Ghi nhận qua một cuộc hội thảo vì trẻ em
9:44', 18/6/ 2004 (GMT+7)

Trẻ em đang bị xâm hại ra sao? Tình hình tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên hiện nay như thế nào? Làm thế nào để bảo vệ quyền trẻ em?... Những câu hỏi nêu ra đã được đại biểu các ngành, các cấp phân tích và tìm hướng giải quyết qua cuộc hội thảo "ngăn ngừa các vụ vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi trẻ em".

* Ông Nguyễn Đức Trí, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh:

Con thuyền hạnh phúc của bé

Tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên ở Bình Định đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2001, có 31 vụ với 86 bị can vị thành niên phạm tội. Năm 2002 là 21 vụ với 47 bị can. Năm 2003, tăng lên 72 vụ với 127 bị can với các tội giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, vi phạm về điều khiển giao thông đường bộ... Đặc biệt, những vụ việc do tội phạm vị thành niên gây nên có phương thức, thủ đoạn, phương tiện và công cụ phạm tội rất nguy hiểm như trực tiếp dùng vũ lực ngay tức khắc với người có tài sản. Nguyên nhân trẻ em phạm tội trước hết xuất phát từ việc buông lỏng quản lý, giáo dục con cái từ trong gia đình. Nhiều vụ án xảy ra, bị can khai đi từ sáng đến tối, khuya, thậm chí ngủ ngoài đường nhưng gia đình không biết con mình đi đâu, làm gì, đi với ai. Hoặc có biết nhưng bất lực, không kiểm soát được. Cha mẹ lo làm ăn buôn bán, bỏ bê con cái, chỉ khi con cần tiền là đáp ứng. Một số gia đình đông con nên các con không được học hành đến nơi đến chốn, kém hiểu biết pháp luật, khi con cái phạm tội thì cha mẹ lại bỏ mặc cho xã hội... Để ngăn ngừa tội phạm trong lứa tuổi trẻ em, theo tôi gia đình phải là môi trường tốt cho trẻ em. Cha mẹ cần quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn nữa giờ giấc đi lại của các em. Hàng ngày cần kiểm tra bài vở của các em để kịp thời uốn nắn những lệch lạc. Phải xác định rằng, gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giáo dục con cái.

* Ông Mang Đức Dũng, Phó trưởng phòng PC14, Công an tỉnh:

Từ năm 2001 đến nay, tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. Các hành vi xâm hại trẻ em thể hiện ở nhiều hình thức, tính chất và mức độ khác nhau như xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp của các em. Trong đó tội phạm hiếp dâm trẻ em tăng đáng kể, chiếm 78,7% (48/61vụ) trong số các vụ phạm tội xâm hại trẻ em. Về nguyên nhân, dưới góc độ kinh tế, theo tôi do tình trạng thiếu việc làm, sự phân hóa giàu và nghèo ngày càng cao dẫn đến tình trạng trẻ em bị sao nhãng, bị bỏ rơi, lang thang kiếm sống và dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm. Dưới góc độ đạo đức xã hội là sự suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, ảnh hưởng văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, quan hệ gia đình có nhiều rạn nứt... Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, pháp luật nói chung và bảo vệ chăm sóc trẻ em nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhiều gia đình chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với con cái. Công tác quản lý Nhà nước về ANTT, phòng ngừa đấu tranh chống các loại tội phạm còn nhiều bất cập... Để ngăn ngừa, ngoài công tác nghiệp vụ của ngành Công an, tôi cho rằng công tác tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, đạo đức, ý thức công dân trong việc bảo vệ trẻ em, phòng chống các hành vi xâm hại trẻ em.

* Ông Võ Ngọc Quỳnh, đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh:

Hội Cựu chiến binh từ tỉnh đến cơ sở đều đã xây dựng chương trình hành động phối hợp chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Mỗi cấp Hội đều phân công một người có năng lực và trách nhiệm phụ trách công tác này. Đến nay, có trên 90% cơ sở Hội có chương trình phối hợp với các ngành, đoàn thể nắm tình hình, phân loại đối tượng thanh - thiếu niên chậm tiến để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Hàng năm, Hội CCB các cấp đã tổ chức nói chuyện, tuyên truyền gần 1.000 buổi về thời sự, truyền thống cách mạng gắn với việc phổ biến pháp luật của Nhà nước có liên quan đến việc phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội góp phần nâng cao nhận thức chính trị - xã hội, hiểu biết pháp luật trong thế hệ trẻ. Trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết hội viên CCB ở cơ sở đã sống gần gũi, sâu sát, mẫu mực, tìm hiểu và giúp đỡ tận tình con cháu và các cháu thanh - thiếu niên ở cơ sở. Đặc biệt như hội viên CCB Đinh Bon ở xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) tuy tuổi cao sức yếu và thương tật nhưng hàng năm cụ đều tình nguyện nhận giáo dục, cảm hóa từ 5-10 thanh thiếu niên chậm tiến giúp các em tiến bộ.

* Ông Đinh Văn Năm, Phó chủ tịch UBND xã Phước Lộc (Tuy Phước):

Trong năm 2003, toàn xã có 15 đối tượng thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật như trộm cắp, gây rối trật tự công công, cố ý gây thương tích... Địa phương đã giáo dục tiến bộ 6 trường hợp, các trường hợp còn lại đang được tiếp tục giáo dục và có chiều hướng tiến bộ. Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến trẻ em vi phạm pháp luật, một phần do sự buông lỏng giáo dục của gia đình. Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục trực tiếp đến đối tượng, địa phương đã lập hồ sơ đưa 3 đối tượng vào trường giáo dưỡng, nhằm răn đe cho các trường hợp khác. Từ thực tế cách làm của địa phương, chúng tôi rút ra kinh nghiệm, bên cạnh yếu tố gia đình là cực kỳ quan trọng, các chi ủy ở từng thôn phải kết hợp với các đoàn thể một cách đồng bộ để tích cực ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, hướng cho trẻ em tiếp cận môi trường sống lành mạnh. Nhân rộng phong trào "ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", "nói lời hay, làm việc tốt" trong cộng đồng và thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh.

. Ngọc Quỳnh (ghi)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
16 năm làm công tác hòa giải   (17/06/2004)
Bạo hành trong gia đình   (16/06/2004)
Mặt trận với cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"   (16/06/2004)
Đến với "nhà khám phá trẻ" ở Trường Mầm non Quy Nhơn   (15/06/2004)
Hoài Nhơn tang thương sau cơn bão   (15/06/2004)
Nghề trang trí sân vườn  (14/06/2004)
Quy Nhơn, một mùa luyện thi "lặng lẽ"   (14/06/2004)
Bình Định thiệt hại nặng sau cơn bão số 2   (13/06/2004)
Hồ Chí Minh với công tác phát triển khoa học - kỹ thuật   (13/06/2004)
Làng T6 từng bước đổi thay  (13/06/2004)
Vận động trẻ em lang thang về nhà: Kinh nghiệm từ 2 địa phương  (11/06/2004)
Rượu Bầu Đá - "vàng thau" lẫn lộn  (10/06/2004)
Chuyện những người tuần đường  (10/06/2004)
Người "nối mạng" ở làng phong Quy Hòa  (09/06/2004)
Những góp ý của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với 2 ngành Tòa án và Kiểm sát   (09/06/2004)