Quy Nhơn xây dựng đời sống văn hóa
10:40', 25/6/ 2004 (GMT+7)

Sau ba năm triển khai, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở TP Quy Nhơn đã có bước phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để phong trào đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao....

* Từ xây dựng gia đình văn hóa

Một khu phố văn hóa ở Quy Nhơn

Công tác xây dựng gia đình văn hóa trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phong trào xây dựng khu phố, thôn văn hóa ngày càng được chú trọng. Tỷ lệ hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa năm sau tăng hơn năm trước. Năm 2000 toàn thành phố có 71,1% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thì đến năm 2002 tỷ lệ này là 86,5% và năn 2003 là 87%. Từ năm 2000 đến 2003, đã có 86 hộ gia đình trên địa bàn thành phố đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.

Công tác xây dựng nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn thành phố nhìn chung trong những năm qua đã thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn còn phô trương về hình thức, lãng phí. Các lễ hội truyền thống dân gian được khôi phục và tổ chức hàng năm, được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Ngày hội văn hóa - thể thao miền biển được duy trì 2 năm một lần, lễ hội cầu ngư và lễ hội húy kỵ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được tổ chức hằng năm. Thành phố đã thành lập được 4 câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống và một đoàn trò chơi dân gian. Các CLB này thường xuyên hoạt động trên địa bàn thành phố và các huyện bạn trung bình mỗi năm 150 buổi. Nhiều CLB khác như CLB Dưỡng sinh, CLB Hưu Trí, CLB gia đình văn hóa… bước đầu đã thu hút khá đông thành viên tham gia.

* Đến xây dựng khu dân cư văn hóa

Trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Ban Vận động các khu phố, thôn đã tập trung soạn thảo Quy ước văn hóa. Nội dung của Quy ước chứa đựng các mục tiêu, chỉ tiêu của các phong trào, các cuộc vận động, trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, địa phương và tình hình thực tế ở mỗi khu dân cư. Đến nay, toàn thành phố đã có 142/142 khu phố, thôn có quy ước văn hóa được UBND thành phố phê duyệt và tổ chức lễ đăng ký.

Thông qua phong trào này bộ mặt khu phố, thôn có nhiều đổi mới; các thiết chế văn hóa như nơi sinh hoạt, hội họp của nhân dân, các loại hình CLB, tủ sách, tổ đội văn nghệ, sân bãi thể dục - thể thao từng bước được hình thành và đi vào hoạt động này càng nhiều. Phong trào bê tông hóa hẻm được nhân dân hoan nghênh, hưởng ứng đã tạo nên bộ mặt văn minh cho mỗi khu phố. Hầu hết các địa phương xây dựng khu phố, thôn văn hóa đã xóa được hộ đói, giảm hộ nghèo, thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa. Cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp; tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; phong trào khuyến học, khuyến tài nâng cao dân trí được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Chất lượng cuộc sống do đó được cải thiện. Tại khu phố IV phường Ngô Mây, một trong những khu phố văn hóa cấp tỉnh, đập vào mắt chúng tôi là những con đường bê tông chạy từ đường lớn đến hẻm nhỏ. Ngã ba Diên Hồng - Vũ Bão thay vào cảnh rác rưởi trước kia, nay đã là con đường sạch đẹp, rợp bóng cây xanh

Nét nổi bật qua thực hiện Quy ước văn hóa tại cộng đồng dân cư là nhiều khu dân cư đã thành lập tổ tự quản, tích cực hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; giúp đỡ giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi chậm tiến; cộng đồng dân cư khu vực đô thị gắn kết hơn, khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng… Chẳng hạn, tại phường Lê Lợi, nơi có 2 khu phố văn hóa cấp tỉnh, thông qua mô hình tổ tự quản, quy ước khu dân cư được đưa ra người dân bàn bạc và xây dựng; những công việc nội bộ của khu dân cư được dân xem xét quyết định như việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội. Ngay việc bình xét gia đình văn hóa cũng do những hộ dân trong tổ bình xét và thống nhất với nhau. Sự đồng thuận ở đây là điều dễ hiểu.

Qua chấm điểm bình xét, năm 2003, có 122/142 khu dân cư, thôn tiên tiến, đạt tỷ lệ 85,91%. Toàn thành phố đã có 7 khu phố được cấp tỉnh cấp bằng công nhận khu phố văn hóa, cấp thành phố công nhận 15 khu phố văn hóa.

* Vẫn còn nặng về hình thức

Tuy nhiên, cuộc vận động còn những hạn chế. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc vận động vẫn còn nặng về hình thức, mà chưa thực sự đi vào chiều sâu. Chất lượng nội dung tuyên truyền, các hoạt động vẫn còn đơn điệu, phương pháp thiếu linh hoạt. Ý thức của mỗi người dân trong việc thực hiện Quy ước văn hóa chưa cao.

Từ nay đến năm 2005, Quy Nhơn phấn đấu sẽ có từ 1 đến 2 phường đăng ký xây dựng phường, xã văn hóa; 100% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa gắn với việc thực hiện các tiêu chí sức khỏe và phong trào ba không về an toàn giao thông; 60% khu phố, thôn được các cấp công nhận danh hiệu khu phố, thôn văn hóa… Tuy nhiên, chỉ khi nào những hạn chế trên được khắc phục thì phong trào xây dựng ở đời sống văn hóa ở Quy Nhơn mới đi vào thực chất.

. Khải Nhân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà trọ ơi, mở ra!  (24/06/2004)
Xăng dầu tăng giá, nỗi lo của nhiều người   (24/06/2004)
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại cộng đồng: Rút ngắn dần khoảng cách  (23/06/2004)
Bình Định đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại   (23/06/2004)
Thêm 3.000 căn nhà mới cho hộ nghèo   (22/06/2004)
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay   (22/06/2004)
Báo chí Việt Nam và cái thuở ban đầu…  (21/06/2004)
Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam   (21/06/2004)
Vui buồn làm báo thời chống Mỹ và thời bao cấp  (20/06/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - kim chỉ nam cho người làm báo Việt Nam  (21/06/2004)
Những khoảnh khắc lịch sử và chuyện của một nhà báo  (18/06/2004)
Ghi nhận qua một cuộc hội thảo vì trẻ em   (18/06/2004)
16 năm làm công tác hòa giải   (17/06/2004)
Bạo hành trong gia đình   (16/06/2004)
Mặt trận với cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"   (16/06/2004)