Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại cộng đồng: Rút ngắn dần khoảng cách
16:29', 23/6/ 2004 (GMT+7)

Bình Định có 2 cơ sở điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL) với 110 giường bệnh nội trú, 30 giường ngoại trú đều rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, những người mắc bệnh TTPL hiện có đến hàng chục ngàn người chưa được chăm sóc đầy đủ, vô hình chung tạo ra những khoảng trống trong quan hệ giữa người bệnh và cộng đồng. Vì thế, dự án "Mục tiêu bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng" được triển khai tại Bình Định đã thật sự rút ngắn dần khoảng cách này, kéo cộng đồng về gần với người bệnh.

* Bệnh tật và người nghèo

Ông Cao Qua với cô con gái bị TTPL

Khi đoàn bác sĩ Bệnh viện tâm thần Bình Định về xã Ân Tường Tây, thuộc huyện Hoài Ân để khám khám, cấp phát thuốc cho những người mắc bệnh tâm thần, từ người nhà cho đến bệnh nhân ở đây đều mừng lắm. Bởi họ "đỡ" được một chặng đường dài vào đến Quy Nhơn. Anh Nguyễn Tấn Tường - Trưởng trạm y tế xã đếm đầu ngón tay rồi xác nhận: "Không kể những người mắc các loại tâm thần khác, chỉ tính riêng 16 bệnh nhân TTPL đều rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Đã thế, việc điều trị cho một người mắc bệnh TTPL thường kéo dài thời gian nên họ thường bỏ dở nửa chừng. Do đó, bệnh không dứt lại còn có cơ nặng hơn". Để chứng thực những điều trên, anh Phương - cán bộ y tế thôn Phú Hữu 1 đã dẫn chúng tôi đến những người bệnh của thôn mình. Đầu tiên là gia đình ông Cao Qua, 67 tuổi với cô con gái Cao Thị Thanh Thuyền (Phú Hữu 1 - Ân Tường Tây) 36 tuổi, mắc bệnh TTPL đã hơn 6 năm. Ngôi nhà trống hoắc, chỉ còn lại mấy cây cột nhà là khả dĩ có thể bán được ra tiền. Oái ăm hơn là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Quyền - 57 tuổi có anh con trai tên Nguyễn Văn Lánh, 28 tuổi cũng mắc cùng một chứng bệnh cách đây 5 năm. Căn nhà nhỏ bằng vách đất, nắng có thể chiếu xuống tận nền, còn mưa thì ướt đến tận giường nằm. Đường cùng ông vẫn phải bán nốt thửa ruộng cuối cùng (nuôi 3 miệng ăn) để lấy tiền chữa bệnh cho con.

* Rút ngắn dần khoảng cách

Trong một thống kê của Bệnh viện tâm thần Bình Định, đến cuối năm 2002 toàn tỉnh ước tính có khoảng 225.000 - 300.000 người bị mắc các loại bệnh tâm thần; trong đó, TTPL chiếm phần đông với 7.000 - 10.000 người, số còn lại là bệnh động kinh và các rối loạn tâm thần có mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Một thực tế, nghịch lý là số người mắc bệnh nhiều nhưng số bệnh nhân TTPL được điều trị nội trú lại rất ít. Toàn tỉnh có 2 cơ sở điều trị là Bệnh viện tâm thần Bình Định và Trung tâm tâm thần Hoài Nhơn chỉ có vỏn vẹn 110 giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải. Do đó, việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân TTPL tại cộng đồng còn là giải pháp tháo gỡ bớt sự căng thẳng này.

Sau một năm Bộ Y tế có chủ trương, đến năm 1999, dự án "Mục tiêu bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng" được triển khai tại tỉnh Bình Định vơi số lượng xã được hưởng lợi từ chương trình tăng dần theo từng năm. Nếu từ khi triển khai đến năm 2003, toàn tỉnh mới có 22 xã, phường được áp dụng thì chỉ trong vòng năm 2004 con số này đã đẩy lên đến 18 xã, phường/năm.

Bác sĩ Phan Văn Huân - Trưởng khoa chỉ đạo tuyến của Bệnh viện tâm thần Bình Định, cho biết: "Việc triển khai dự án đã đem đến cho bệnh nhân rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, giảm được mức chi phí cho việc điều trị, đi lại của bệnh nhân và người nhà. Nếu trước đây, mỗi bệnh nhân phải mất 150-200 ngàn đồng cho tiền thuốc men và đi lại thì nay thuốc được cấp, phát miễn phí ngay tại nhà. Thứ hai, cán bộ y tế có điều kiện thăm khám, phát hiện và điều trị sớm cho những người có dấu hiệu mắc bệnh. Không những thế, cán bộ chuyên trách tuyến cơ sở cũng có điều kiện được nâng cao trình độ chăm sóc và điều trị bệnh nhân TTPL tại cồng đồng". Anh Lê Phước Tiền (Tân Thịnh-Ân Tường Tây), mắc bệnh TTPL đang trong giai đoạn hồi phục, vui vẻ: "Như các năm trước, mỗi lần hết thuốc hay lại có triệu chứng đau đầu trở lại, gia đình tôi phải bắt xe lặn lội xuống Quy Nhơn để hỏi bác sĩ. Nhưng nay thì khỏe rồi, mọi việc đều có các anh y tế thôn lo".

Với dự án, mọi cán bộ y tế cơ sở từ tuyến xã trở xuống đều được tham gia nâng cao trình độ thông qua việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn được tổ chức tại từng xã, phường từ điều tra lập danh sách hồ sơ bệnh án cho từng bệnh nhân, quản lý cấp phát thuốc cho bệnh nhân thông qua người nhà đến việc tư vấn nâng cao sự hiểu biết của người dân về căn bệnh. Bên cạnh cán bộ y tế, khi người bệnh được chính những người thân trong gia đình chăm sóc, được họ hàng anh em, hàng xóm láng giềng thông cảm quan tâm thì sự phục hồi chức năng tư duy và khả năng lao động của họ có cơ tiến triển nhanh chóng và hiệu quả.

* Để phát huy hiệu quả dự án

Đến năm 2004, dự án được triển khai đến 40 xã, phường. Tuy nhiên, trên thực tế, số bệnh nhân TTPL được quản lý tại cộng đồng chỉ gói gọn trong một con số khá khiêm tốn 3.024 người (chiếm tỷ lệ 1,34%) với 1.376 bệnh nhân TTPL, 1.309 bệnh nhân động kinh và 339 bệnh nhân bệnh tâm thần khác. Trong đó, chỉ có 445/1.376 bệnh nhân TTPL được dự án hỗ trợ, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn 32,34%.

Theo các nhà chuyên môn, sở dĩ có tình trạng như trên vì nhận thức của nhân dân cũng như cán bộ các cấp ngành về bệnh tâm thần nói chung và TTPL nói riêng chưa được đầy đủ. Số đông người bệnh và thân nhân của họ vẫn còn mang mặc cảm nên giấu bệnh, cố né tránh sự thật, không đưa đi khám và điều trị sớm. Nan giải hơn, trong quá trình lập hồ sơ bệnh án, các bác sĩ phát hiện ra rằng: hiện còn có 30% bệnh nhân tâm thần khi đưa đến khám, điều trị tại Bệnh viện đều đã qua chạy chữa bằng mê tín dị đoan, cúng bái, uống bùa, làm phép ở chùa…

Do đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội cần phải quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó chú trọng nhiều hơn đến đối tượng bệnh TTPL. Muốn thế, cần phải khắc phục những hạn chế trong đội ngũ chuyên trách y tế tuyến xã. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhìn nhận đúng bệnh tâm thần theo hướng "đừng gạt bỏ" mà "hãy dám chăm sóc".

. Lê Thu Hiền

 

Theo một kết quả khảo sát mới đây của Công an Bình Định, tại 9 huyện, thành phố trong tỉnh hiện còn hơn 600 đối tượng bị bệnh tâm thần đang sống trong các gia đình và một số sống lang thang. Trong đó có hàng trăm đối tượng bị bệnh tâm thần nặng và thường gây ra các vụ phạm pháp hình sự. Hiện Công an Bình Định đang phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tìm giải pháp đưa số đối tượng này vào cơ sở chữa bệnh hoặc nuôi dưỡng tập trung nhằm tránh những hậu quả xấu do số đối tượng này gây ra. (Xuân Nguyên)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại   (23/06/2004)
Thêm 3.000 căn nhà mới cho hộ nghèo   (22/06/2004)
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay   (22/06/2004)
Báo chí Việt Nam và cái thuở ban đầu…  (21/06/2004)
Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam   (21/06/2004)
Vui buồn làm báo thời chống Mỹ và thời bao cấp  (20/06/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - kim chỉ nam cho người làm báo Việt Nam  (21/06/2004)
Những khoảnh khắc lịch sử và chuyện của một nhà báo  (18/06/2004)
Ghi nhận qua một cuộc hội thảo vì trẻ em   (18/06/2004)
16 năm làm công tác hòa giải   (17/06/2004)
Bạo hành trong gia đình   (16/06/2004)
Mặt trận với cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"   (16/06/2004)
Đến với "nhà khám phá trẻ" ở Trường Mầm non Quy Nhơn   (15/06/2004)
Hoài Nhơn tang thương sau cơn bão   (15/06/2004)
Nghề trang trí sân vườn  (14/06/2004)