. Phóng sự điều tra của Anh Tú - Ngữ Yên
Từ nhiều năm qua, nạn phải chung chi mới an toàn qua truông kiểm định ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bình Định (Trung tâm ĐKBĐ) đã gây nhiều bức xúc trong giới tài xế. Trung tâm ĐKBĐ là đơn vị được Nhà nước giao quyền cấp giấy chứng nhận an toàn cho các loại xe cơ giới lưu thông và lợi dụng cái quyền này, nhiều cán bộ của Trung tâm đã vòi vĩnh, bắt ép... để tư lợi. Dù biết trước hiện trạng ấy nhưng khi vào cuộc chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng trước guồng máy tiêu cực ở đây.
* Một ngày ở Trung tâm đăng kiểm
|
Theo quy định tại khu vực kiểm tra thắng là khu vực "không phận sự miễn vào". Tuy nhiên ở Trung tâm Đăng kiểm 77-01S hầu như ai cũng có thể vào đến tận nơi |
Khó khăn lắm, chúng tôi mới thuyết phục được một chủ ôtô tải cho mượn xe để nhập vai một tài xế đưa xe đi khám lưu hành. 7 giờ sáng ngày 16-6-2004, chúng tôi có mặt tại TTĐKBĐ. Trong bãi đậu xe đã chói chang ánh nắng, hơn 30 ôtô các loại xếp hàng chờ đợi. 7g30, loa phát thanh từ văn phòng của khu vực khám xe vang lên, chiếc ôtô tải đầu tiên được gọi vào, mở màn cho một ngày làm việc.
Anh T. - tài xế xe ở Hoài Nhơn vừa được gọi, nhanh chóng nhảy lên cabin vọt thẳng vào nơi khám đèn, bên phải khu vực đặt các thiết bị khám xe. Cùng lúc, 2 chiếc khác cũng được "lệnh" vào nơi khám thắng và gầm xe. Đây là những chiếc xe đã được đưa lên "bàn mổ" từ ngày hôm trước. 15 phút sau, cả 3 chiếc xe trên đã qua phần khám đầu tiên. T., cho biết: "Lẽ ra hôm qua, xe tôi đã được khám xong nhưng trục trặc cái thắng nên lọt qua ngày hôm nay. Nhưng không sao, mình đã làm xong "thủ tục", chuyện phanh thắng "cò con" ấy đã xong. Giờ có mặt chẳng qua là để chờ dán tem là… vọt thôi". Sau 10 chiếc xe "tồn đọng" của ngày hôm trước qua lượt, chiếc xe của tôi xếp hàng từ rất sớm cũng đến phiên. Chiếc xe được đưa đến đúng vị trí cần khám đầu tiên là phần khám đèn, còi, số sườn, số máy… Một kiểm định viên (KĐV) trẻ tuổi, tay cầm đèn pin, đứng đón sẵn ở đầu xe, hất hàm: "Bật đèn xi nhan trái!", "gạt nước"… Sau 10 phút, hàng loạt bộ phận từ đèn, gạt nước đến còi… cũng đã được viên kiểm định "soi" xong. Kế đến là việc đội đầu xe lên để KĐV dùng tay kiểm tra bi bánh và đầu rô tin bằng cách ôm bánh xe rồi lắc lắc vài ba cái. Kiểm tra qua quýt xong, KĐV lắc đầu nhè nhẹ nói: "Rô-tin hơi… rơ, cho xe… về nhá!". Tôi không hiểu gì cả nhưng ngay sau khi chiếc xe vừa được de ra ngoài khu vực khám, Linh - một thanh niên trạc tuổi tôi ở chợ Gồm (Phù Cát) có xe cùng khám lưu hành, tỏ ra thân thiện mách nhỏ: "Anh trai lần đầu đi khám hả? Tui đã có mấy năm đi khám lưu hành rồi, không có tiền thì làm sao mà lọt. Vầy nghen, phần "đèn đóm" hầu như bao giờ cũng phải chung cho KĐV 50.000 đồng. Sau đó phần gầm cũng phải mất chừng ấy đấy; riêng phần thắng thì nặng đô hơn nhiều: từ 100.000 - 200.000 đồng tùy theo… thắng (!). Nói chung, một xe tải muốn "qua truông" phải chung chi từ 200.000 đến 300.000 đồng".
Thực hiện theo lời "thầy dùi" Linh, đến chiều dù chiếc xe của tôi chẳng cần sửa chữa gì thêm cũng đã qua được các "cửa ải" của hành trình khám xe. Vỏ bao thuốc lá là "vật dụng" quen thuộc dùng để nhét tiền vào, rồi cẩn thận để hờ nơi chân cần số. Bất cứ tài xế, chủ xe nào cũng phải thuộc lòng bài học này, nếu không bằng cách này cách khác sẽ bị cán bộ "dò bài" liên tục. 250.000 đồng là tổng số tiền chúng tôi lót tay cho các KĐV ngày hôm ấy.
* Dịch vụ ăn theo đăng kiểm
Có thể nói, từ khi TTĐKBĐ giữ nhiệm vụ tổ chức, cấp sổ chứng nhận an toàn kỹ thuật đường bộ cho hàng ngàn ô tô lưu hành trong tỉnh thì các cơ sở sửa xe xung quanh khu vực sống tốt nhờ vào những… chiếc xe đến khám lưu hành không đạt yêu cầu. Lốp xe của bạn mòn, heo thắng chảy dầu ư? Thì đây, đã có những gara chuyên trị các bệnh của xe, những cơ sở cho thuê lốp đủ chủng loại. Theo quan sát của chúng tôi, trong phạm vi bán kính chừng 500m của TTĐKBĐ có đến 6 điểm cho thuê lốp xe, 4 gara sửa xe và các dịch vụ khác như sơn biển số... phục vụ cho những chiếc xe cơ giới đi kiểm định.
Khi chúng tôi phàn nàn về lốp xe của mình, anh Hiểu - chủ cơ sở mâm lốp Ba Đỗ trên đường Tây Sơn, chào mời: "Heo thắng chảy dầu, đầu rô tin rơ KĐV còn có thể bỏ qua… vì các chi tiết này người nào trực tiếp khám mới biết, người đứng xung quanh không ai thấy cả. Nhưng lốp mòn thì bàn dân thiên hạ liếc qua ai cũng biết đấy, kiểm định viên nào mà dám… lơ đòn lộ liễu. Lốp đạt tiêu chuẩn còn 70% trở lên giá thuê 30.000 đồng/lốp, cứ thế mà nhân lên. Muốn lốp cỡ nào, bao nhiêu cũng có. Nếu cần, tôi sẽ đến Trung tâm ráp luôn cho chú mày, xong việc thì tháo ra". Nếu số xe bên hông xe bạn tróc sơn hoặc mờ nhạt thì có ngay dịch vụ sơn lại cũng ở cạnh đây. Trong căn tin của TTĐKBĐ, ngoài việc bán thức ăn đồ uống, cà phê thuốc lá cho cánh lái xe giữa trưa còn có cả "dịch vụ" khác liên quan đến "chuyện xe cộ" nữa đấy… Vì thế, bạn cứ yên tâm là tất tần tật những bộ phận bị KĐV từ chối đều có thể khắc phục ngay tại "hiện trường".
Chúng tôi ghi nhận được riêng trong buổi sáng 16-6, hơn mười chiếc xe bị KĐV từ chối "phanh" và bị "đuổi" ra ngoài để sửa chữa. Nhưng không sao. Ngay trong khuôn viên của Trung tâm, luôn có một thợ máy ôtô năng nổ thường trú để khắc phục các sự cố này. "Dù xe ông có bị sự cố thế nào đi nữa, tôi xin bảo đảm sẽ khắc phục được ngay và buổi chiều khoảng 4 giờ sẽ được kiểm định viên… dán tem. Tất nhiên ông phải biết lo "thủ tục", tôi đây "bao" luôn việc ấy" - Anh ta rỉ tai tôi giữa tiếng ồn thiết bị khám thắng đang quay, động cơ điêzen đang nổ và khói xe phun ra cay nồng từ 4 ôtô cùng lúc vào khám. Anh ta tự giới thiệu: "Tôi tên Minh". Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Minh là một thợ máy kiêm cò khám xe. Anh ta là người trực tiếp móc nối với những người đi khám xe lạ mặt, chưa biết gì về "luật khám".
* Muốn xong thì phải qua... cò
Vào trong khu vực khám xe, chúng tôi gặp tài xế kiêm chủ xe 77H - 03… và hỏi về cách chung chi, anh sốt sắng đưa tay chỉ ngay: "Đấy, gặp thằng áo sọc là… xong ngay. Tôi cũng đã "nhờ" đến nó". "Áo sọc" khoảng trên 30 tuổi, người chắc đậm, trong tay luôn cầm cờ lê và một tuốc nơ vít. Chẳng cần giấu giếm, gặp chúng tôi, anh ta tự giới thiệu tên và địa chỉ liên hệ: Thợ sửa ôtô trong bến xe HTX 1-4 Quy Nhơn.
Trong môi trường đầy khói xe và tiếng ồn của động cơ nổ anh ta kéo chúng tôi ra ngoài rồi nói cụ thể: "Xe cũ như của mấy ông nếu muốn khám được và xong trong ngày thì ai ai cũng đều chung chi. Không biết đường đi nước bước thì có thể tốn khá nhiều tiền. Khâu đầu khám đèn chi 50.000 đồng; khám thắng, gầm 250.000 đồng nữa. Vị chi là 300.000 đồng. Có xe tốn nhiều hơn đấy. Thường chỉ có xe con đời mới, xe của các cơ quan mới không có chuyện chung chi hoặc… chi ít! Mà không tốn tiền chung chi, thì cũng khổ thân vì mấy ổng hành cho ra bã. Riêng tôi, ông chỉ cần đưa 250.000 đồng là… ô kê. Nếu KĐV bảo làm lại thắng vì chưa đạt yêu cầu thì tôi sẽ lo việc đó và ông cũng khỏi phải trả tiền công.". Nghe nói đã chung chi đầy đủ lại có trường hợp KĐV "đuổi" xe ra ngoài làm lại thắng? - Tôi hỏi. Minh giải thích: "Đấy là với xe sắp hết đời cứ 3 tháng đi khám một lần, mỗi lần khám thắng tới 3 lần. Xe có năm sản xuất gần hơn thì khám lưu hành 6 tháng một lần và chỉ khám thắng một lần. Bị đuổi ra vì thắng của những chiếc xe đó quá bệ rạc...".
Đang luyên thuyên, Minh chỉ tay về phía chiếc xe ôtô còn khá mới vừa được "lệnh" de ra vì không đạt, dằn mặt: "Ông thấy không, chiếc đó không chịu chung trước nên bị hoạch hoẹ là cái chắc. Hồi sáng sớm biểu thằng cha chủ xe đó lo làm "thủ tục" nhưng thằng chả có vẻ hẻo quá, không chịu chi".
Nói về cái thắng xe, Minh tự tin: "Bố thắng của ông như thế này là không được vì mới quá. Tăng bua dùng lâu sẽ không còn thật tròn trịa nữa, mé trong rộng hơn mé ngoài. Vậy, phải thay bố thắng và chạy trên 1.000 cây số để bố thắng "làm quen" với vòng tròn tăng bua trước khi khám lưu hành thì mới được đấy. Lúc đó, kết quả kiểm định sẽ khả quan hơn. Nhưng không sao, bây giờ mọi việc để tui lo, phải chơi trò "ăn gian" thôi…". Thế là sau khi dùng lưỡi cưa nạo bỏ lớp bố có dấu cọ vào tăng bua, rồi đội bánh sau lên nổ máy gài số cho chạy, đạp phanh nhiều lần. Quả nhiên sau màn "phù phép" của Minh kết quả kiểm tra thắng của các xe đều... đạt cả. Còn nhiều cách ăn gian khác Minh nói cho nghe nhưng chúng tôi không thể kể hết ra đây.
Qua theo dõi, riêng trong buổi sáng, Minh liên tục được các chủ xe gọi đến để sửa chữa, nhất là phần thắng. Ngoài việc sửa chữa, mỗi ngày Minh cũng kiếm được 5-7 mối lo lót cho KĐV để được ăn hoa hồng, mỗi phi vụ khoảng 50.000 đồng. Như vậy, ước tính một ngày anh ta còn kiếm thêm được cỡ 250.000 - 300.000 đồng từ tiền "mai mối" khám xe.
* Và cách "chèo, lái" của KĐV
Trong suốt quá trình chung chi qua các khâu kiểm định thì KĐV kiểm tra thắng xe là người để lại cho tôi nhiều "ấn tượng" nhất. Theo lời của người tài xế tên Linh chỉ lối, chúng tôi đã dùng 2 tờ tiền loại 100.000 đồng cho vào bao thuốc lá rồi để vào cần số sau đó ung dung xuống xe nhường chỗ cho KĐV thắng xe. Một KĐV không đeo bảng tên khá bệ vệ với chiếc điện thoại di động Samsung V200 đeo ngang hông, nhảy phóc lên xe đóng kín cửa xe rồi bắt đầu kiểm tra...
Ở bên dưới xe, chúng tôi chỉ thấy được người KĐV từ ngang ngực trở lên. Hành động đầu tiên của KĐV này là dùng tay gạt cần số, đạp ga... rồi hướng nhìn về bảng điện tử. Sau hàng loạt động tác, phần thắng xe tôi cuối cùng cũng đạt chất lượng. KĐV nhìn tôi gật đầu, mở cửa nhảy xuống xe rồi đi thẳng vào khu nhà bên trong TTKĐBĐ. Ngay sau đó, tôi đã lên xe, và bao thuốc có nhét 200.000 đồng đã không cánh mà bay...
Theo nhiều tài xế xe, trong các khâu đăng kiểm thì để thắng xe "đạt tiêu chuẩn" thông số kỹ thuật là khó nhất. Khác với các khâu khác kiểm tra bằng mắt thường, bộ phận thắng được kiểm tra và in ra từ dàn máy điện tử. Đây cũng là điều để lý giải vì sao khâu kiểm tra thắng, người đi đăng kiểm phải chung chi nhiều hơn so với các khâu khác. Tuy nhiên, máy móc cũng do con người điều khiển. Vì vậy, bằng nhiều mánh khóe nghiệp vụ, KĐV đã "dìu" những chiếc thắng không đạt tiêu chuẩn thành đạt tiêu chuẩn là chuyện thường ngày.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết các KĐV không phải khám thắng chỉ một lần hay hai lần cho một xe. Khi đã nhận tiền lót tay, những KĐV này phải thử thắng rất nhiều lần thông qua thiết bị báo thông số điện tử. Thử thắng bằng nhiều cách, nói cho đúng hơn là bằng mẹo, các kỹ thuật viên có thể "ăn gian" với máy, sao cho trên đồng hồ báo đạt là được. Thông số đạt này sẽ được lưu chính thức. Chúng tôi thấy một chiếc xe khách 15 chỗ ngồi được KĐV cho bánh sau lăn trên trục quay của thiết bị kiểm thắng đã 10 phút, dù KĐV này đã "chịu khó" dìu đi dìu lại chân thắng nhiều lần nhưng vẫn chưa đạt. Anh ta bèn bảo tài xế và phụ xe lên ngồi sát phía sau thùng xe, rồi nhún nhún xe mấy cái. Qua vài lần dìu chân thắng, thông số báo đạt đã hiển thị trên đồng hồ! Thì ra trọng lượng khoảng 100kg của hai người ngồi sau xe đã khiến xe "đằm" hơn và kết quả có được là nhờ có tải (!). Khi thực hiện chiêu này mà vẫn chưa đạt thì KĐV mới buộc phải đuổi xe ra ngoài, bảo tài xế kêu thợ làm lại.
* Lời kết
Với mỗi ngày đăng ký và khám lưu hành cho khoảng 50 chiếc ôtô các loại (ngày 15-6 khám 52 chiếc), TTĐKBĐ đã thu một khoản lệ phí không nhỏ. Xe lam 3 bánh đăng ký 50.000 đồng, xe 15 ghế hoặc tải 2 tấn lệ phí 150.000 đồng, đến tải 20 tấn: 300.000 đồng cho một lần khám lưu hành. Nhưng xem ra khoản lệ phí chính thức này vẫn còn ít hơn các khoản "lệ phí chung chi" mà giới tài xế, chủ xe phải nộp vào túi riêng của các cán bộ đăng kiểm. Nếu bình quân một xe chi 200.000 đồng, nhân cho 50 chiếc một ngày, thì số "tiền đen" là 10 triệu đồng (!)!
Cũng xin nói rõ rằng tình trạng "chung chi" ở TTĐKBĐ không phải là mới có. Anh Trần Hoàng, ở đường Lê Thánh Tôn (Quy Nhơn), bức xúc: "Trước đây tôi đã có 8 năm với nghề chạy xe khách nhưng đã bỏ nghề xe từ 2 năm nay. Trong ngần ấy năm tôi đã trực tiếp 16 lần đi khám lưu hành cho xe, nhưng không lần nào không mất 200.000 đồng cho KĐV... ".
Cả nước đã và đang ra sức tập trung vào các chiến dịch nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Thế nhưng ở một nơi kiểm tra độ an toàn xe để cấp giấy chứng nhận lưu hành như TTĐKBĐ lại quá dễ dàng trong việc kiểm định xe để nhận chung chi như đã nêu thì quả là một nghịch lý khó có thể chấp nhận.
Nghịch lý này còn tồn tại đến bao giờ? Câu trả lời xin dành cho Sở GTVT Bình Định và các cơ quan chức năng.
. A.T-N.Y
Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam vừa có Chỉ thị số 396 yêu cầu các đơn vị đăng kiểm chấn chỉnh, loại trừ tiêu cực trong công tác kiểm định xe cơ giới. Theo chỉ thị này, các trung tâm kiểm định phải phân công một cán bộ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức để kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quy trình kiểm định từ lúc nhận xe đến khi kết thúc kiểm định. Cán bộ này có trách nhiệm lập biên bản các hành vi đưa và nhận hối lộ giữa lái xe và kiểm định viên.
Chỉ thị yêu cầu mỗi trung tâm phải xây dựng chương trình hành động và quy chế chống tiêu cực riêng. Thủ trưởng các đơn vị rà soát lại đội ngũ, trường hợp không đủ tiêu chuẩn phải báo cáo lãnh đạo Cục để điều động công tác khác. Sau khi đã kiện toàn nguồn nhân lực, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới nếu xảy ra tiêu cực.
Kiểm định viên và nhân viên nghiệp vụ khi làm việc phải đeo bảng tên, chức danh; không được để tiền trong túi áo, quần phòng hộ, không được dùng điện thoại di động, không tiếp xúc với "cò" kiểm định... Cá nhân phát hiện, tố giác kịp thời sẽ được khen thưởng kịp thời. Nếu đơn vị có sai phạm tại thời điểm đội kiểm tra chuyên ngành đang làm nhiệm vụ nhưng đội kiểm tra không phát hiện được hoặc không xử lý vi phạm thì đội kiểm tra và cán bộ kiểm soát của đơn vị sẽ chịu trách nhiệm liên đới. |