Hoài Nhơn tang thương sau cơn bão
11:23', 15/6/ 2004 (GMT+7)

Nếu đi dọc quốc lộ 1A, ngang qua địa phận huyện Hoài Nhơn lúc này, thấy những tàu lá dừa xứ Tam Quan xanh nghìn nghịt, nhìn những cánh đồng lúa chín vàng chuẩn bị vào mùa gặt, không ai nghĩ rằng ở nơi ấy vừa trải qua một cơn bão - bão số 2 - mà mức độ tàn phá của nó đang ẩn bên trong những thân dừa trĩu quả kia, những tang tóc tai ương đang dồn nén trong mỗi ngôi nhà nơi vùng biển Hoài Hương này.

* Những người góa bụa

Bà Cảnh đang phơi sách vở cho đứa cháu trên nền nhà cũ

Cơn bão số 2 đi qua làng chài Hoài Thanh đã một ngày rồi. Những thân ngô non ven sông Lại Giang đã bắt đầu gượng dậy, song những cặp mắt của rất nhiều phụ nữ nơi làng chài ấy vẫn còn đăm đắm khơi xa. Sau cơn bão số 2, những làng chài ven biển Hoài Nhơn lại bổ sung thêm 5 phụ nữ vào danh sách những người góa bụa. Có thể đọc được trong những đôi mắt mỏi mệt của họ không còn một chút hy vọng gì về người thân của mình sẽ trở về sau cơn bão. Những người đàn bà xấu số, những đứa trẻ con bất hạnh đang mong lực lượng cứu hộ và chính quyền các cấp mang xác chồng, cha họ về! Cơn bão số 2 được xem như "khúc dạo đầu" của mùa mưa bão năm nay, dù chỉ ở mức cấp 8-9 nhưng nó đã kịp cướp đi sinh mạng của 6 người ở huyện Hoài Nhơn, trong đó có 5 ngư dân bị tử nạn trên một chiếc thuyền đánh cá khi họ cố bươn chạy vào cửa biển để trốn bão nhưng đã quá muộn.

Lúc 16 giờ chiều ngày 14-6, tôi đến thăm và trao chút quà mọn của Báo Lao Động cho một số gia đình có người thân bị chết trên chiếc tàu nọ. Tất cả những người thân của các nạn nhân đều rơi trong tình trạng khủng hoảng tinh thần cao độ. Ông Trần Hữu Hộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn lý giải cho sự khủng hoảng này: "Đàng nào thì họ cũng biết người thân của mình chết rồi, song cho đến bây giờ (chiều 14-6), mà xác của các nạn nhân vẫn chưa tìm được. Tất cả đều bị mắc kẹt trong con tàu định mệnh ấy!". Những tiếng kêu la thảm thiết đến buốt rát trùm lên làng chài. Những người đàn bà lại dõi mắt khơi xa. Họ nhìn ra biển như để tìm chút nguôi ngoai cho số phận bất hạnh của mình mà thôi. Còn những người đàn ông thì lo che lều trại ngoài vườn chờ thi hài những người xấu số. Tập quán của ngư dân vùng biển này là hễ người chết ngoài sông biển thì không được mang thi thể vô nhà! Tôi đã nghe những tiếng chép miệng thảm thương: "Chết mà vẫn không được yên ấm thân xác!".

Trong suốt hai ngày qua, lực lượng cứu hộ và bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương đã gần như kiệt sức để trục vớt con tàu ấy lên khỏi mặt biển mà vẫn chưa được. Tàu chưa vớt lên chưa được thì hy vọng gì người còn sống? Những đôi mắt mệt mỏi lại dõi nhìn khơi xa…

* Nhân chứng sống

Anh Nguyễn Văn Cử (bên phải) từ "cõi chết" trở về

Anh Nguyễn Văn Cử - một trong 3 ngư dân may mắn thoát chết trên chiếc tàu xấu số ấy ngồi thừ trên chiếc phản gỗ giữa nhà. Đôi mắt đỏ ngầu và vô cảm. Hình như anh vẫn chưa thoát ra được nỗi ám ảnh trong cái đêm kinh hoàng mà anh cùng hai bạn chài phải chống chọi như thế nào với cơn bão khi chiếc tàu đánh cá bất ngờ bị cơn lốc xoáy quăng quật rồi nhấn chìm xuống biển khơi. Những mẩu chuyện cứ đứt nối qua lời kể của Cử: "Tám anh em cùng ra khơi trên chiếc tàu của người anh "cột chèo" với tôi - anh Huỳnh Phương - đã 20 ngày. Nghe đài báo có áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Philippine, anh Phương thuyền trưởng quyết định trở về đất liền dù lúc ấy chúng tôi mới chỉ bắt được cả lớn bé 18 con cá! Tàu chạy hơn ngày đêm thì nghe đài báo bão số 2 - cơn bão xa. Chiếc tàu 90 mã lực trở nên đuối sức với cơn bão quá nhanh này. Đến 10 giờ sáng ngày 12-6, tàu về đến cửa biển Tam Quan. Lúc ấy, gió đã bắt đầu thổi mạnh. Cả cửa biển nhỏ bé ấy như chìm trong sóng. Anh Phương nêu ý kiến để anh em tham khảo: "Vào cửa biển Tam Quan thì tàu sẽ vỡ nát. Nếu không vào thì trở ngược vô cảng Quy Nhơn". Tất cả đều đồng ý với phương án vào Quy Nhơn. Trước khi ngược vào Quy Nhơn, anh Phương còn kịp điện về cho vợ. Không ngờ đó là những lời nói cuối cùng của anh với gia đình! Tàu quay mũi hướng về phía nam. Chạy qua khỏi địa phận Hoài Nhơn thì gió bắt đầu giật mạnh. Anh em động viên nhau gắng giữ sức, cố lái tàu đi. Nhưng tất cả những cố gắng ấy trở thành vô nghĩa. Vừa đến địa phận huyện Phù Mỹ, một con sóng đã hất tung chiếc tàu ấy lên rồi quật mạnh xuống. Tàu bị lật úp hoàn toàn. Tất cả 8 anh em trên tàu đều bị nước cuốn vào hầm máy".

Kể đến đây, Cử lại lấy ống tay áo lau nước mắt. Không phải anh khóc đâu. Người đàn ông dạn dày sóng gió ấy, nếu có khóc thì cũng chẳng thấy được nước mắt của anh. Đôi mắt Cử đỏ như hai miếng máu dán vào là do nước biển và dầu mỡ của hầm tàu hành hạ anh trong suốt thời gian anh cùng với 7 ngư dân trên tàu vật lộn với nước biển để thoát ra khỏi hầm đấy. Giọng Cử nghèn nghẹn: "Tám người trong một khoang máy chưa đầy 2 mét vuông. Tàu bị đánh úp, được một lúc thì sóng lại trả nó về vị trí cũ. Tôi lần tìm ra cửa thoát hiểm và ngoi được lên khỏi mặt nước. Hai người kia đã thoát khỏi hầm tàu trước tôi. Toàn bộ số ván trên tàu bị sóng hất văng tứ tung. Kiểm tra lại quân số, tôi đoán là 5 người kia không thoát ra được. Tôi cố bơi và vớt được hai mảnh ván rồi ghép lại. Trời đen kịt nên chỉ nhìn con sóng để xác định hướng mà bơi. Đến 11 giờ đêm, khi cơn bão tan thì chúng tôi đã đặt chân lên bờ sau 9 giờ đồng hồ, vượt 4 hải lý trong gió bão. Đặt chân lên bờ là cả ba đổ sóng soài trên cát!".

* Lại nhà sập!

Ngày 13-6, nghe tin đài báo bão, ông Trương Văn Vĩnh (1965, ở phường Thanh Lộc Đán, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) và 19 thuyền viên trên tàu đánh cá ĐN 90231 đang hành nghề câu mực trên biển, đã khẩn trương chạy về Quy Nhơn núp gió nhưng không kịp. Sóng lớn đã đánh chìm tàu. Sau 1 giờ trôi dạt trên biển, ông Vĩnh đã được Bộ đội Biên phòng Bình Định cứu sống, đưa vào đất liền và chăm sóc sức khỏe, đồng thời thông báo cho gia đình. (Văn Thống)

Bão số 2 không chỉ cướp đi 6 mạng người ở Hoài Nhơn mà còn mang theo nó 25 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, trên 100 ngôi nhà khác bị tốc mái. Bà Đỗ Thị Cảnh, 70 tuổi lục tìm trong chiếc tủ rách nát mấy cuốn vở còn sót lại của đứa cháu để đem ra phơi. Tôi hỏi: "Cột kèo của ngôi nhà đâu cả rồi?". Bà lắc đầu: "Bốn cây cột mối ăn hết rồi!". Bà chỉ vào đống lá dừa bùi nhùi: "Còn kia là mái nhà đấy!". Lại hỏi: "Lúc bão ập vô, cụ có kịp dọn đồ đạc ra khỏi nhà không?". Bà lại lắc đầu: "Chỉ có 5 lon gạo thôi cháu ơi!". Tôi nhìn một lượt "ngôi nhà". Một nền đất nhòe nhoẹt bùn đất, dăm cây rui mè và… một tấm nilon. Hết. Ông Võ Xuân Phải, Phó chủ tịch xã Hoài Hương chen vào: "Cả 5 nhà sập trong xã đều là của các gia đình neo đơn. Mỗi lần bão là một lần sập nhà. Xã biết, huyện biết, tỉnh cũng biết, song chỉ giúp 3 triệu dựng nhà tạm. Mà đã "tạm" thì phải "bợ" thôi anh à!". Bà Cảnh lại bòn mót mấy quyển vở đem ra phơi. Xoa đầu đứa cháu, bà nói: "Nhà nghèo quá, mẹ nó đi phụ hồ, ngày kiếm 20 ngàn nuôi 4 miệng ăn. Quanh năm thiếu đói nhưng nó ham học. Tôi mong nó học cho giỏi để kiếm được việc làm, may ra xây được nhà!". Cháu bà năm nay mới lớp 8, học cho đến… xây được nhà, chắc bà ngoại nó đã không còn! Tôi nghĩ vậy.

Ông Trần Hữu Hộ - Phó Chủ tịch huyện Hoài Nhơn liệt kê sơ sơ: "Trường hợp như bà Cảnh, Hoài Nhơn tính đến con số trăm. Huyện đang gắng sức xóa nhà tạm. Không thể để mỗi lần lụt bão là mỗi lần làm nhà tạm. Huyện cũng gắng gồng mình để không còn những người mà "gia tài" chỉ có 5 lon gạo như bà Cảnh!".

* Sau cơn bão

Tôi vẫn thường "gắn" với những trận lũ bão miền Trung và nghiệm ra rằng, mưa thuận gió hòa thì chẳng thấy gì nhưng mỗi lần bão lũ là một lần ông trời làm lộ sáng tất cả cái nghèo đói, sự bần hàn của người dân. Bà Cảnh thì còn có cơ may dựng lại ngôi nhà, còn có thời gian để nâng "gia tài" của mình lên vượt mức 5 kg gạo nhưng 5 ngư phủ bị tử nạn kia thì không còn cơ hội nào nữa rồi. Chị Bưởi, vợ anh Phương không còn nước mắt để khóc chồng nữa. Rồi chị cũng phải gắng gượng để trở lại với nhịp sống bình thường như mọi người thôi, song 7 đứa con mà anh để lại, trên 100 triệu đồng tiền nợ vay để đóng chiếc tàu vẫn còn nằm trong đáy biển kia thì biết tính đường nào?

Khi tôi viết những dòng cuối cùng này thì có tin từ vùng biển Phù Mỹ báo về: Các lực lượng cứu hộ đã vớt được 3 thi thể của ngư dân. Vậy là vẫn còn 2 người nữa chưa tìm được xác. Trời đã trả lại màu xanh quang đãng của ngày hè miền Trung. Gió cũng đã dịu nhẹ trên mỗi thân dừa Tam Quan, nhưng tôi biết có một cơn bão khác vẫn chưa nguôi thổi qua các làng chài Hoài Nhơn, vẫn chưa chịu tắt trên những mái đầu hãy còn quá xanh của những người phụ nữ có chồng vừa tử nạn trên biển.

. Trần Đăng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề trang trí sân vườn  (14/06/2004)
Quy Nhơn, một mùa luyện thi "lặng lẽ"   (14/06/2004)
Bình Định thiệt hại nặng sau cơn bão số 2   (13/06/2004)
Hồ Chí Minh với công tác phát triển khoa học - kỹ thuật   (13/06/2004)
Làng T6 từng bước đổi thay  (13/06/2004)
Vận động trẻ em lang thang về nhà: Kinh nghiệm từ 2 địa phương  (11/06/2004)
Rượu Bầu Đá - "vàng thau" lẫn lộn  (10/06/2004)
Chuyện những người tuần đường  (10/06/2004)
Người "nối mạng" ở làng phong Quy Hòa  (09/06/2004)
Những góp ý của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với 2 ngành Tòa án và Kiểm sát   (09/06/2004)
Công bố ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội   (08/06/2004)
Xu hướng dùng hàng nội   (07/06/2004)
Nhiều hoạt động thiết thực và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà   (07/06/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới  (06/06/2004)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2003-2004 ở Bình Định: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế  (04/06/2004)