Vui buồn làm báo thời chống Mỹ và thời bao cấp
15:39', 20/6/ 2004 (GMT+7)

Làm báo thời kháng chiến chống Mỹ phải thường trực đối mặt với gian khổ và ác liệt. "Bám trụ" ở chiến khu dễ chịu hơn nhưng vất vả, thiếu thốn trăm bề. Nói là làm báo nhưng thời gian dành cho chuyên môn chẳng là bao, trái lại, phát nương làm rẫy, gùi cõng lương thực là chuyện quanh năm suốt tháng. Chặt cây, đốt rẫy, chọc lỗ trỉa lúa, trỉa bắp chai cả tay, mờ cả mắt; gùi cõng lương thực, thực phẩm mỗi tháng một vài chuyến, mỗi chuyến năm ba ngày còng cả lưng, rũ cả gối, nhưng đói cơm, lạt muối luôn là bạn đồng hành.

Cơm ăn ngày hai bữa thường là lát sắn cõng hạt gạo mọt. Muối khan hiếm đến nỗi phải dùng nắp hộp cù là để đong khi nấu canh; người nào sở hữu một lọ nhỏ muối hầm là "giàu có". Có những thời điểm địch đánh phá ác liệt vùng giáp ranh, bịt chặt các cửa khẩu, nương rẫy thất bát, không có sắn để độn cơm, mỗi người mỗi ngày chỉ được ăn nửa lon gạo cháo. Húp cháo vào càng thấy bụng đói cồn cào dữ dội hơn! Đói đến mức anh em nhà báo chúng tôi phải lặn lội rừng sâu để tìm củ mài, chặt củ hũ đót hay xục vào các đồi tranh đào bới mót sắn hoang…

"Bám trụ" căn cứ, ít ác liệt nhưng không phải là không có sự hy sinh. Tôi không thể nào quên được những tổn thất đau lòng! Nhà báo Nguyễn Hồ phụ trách trại sản xuất bị sốt rét ác tính, không có thuốc uống và không được đưa đi cấp cứu kịp thời đã từ trần rất đáng tiếc. Nhà báo Đinh Thành Lê, nhà thơ Nguyễn Mỹ hy sinh trên đường gùi cõng gạo ở căn cứ, bị địch bất ngờ đổ quân phục kích bắn chết! Họa sĩ Xuân Phong từ giã cõi đời, vĩnh biệt anh em vì bị dòng nước lũ cuốn trôi!…

"Hạ sơn", "vi hành" đỡ thiếu thốn hơn nhưng lại phải thường trực đối mặt với sự sống còn. Từ căn cứ Quảng - Đà xuống vùng ven Điện Bàn, tôi phải cố gắng chịu đựng gần một tiếng đồng hồ căng thẳng vì mỗi bước chân đi nếu không may dẫm phải mìn jip do địch cài thì sẽ bị cắt cụt chân! Trong những chuyến đi công tác Quảng Ngãi, Bình Định tôi cũng nhiều phen "hú hồn" vì những trận địch thả bom B52 và rải chất độc hóa học.

Công tác tại vùng giải phóng thì luôn luôn phải đề cao cảnh giác về những thủ đoạn đánh phá của địch như dùng máy bay lên thẳng chớp nhoáng đổ quân vây ráp hay dùng bộ binh nửa đêm, gà gáy bất ngờ tập kích lùng xục, suốt ngày xâm xỉa tìm công sự bí mật, truy bắt, sát hại cán bộ và chiến sĩ cách mạng, khủng bố tinh thần nhân dân. Sau chiến thắng Vạn Tường, tôi đến ngay hiện trường để viết phóng sự kể lại trận đánh, suốt ngày căng thẳng với phi pháo địch… Năm 1966, đi công tác Hoài Nhơn, Phù Mỹ, tôi đã thoát chết nhiều phen là nhờ có hầm bí mật và sự bảo vệ thông minh, dũng cảm của nhân dân… Những lần thâm nhập vào thị xã Tam Kỳ, những xã vùng địch kiểm soát, tôi không thể không nơm nớp lo sợ bị địch phục kích hay tập kích bất ngờ…

Niềm vui lớn nhất của tôi trong gần 15 năm làm báo thời kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường khu V là đã có nhiều bài viết phản ảnh chân thật và kịp thời các phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang của các địa phương, đơn vị đăng tải trên báo Cờ Giải phóng khu V và được báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam đăng lại, được đông đảo bạn đọc mến mộ.

Những năm làm báo thời bao cấp trong hòa bình xây dựng, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Trở ngại lớn nhất là chưa có hành lang pháp lý báo chí, mọi sự đúng sai đều do bề trên phán xét; cơ sở vật chất - kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, cộng vào đó là cơ chế xin - cho nghiệt ngã, chế độ tem phiếu phiền hà, việc đi lại rất khó khăn. Thời đó, ra báo trong ngày là ước mơ xa vời! Cố gắng lắm mới xây dựng được nhà in báo nhưng máy móc cũ kỹ, công nghệ cổ lỗ sĩ. Tòa soạn không có được một máy thu hình để theo dõi thời sự. Máy ảnh cho phóng viên thì rất hiếm, lại lỗi thời. Ban biên tập xoay xở xin được một chiếc xe jip cũ nát. Đi công tác lên huyện Tây Sơn, nửa đường bị mưa, quần áo chúng tôi bị ướt. Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh "thương hại" nói đùa "Đề nghị huyện Tây Sơn kiếm cho anh Hoài Nam một tấm tranh để tủ trần xe…". Day dứt cảnh phóng viên phải chen lấn, chầu chực mới mua được vé ô tô đi công tác, chúng tôi thương thảo, để Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cấp cho mỗi phóng viên một thẻ "ưu tiên mua vé ô tô"…

Làm báo thời bao cấp, khó khăn gian khổ có nhiều và sức ép về tâm lý cũng không ít. Nhưng với động cơ trong sáng, không vụ lợi, không uốn cong ngòi bút bóp méo sự thật, bảo đảm tính khách quan, chân thật, dù bị búa rìu dư luận quạt mo, nhà báo vẫn nhận được sự phán xét công minh chính trực của tập thể lãnh đạo và đông đảo dư luận.

Ngày nay, tuy không được diễm phúc làm báo chuyên nghiệp thời đổi mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa rất sôi động và đầy thách thức, nhưng tôi cũng có thể cảm nhận được những nỗ lực vượt bậc, những lo âu, trăn trở và những niềm vui thành đạt của đội ngũ những người làm báo trẻ. Họ luôn chạy đua với thời gian, bảo đảm tính thời sự, tính cập nhật thông tin, không ngừng nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn và sức thuyết phục của tin bài đồng thời luôn đề cao cảnh giác, không chạy theo xu hướng thương mại hóa, làm báo theo kiểu mì ăn liền hay dùng tiểu xảo nghề nghiệp, đưa tin giật gân để câu nhử bạn đọc.

. Hoài Nam

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư tưởng Hồ Chí Minh - kim chỉ nam cho người làm báo Việt Nam  (20/06/2004)
Những khoảnh khắc lịch sử và chuyện của một nhà báo  (18/06/2004)
Ghi nhận qua một cuộc hội thảo vì trẻ em   (18/06/2004)
16 năm làm công tác hòa giải   (17/06/2004)
Bạo hành trong gia đình   (16/06/2004)
Mặt trận với cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"   (16/06/2004)
Đến với "nhà khám phá trẻ" ở Trường Mầm non Quy Nhơn   (15/06/2004)
Hoài Nhơn tang thương sau cơn bão   (15/06/2004)
Nghề trang trí sân vườn  (14/06/2004)
Quy Nhơn, một mùa luyện thi "lặng lẽ"   (14/06/2004)
Bình Định thiệt hại nặng sau cơn bão số 2   (13/06/2004)
Hồ Chí Minh với công tác phát triển khoa học - kỹ thuật   (13/06/2004)
Làng T6 từng bước đổi thay  (13/06/2004)
Vận động trẻ em lang thang về nhà: Kinh nghiệm từ 2 địa phương  (11/06/2004)
Rượu Bầu Đá - "vàng thau" lẫn lộn  (10/06/2004)