Thống kê của Tòa án Nhân dân TP Quy Nhơn cho thấy, trong năm 2003 Tòa đã thụ lý 301 vụ án hôn nhân và gia đình. Trong đó có đến 239/243 vụ đã giải quyết trong năm là do mâu thuẫn gia đình, đánh đập ngược đãi.
* Bạo hành: nguyên nhân của nhiều vụ ly hôn
|
Trẻ em - đối tượng bị nhiều thiệt thòi trong các vụ bạo hành trong gia đình (ảnh minh họa) |
Nguyên nhân chính khiến chị A, trú tại khu vực 6, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, không thể tiếp tục chung sống với anh T, chồng chị, là do anh T say xỉn tối ngày. Mỗi lần nhậu say, anh đập phá đồ đạc trong nhà và đánh chửi vợ con. Chị A. năm nay 46 tuổi, anh kém chị 4 tuổi. Hai người đã chung sống với nhau gần 20 năm và có ba mặt con. Mâu thuẫn phát sinh từ năm 1998, khu nhà rầm ở khu 2 bị cháy, anh chị chuyển đến ở khu tái định cư mới. Không việc làm ổn định, kinh tế gia đình giảm sút, anh mượn rượu giải sầu, về nhà đập phá đồ đạc, đánh chửi vợ con. Công an và chính quyền địa phương đã nhiều lần can thiệp nhưng anh vẫn tính nào tật ấy. Năm 2000, chị A đã một lần gởi đơn ly hôn nhưng được Tòa án Nhân dân TP Quy Nhơn hòa giải, chị A đã rút đơn xin ly hôn. Nhưng sau đó anh T vẫn không sửa chữa lỗi lầm của mình. Chịu không thấu tính vũ phu của chồng, năm 2003 chị A đã nhất quyết xin ly hôn và được Tòa án chấp thuận.
Còn chị H ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn xin ly hôn với anh N cũng không ngoài lý do để thoát khỏi những trận đòn của người chồng. Trong đơn xin ly hôn chị cho biết: Khi hai vợ chồng chị nảy sinh mâu thuẫn, anh A không ngần ngại đánh vợ nhiều lần. Đang ăn cơm, có điều gì phật ý, vậy là anh "điên tiết" xáng cả chén cơm lên đầu vợ, thậm chí có lần đánh vợ đến gãy cả xương tay, chị H. phải đi bệnh viện băng bó.
Chị M. ở phường Nhơn Bình rùng mình nhớ lại: "Năm 30 tuổi tôi mới lấy chồng vậy mà năm 34 tuổi thì ly hôn. Khi đó, con tôi mới được gần hai tuổi". Cha mẹ chồng chị M. hà khắc, bắt bẻ con dâu đủ điều, còn chồng chị lại hay nghe lời cha mẹ, hở một chút là anh ta đánh chị không nương tay. Có lần chị bị chồng đạp đến vỡ cả quai hàm. Không có tiền đi bệnh viện chữa trị, bây giờ vết thương của chị đã thành tật. "Thương con, tôi cố chịu đựng nhưng cuối cùng cũng không xong, bây giờ một mình nuôi con. Mới đây ảnh đến giành con với tôi, xỉ vả tôi và mẹ tôi thậm tệ" - chị M than thở.
* Nạn nhân trong gia đình
Ông Trương Quốc Dũng, Phó chánh án Tòa án Nhân dân TP Quy Nhơn nhận xét: "Nạn bạo hành trong gia đình phần đông rơi vào những trường hợp người chồng ngoại tình, cờ bạc, rượu chè… Thỉnh thoảng, có những vụ chồng ngược đãi vợ đến mức người vợ phải vào bệnh viện điều trị. Thậm chí, tuy ít nhưng có trường hợp người chồng có học thức đã đánh vợ dã man". Thông thường, hòa giải những vụ ly hôn vì bạo hành rất khó thành công.
Hiện nay nạn bạo hành xảy ra ở không ít các gia đình. Tuy nhiên, hầu hết người vợ đều vì mặc cảm, không muốn làm xấu hổ gia đình, thường cố gắng chịu đựng vì con cái, không biết tự bảo vệ mình và cũng không dám báo cáo với chính quyền địa phương để kịp thời can thiệp. "Mới đây, chúng tôi đã tiến hành khảo sát hai điểm nóng ở hai xã Canh Hiển (Vân Canh) và Nhơn Thành (An Nhơn), hai địa phương được thông báo thường xảy ra nạn bạo hành trong gia đình. Thế nhưng kết quả khảo sát lại không thành công vì chị em ngại, không chịu nói ra sự thật" - một cán bộ ở Hội LHPN tỉnh cho biết.
Vẫn biết rằng thói quen hy sinh và chịu đựng là đức tính cố hữu của mỗi người phụ nữ khi đã làm vợ, làm mẹ, nhưng trong trường hợp này, nếu làm như vậy là đồng lõa với tội ác, khuyến khích thói bạo hành của các đức ông chồng. Cách tốt nhất là nên mạnh dạn bày tỏ với tổ chức phụ nữ, chính quyền địa phương để họ có biện pháp khuyên giải, cảm hóa người chồng. Bạo lực trong gia đình, dù ở dạng nào đi chăng nữa (thể xác hay tinh thần) cũng không được phép tồn tại.
. Hoàng Lan
|