Quy Nhơn, một mùa luyện thi "lặng lẽ"
10:58', 14/6/ 2004 (GMT+7)

Năm nào cũng vậy, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hàng ngàn sĩ tử trong và ngoài tỉnh lại khăn gói đổ xô về TP Quy Nhơn để tìm một chỗ luyện thi cấp tốc, chuẩn bị cho cuộc hành trình vượt qua ngưỡng cửa vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, không khí luyện thi ở TP Quy Nhơn năm nay dường như kém sôi động và ít "nóng" hơn do lượng sĩ tử đổ về các Trung tâm luyện thi (TTLT) ít hơn mọi năm.

TTLT Quy Nhơn đã không còn đông thí sinh đến luyện thi như những năm trước (ảnh: Văn Lưu)

Trên địa bàn TP Quy Nhơn hiện có 5 TTLT, gồm: TTLT số 01 ở 02 Trần Bình Trọng, TTLT đại học Quy Nhơn, TTLT An Pha, TTLT trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và hằng năm, Trường Đại học Quy Nhơn cũng tổ chức luyện thi. Hầu hết các trung tâm này đều có cơ sở vật chất khá tốt, đảm bảo các điều kiện để phục vụ cho việc dạy và học. Các trung tâm đều bố trí nơi ở cho thí sinh ở xa về luyện thi với mức trung bình 50.000-70.000 đồng/học sinh/tháng; học phí khoảng 45.000 đồng/tháng/môn học; nếu học cấp tốc cả ngày lẫn đêm thì học phí tăng lên gấp đôi. Đa số các thí sinh mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung suy nghĩ là giá cả sinh hoạt, học tập, nơi ăn ở và việc luyện thi ở TP Quy Nhơn rất tốt. Thí sinh Nguyễn Phụng Hoàng ở huyện Sông Cầu (Phú Yên) và thí sinh Trần Đình Tú ở huyện Tây Sơn đến Quy Nhơn luyện thi đã kể với chúng tôi: "Đến Quy Nhơn luyện thi các em thấy các thầy cô ở các trung tâm rất nhiệt tình trong việc đón tiếp, bố trí nơi ăn ở cho thí sinh. Nơi chúng em ở trọ cũng như địa điểm học tập học rất sạch sẽ, thoáng mát. Ở đây có nhiều giáo viên giỏi, dạy rất nhiệt tình. Đặc biệt là giá cả sinh hoạt, học tập ở đây rất phù hợp với túi tiền của chúng em. An ninh trật tự ở Quy Nhơn rất tốt. Chúng em rất yên tâm học tập để dự thi tốt".

Qua tiếp xúc với các lãnh đạo các TTLT ở TP Quy Nhơn, tất cả họ đều có chung một nhận định là năm nay, lượng thí sinh về luyện thi đã giảm đáng kể và giảm đều ở tất cả các Trung tâm. Lý giải về vấn đề này, nhiều cán bộ ở các TTLT cho rằng, thí sinh về luyện thi tại Quy Nhơn đa phần là thi vào Trường Đại học Quy Nhơn nhưng do năm nay số thí sinh đăng ký dự thi vào trường này đã giảm khoảng một nửa. Năm 2003, Trường Đại học Quy Nhơn có khoảng 48.000 thí sinh đăng ký dự thi. Tuy nhiên, có lẽ do điểm chuẩn trúng tuyển vào trường quá cao nên năm nay số thí sinh đăng ký dự thi vào trường đã giảm xuống còn khoảng 24.000. Theo đó, lượng thí sinh về luyện thi cũng giảm theo.

Một lớp luyện thi tại một TTLT ở Quy Nhơn

Hơn nữa, năm nay, có dư luận cho rằng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông hơi khó, lại nghe nói việc chấm thi lại nghiêm túc hơn mọi năm nên nhiều thí sinh còn phân vân không biết đậu rớt thế nào, không dám đi ôn thi. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng năm nay, thí sinh ở Bình Định lần đầu tiên được Báo Tuổi Trẻ TPHCM và Báo Thanh Niên tư vấn về mùa thi khá kỹ càng nên các em đã biết tự lượng sức mình để chọn trường thi. Lại có thông tin rằng Bộ GD-ĐT khuyến cáo năm ngoái có hơn 70% học sinh ở khu vực miền núi và nông thôn đỗ đại học nhưng trong đó có rất nhiều em không tham gia luyện thi ở bất kỳ một TTLT nào, mà chỉ cần ở nhà học kỹ các kiến thức cơ bản theo chương trình sách giáo khoa phổ thông là có thể giải quyết nhanh các yêu cầu của đề thi. Vì vậy, năm nay nhiều thí sinh đã không đi luyện thi mà chọn giải pháp là ở nhà tự ôn tập.

Ngoài các yếu tố vừa nêu, năm nay, Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo là thí sinh có học lực trung bình không nên cố thi vào đại học, đã giúp cho các thí sinh có định hướng đúng trong việc lựa chọn trường thi và thực tế số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp năm nay có tăng hơn mọi năm. Chính sự phân luồng này cũng là một nguyên nhân khiến cho số thí sinh đến với các TTLT năm nay có giảm hơn mọi năm.

Đến các TTLT ở Quy Nhơn vào những ngày này, chúng tôi không còn thấy cái không khí náo nhiệt, sôi động như các năm trước. Một mùa luyện thi thật "lặng lẽ". Việc giảm hẳn số học sinh tìm đến các TTLT trong cả nước nói chung, Quy Nhơn nói riêng, trong mùa tuyển sinh năm nay là một minh chứng cho thấy, xu hướng đổi mới trong khâu ra đề thi tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã có tác động trực tiếp. Trong 2 năm trở lại đây, đề thi tuyển sinh ra bám sát chương trình sách giáo khoa phổ thông, vừa kiểm tra kiến thức cơ bản, vừa kiểm tra khả năng vận dụng các kiến thức đó để xử lý các tình huống đặt ra và giải bài tập nhanh. Do đó, nếu học sinh tự học kỹ các kiến thức cơ bản theo chương trình sách giáo khoa là có thể yên tâm lều chõng lên đường ứng thí. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, trong một chừng mực nào đó, việc tổ chức luyện thi đã thực sự bổ sung những kiến thức cần thiết cho các thí sinh, giúp họ yên tâm hơn trong việc "vượt vũ môn".

. Xuân Nguyên

           

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định thiệt hại nặng sau cơn bão số 2   (13/06/2004)
Hồ Chí Minh với công tác phát triển khoa học - kỹ thuật   (13/06/2004)
Làng T6 từng bước đổi thay  (13/06/2004)
Vận động trẻ em lang thang về nhà: Kinh nghiệm từ 2 địa phương  (11/06/2004)
Rượu Bầu Đá - "vàng thau" lẫn lộn  (10/06/2004)
Chuyện những người tuần đường  (10/06/2004)
Người "nối mạng" ở làng phong Quy Hòa  (09/06/2004)
Những góp ý của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với 2 ngành Tòa án và Kiểm sát   (09/06/2004)
Công bố ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội   (08/06/2004)
Xu hướng dùng hàng nội   (07/06/2004)
Nhiều hoạt động thiết thực và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà   (07/06/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới  (06/06/2004)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2003-2004 ở Bình Định: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế  (04/06/2004)
Bác sĩ "kiêm" dược sĩ, "kiêm" trình dược viên!  (04/06/2004)
Hoạt động tư pháp đã chuyển biến rõ rệt  (03/06/2004)