp 8 và giật trên cấp 10; lượng mưa phổ biến từ 120 mm đến 300 mm. Mưa lớn đã làm mực nước các con sông trong tỉnh dâng cao đột ngột, vùng hạ lưu ở mức báo động cấp II… Bão số 2 đã gây cho Bình Định nhiều thiệt hại nặng nề.

Nhà bà Phạm Thị Giúp (Cẩm Văn, Nhơn Hưng, An Nhơn) bị tre gãy đè sập

Kỹ sư Lê Văn Dũng, cán bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Định, cho biết: "Thông thường ở Bình Định, từ tháng 9 trở đi mưa bão mới xuất hiện. Đáng lẽ ra cơn bão số 2 không đổ bộ vào Bình Định mà đi ra các tỉnh Bắc bộ. Tuy nhiên cùng thời gian này, các tỉnh phía Bắc có đợt không khí lạnh đã khống chế bão, nên bão mới chuyển hướng và đổ bộ vào Bình Định." Tính đến chiều ngày 13-6, mưa bão đã làm 7 người chết, 5 người bị thương, 21 ngôi nhà bị sập, 160 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 15.000 ha lúa vụ hè thu bị chìm sâu và bị ngã, thiệt hại từ 50-60%, 780 ha diện tích nuôi tôm bị ngập và sạt lở, làm trôi 130 tấn tôm; 3 chiếc thuyền bị vỡ, chìm. Mưa bão cũng đã cuốn trôi 5 cầu tạm, 2 km đường bị sạt lở… Theo ước tính ban đầu, tổng thiệt hại do cơn bão gây ra là 86,7 tỉ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn và TP Quy Nhơn.

Sáng 13-6, chúng tôi đã có mặt tại xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, một trong những nơi bị thiệt hại nặng trong cơn bão này. Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng. Bà Phạm Thị Giúp (ở thôn Cẩm Văn) với gương mặt phờ phạc và đau đớn đang đứng nhìn ngôi nhà vừa bị sập của mình, kể: "Chiều ngày 12-6, tôi đang ngồi nấu cơm, con trai và dâu tôi đang làm mấy việc lặt vặt trong nhà thì bỗng dưng thấy nhà kêu răng rắc, mọi người vừa chạy ra khỏi nhà thì cũng vừa lúc nhà bị sập. Trong nhà lúc ấy có đến 5 người, nhưng rất may không ai bị gì." Chúng tôi đến nhà bà Phan Thị Miễn cũng ở thôn Cẩm Văn và cũng đã chứng kiến được cảnh tương tự. Ngôi nhà của bà Miễn đã bị cơn bão làm tốc mái, sập nhà sau.

Chẳng những gây thiệt hại về nhà cửa, cơn bão số 2 cũng đã làm hư hại nhiều diện tích lúa và hoa màu của nông dân, bởi đây là thời điểm lúa vụ hè thu đang ở giai đoạn làm đòng. Anh Nguyễn Văn Thịnh, một nông dân ở thôn Chánh Thạnh (Nhơn Hưng) buồn bã nói: "Tôi làm ruộng mấy chục năm nay, chưa có khi nào mà bão lụt lại xảy ra vào thời điểm này. Bởi vậy, không thể nào lường trước được...". Chẳng riêng gia đình anh Thịnh, nhiều hộ nông dân khác ở đây cũng bị thiệt hại nặng trong cơn bão này. Theo thống kê ban đầu, toàn xã Nhơn Hưng có 95 ha lúa bị ngã và hư hại nặng, hơn 20 ha hoa màu bị thiệt hại đến hơn 80%… Hầu hết những gia đình này đều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào làm ruộng là chính.

Bà Nguyễn Thị Thủy (ở thôn Lục Hạ, xã Phước Thuận, Tuy Phước) đang dọn dẹp bên ngôi nhà bị sập

Từ An Nhơn, chúng tôi đến Tuy Phước, cũng là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 2. Mặc dù cơn bão đã qua đi nhưng cảnh tượng tan hoang, mất mát ở đây vẫn còn hiển hiện trước mắt. Bắt đầu từ chiều tối ngày 11 đến rạng sáng 13-6, bão số 2 đã đổ bộ vào địa bàn huyện Tuy Phước, gây gió to kèm theo mưa lớn. Những người dân ở đây cho biết, trong vài chục năm trở lại đây, mới lại có một cơn bão bất ngờ và gây hậu quả nghiêm trọng như cơn bão này. Nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm ở các xã Phước Hưng, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn… bị nước lũ chia cắt không thể đi lại được. Hệ thống đê Khu Đông bị sóng lớn đánh sạt lở nhiều đoạn. Tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đi các xã Phước Hòa, Phước Thắng nhiều đoạn bị nước lũ làm ngập. Ông Nguyễn Bay, thường trực Ban Chỉ huy PCLB Tuy Phước cho biết, theo thống kê ban đầu toàn huyện đã có 17 ngôi nhà bị sụp vách, tốc mái và nhiều nhà khác bị sập; 2.558 ha lúa vụ hè - thu đang trong giai đoạn trổ đòng, nặng hạt bị đổ ngã; 767 ha mặt nước nuôi tôm bị ngập nước, cuốn trôi 128 tấn tôm cá sắp thu hoạch; 47 phòng học bị sập đổ và tốc mái, hàng ngàn mét đê sông, đê biển, đường giao thông nông thôn bị ngập nước và sạt lở… thiệt hại ước khoảng 30 tỉ đồng.

Để đến được thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, chúng tôi phải nhiều lần vượt qua những cánh đồng mênh mông nước. Đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà ngói vách đất đã đổ sụm. Bà Trần Thị Da - chủ nhà - đang loay hoay dọn dẹp những vật dụng còn sót lại. Trên gương mặt của bà vẫn còn in đậm vẻ kinh hoàng. Bà kể: "Trong đêm 12-6, mưa mỗi lúc mỗi lớn kèm theo gió to, mực nước thủy triều dâng cao đã làm ngôi nhà của tôi đổ ụp, may mà mọi người trong gia đình vẫn bình an". Gần đó, căn nhà của bà Nguyễn Thị Thủy cũng bị xô ngã. Chính quyền địa phương và người dân trong xóm đã đến giúp đỡ dọn dẹp và dựng tạm lại nhà để họ đỡ phải cảnh màn trời chiếu đất. Đáng thương nhất là hoàn cảnh của ông Hồ Xán, 72 tuổi ở thôn Vinh Quang 2 (Phước Sơn). Trong đêm mưa bão 12-6, do tuổi cao sức yếu, nhà bị sụp vách, ông không chịu đựng nổi đã qua đời.

Tại thành phố Quy Nhơn, mưa bão cũng đã gây ngập nhiều tuyến đường, làm nhiều cây xanh đã đổ ngã, gây cản trở giao thông. Ông Đặng Ngọc Quyền, Phó giám đốc Công ty Môi trường - Đô thị Quy Nhơn, cho biết: "Ngay trong đêm 12-6, Công ty đã tổ chức dọn dẹp cây xanh ngã đổ để đảm bảo an toàn giao thông. Đến sáng 13-6, Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân khoảng 600 người để dọn dẹp đường phố. Có hơn 1.000 mét khối rác ở các tuyến đường đã được dọn sạch trong ngày." Đáng chú ý, lực lượng cứu hộ của tỉnh và nhân dân xã Nhơn Hải (Quy Nhơn) đã kịp thời ứng cứu 12 thuyền viên của một chiếc tàu Indonesia khi tàu này đang neo đậu tại phao số 0 thì gặp bão. Còn tại các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, bão số 2 cũng gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Ngành điện lực Bình Định cũng bị thiệt hại nặng trong cơn bão này. Theo ông Vương Thái Hòa, Phó giám đốc Điện lực Bình Định, bão số 2 đã làm thiệt hại cho ngành điện hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, cơn bão đã gây mất điện hầu hết ở các huyện trong nhiều giờ liền do các trạm biến áp bị hư, nhiều tuyến đường dây điện bị đứt... Ngay sau bão, ngành điện đã nhanh chóng khắc phục sự cố để cấp điện trở lại. Tính đến chiều 13-6 đã có 85% số hộ sử điện trong tỉnh đã có điện sử dụng trở lại. Hiện vẫn còn 200 trạm biến áp cấp điện cho các xã phía bắc Phù Mỹ, các xã phía đông Phù Cát và hầu như toàn huyện Vân Canh vẫn chưa hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban PCLB tỉnh cho biết: "Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã phân công cho các thành viên trong ban trực tiếp đến các huyện, thành phố để chỉ đạo và đôn đốc các địa phương triển khai công tác PCBL. Tỉnh đã chỉ đạo cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành đóng trên địa bàn tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB các cấp khẩn trương nắm tình hình thiệt hại về người, tài sản, nhà cửa bị sập, các công trình giao thông, thủy lợi, lúa và hoa màu, lương thực bị hư hại. Trước mắt, triển khai ngay thu hoạch lúa hè-thu đã chín, nhất là các vùng trũng ngập nước, kể cả các loại hoa màu khác. Khẩn trương tổ chức cứu trợ cho người và các hộ gia đình bị thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống. Nhất thiết không để cho nhân dân bị đói, rét. Đối với những hộ gia đình có người bị chết, trước mắt hỗ trợ 1 triệu đồng để lo mai táng."

. Ngọc Thái - Tiến Sỹ - Nguyễn Hân - Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hồ Chí Minh với công tác phát triển khoa học - kỹ thuật   (13/06/2004)
Làng T6 từng bước đổi thay  (13/06/2004)
Vận động trẻ em lang thang về nhà: Kinh nghiệm từ 2 địa phương  (11/06/2004)
Rượu Bầu Đá - "vàng thau" lẫn lộn  (10/06/2004)
Chuyện những người tuần đường  (10/06/2004)
Người "nối mạng" ở làng phong Quy Hòa  (09/06/2004)
Những góp ý của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với 2 ngành Tòa án và Kiểm sát   (09/06/2004)
Công bố ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội   (08/06/2004)
Xu hướng dùng hàng nội   (07/06/2004)
Nhiều hoạt động thiết thực và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà   (07/06/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới  (06/06/2004)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2003-2004 ở Bình Định: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế  (04/06/2004)
Bác sĩ "kiêm" dược sĩ, "kiêm" trình dược viên!  (04/06/2004)
Hoạt động tư pháp đã chuyển biến rõ rệt  (03/06/2004)
Nhìn lại Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh các cấp: Một sinh hoạt chính trị quan trọng   (02/06/2004)