Đọc Ngục trung nhật ký, càng sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập, tự do
15:19', 27/6/ 2004 (GMT+7)

Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) gồm hơn một trăm bài thơ chữ Hán, Bác Hồ viết trong thời gian bị nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943) tại 30 nhà tù ở Quảng Tây. Tập thơ nói lên tư tưởng, tình cảm và ý chí gang thép của người chiến sĩ cộng sản.

Nhà văn Hoài Thanh ca ngợi Ngục trung nhật kýTiếng hát tự do: "Nhật ký trong tù là tiếng nói vút lên từ chỗ tối tăm, mù mịt mà lại là tiếng nói chứa chan tính nhân đạo nên tự nhiên cũng là tiếng nói bóc trần, tiếng nói kết tội những bóng tối dày đặc đang đè nặng lên mạng sống con người ta". Nhà thơ Hoàng Trung Thông có lời bình: "Toàn bộ tập thơ đó (Nhật ký trong tù) là một bản tuyên ngôn về tự do viết với tấm lòng thương yêu, với tinh thần cương quyết, với khí phách anh hùng của một người cộng sản vĩ đại". Giáo sư Lê Trí Viễn nhận xét: "Thơ Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng… Có thể coi nó như một cây đàn bầu. Vẻn vẹn một dây đồng, nhưng là cả một thế giới âm thanh"…

Sau những năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân, tháng 2-1941, Bác Hồ bí mật trở về Tổ quốc, ở vùng Pắc Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta. Tháng 8-1942, trên đường đi công tác ở Trung Quốc, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Dù trải qua hết nhà tù này đến nhà tù khác, nhưng Người vẫn nung nấu tinh thần giải phóng dân tộc: "Thân thể tại ngục trung, Tinh thần tại ngục ngoại. Dục thành đại sự nghiệp, Tinh thần cánh yếu đại" (Thân thể ở trong lao, Tinh thần ở ngoài lao. Muốn nên sự nghiệp lớn, Tinh thần càng phải cao). Bác luôn tự nhủ mình phải giữ vững chí khí cách mạng: "Vật chất tuy đau khổ. Không nao núng tinh thần", "Gian nan rèn luyện mới thành công".

Bác luôn tâm niệm rằng sống trên đời, tự do là vô giá, không có gì quý hơn. Bị tước quyền tự do, tự chủ, không gì khổ nhục cho bằng: "Trên đời ngàn vạn điều cay đắng, Cay đắng chi bằng mất tự do; Mỗi việc, mỗi lời không tự chủ, Để cho người dắt tựa trâu, bò". Bác kịch liệt phản đối hành động dã man bắt em bé 6 tháng tuổi phải vào nhà lao: "Oa…oa…oa… Cha trốn không đi lính nước nhà, Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi, Phải theo mẹ đến ở nhà pha". Bác phê phán mạnh mẽ cách đối xử phi nhân tính, chà đạp lên quyền con người: "Ta thì người dắt, lợn người khiêng, Con người coi rẻ hơn con lợn, Người có còn đâu được chủ quyền?", "Nó thì kéo tẩu tha hồ hút, Anh hút, còng đây, xỏ tay vào!".

Hơn một năm bị giam cầm, tù túng, chịu bao nỗi khổ nhục, phiền hà, nhưng Bác vẫn luôn lạc quan, tin tưởng "Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai". Kẻ thù có thể xiềng xích thân thể chứ chúng không thể nào giam cầm được tư tưởng tự do của Bác: "Dẫu trói chân tay đến ngặt nghèo, Khắp rừng hương ngát với chim kêu; Tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được? Cô quạnh đường xa, vợi ít nhiều". Trong ngục tù tối tăm, mờ mịt, Bác không bao giờ hững hờ trước cảnh trăng lên đẹp tuyệt trần: "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng dòm khe cửa ngắm nhà thơ". Bị giải đi vào buổi sớm, được tự do ngắm cảnh đất trời, Bác thấy vô cùng thi vị: "Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng, Bóng tối dần tan quét sạch không. Hơi ấm bao la trùm vũ trụ, Người đi thi hứng lại thêm nồng!". Cuộc sống trong tù vô cùng cực khổ, những lúc ốm đau càng đau khổ hơn, nhưng Bác vẫn bền tâm, vững chí: "Trong tù mắc bệnh càng đau khổ, Đáng khóc nhưng ta vẫn hát tràn!".

Hoài bão lớn lao và quyết tâm giải phóng dân tộc chưa trở thành hiện thực, bị cầm tù, ngày tháng cứ trôi đi vô vị, Bác thấy vô cùng xốn xang, trăn trở: "Trời xanh cố ý hãm anh hùng, Cùm xích tiêu ma tám tháng ròng. Tấc bóng nghìn vàng đau xót thực! Bao giờ thoát khỏi chốn lao lung?". "Ở tù năm trọn, thân vô tội, Hòa lệ thành thơ tả nỗi này!", "Thân tù đâu thiết thu sang chửa, Chỉ nghĩ hôm nao mở cửa tù". Có lúc Bác hỏi trời cao: "Tự do tiên khách trên trời, Biết chăng trong ngục có người khách tiên?" đang khao khát và muốn được tự do như các vị tiên trên trời. Những đêm "Không ngủ vì lo nỗi nước nhà", Bác luôn mơ tưởng đến ngày cách mạng thành công: "Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt, Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh". Tháng 9-1943, vừa ra tù là Bác leo lên đỉnh núi Tây Phong trông về cố quốc, về trời Nam thân thương và tươi đẹp đang còn chìm đắm trong đêm đen nô lệ: "Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh, Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa!"…

Lòng yêu nước thiết tha, hoài bão giải phóng dân tộc cháy bỏng, tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập thơ Ngục trung nhật ký của Bác Hồ.

. Hoài Nam

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dự án xây dựng 7 tuyến cống thoát nước ở nội thị Quy Nhơn: Thi công dây dưa, dân lãnh đủ   (25/06/2004)
Quy Nhơn xây dựng đời sống văn hóa  (25/06/2004)
Nhà trọ ơi, mở ra!  (24/06/2004)
Xăng dầu tăng giá, nỗi lo của nhiều người   (24/06/2004)
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại cộng đồng: Rút ngắn dần khoảng cách  (23/06/2004)
Bình Định đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại   (23/06/2004)
Thêm 3.000 căn nhà mới cho hộ nghèo   (22/06/2004)
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay   (22/06/2004)
Báo chí Việt Nam và cái thuở ban đầu…  (21/06/2004)
Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam   (21/06/2004)
Vui buồn làm báo thời chống Mỹ và thời bao cấp  (20/06/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - kim chỉ nam cho người làm báo Việt Nam  (21/06/2004)
Những khoảnh khắc lịch sử và chuyện của một nhà báo  (18/06/2004)
Ghi nhận qua một cuộc hội thảo vì trẻ em   (18/06/2004)
16 năm làm công tác hòa giải   (17/06/2004)