Số nhà sách ở Quy Nhơn mọc lên ngày càng nhiều. Số đầu sách tăng, lượng sách được tiêu thụ mạnh hơn. Có thể nói, thị trường sách Quy Nhơn đang chuyển động với xu hướng tích cực.
* Chuyển động thị trường sách
|
Quản lý xuất nhập và tính tiền sách với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại ở NS Thanh Niên |
Thị trường sách Quy Nhơn gần đây phong phú hẳn. Số nhà sách mọc lên ngày càng nhiều. Bên cạnh Đại Chúng, 199 Lê Hồng Phong; nay đã có thêm Thanh Niên, Quy Nhơn… Giải thích về lý do quyết định mở nhà sách ở Quy Nhơn, ông Hoàng Trung Hiếu, Giám đốc Nhà sách Quy Nhơn (thuộc Công ty Văn hóa - Du lịch Gia Lai), cho biết: "Quy Nhơn có trình độ dân trí cao, lại có Đại học Quy Nhơn với hàng chục ngàn sinh viên nên là một thị trường tiềm năng. Trong khi đó, lại chưa có một nhà sách tự chọn nào có quy mô. Do vậy, từ tháng 12-2003, Công ty Văn hóa - Du lịch Gia Lai quyết định đầu tư Nhà sách Quy Nhơn ở Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Qua 6 tháng hoạt động, chúng tôi đánh giá Nhà sách đã mang lại hiệu quả kinh doanh tốt, cũng như góp phần đáp ứng nhu cầu của độc giả".
Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà sách, thị trường sách Quy Nhơn đã có sự chuyển động đáng kể. Lượng sách tiêu thụ mạnh, số đầu sách tăng. Chẳng hạn, chỉ riêng tại Nhà sách Quy Nhơn đã có khoảng 35.000 đến 40.000 tựa sách với khoảng gần 500.000 bản sách. Độc giả Quy Nhơn không còn cảnh phải chờ đến vài tháng trời sau khi phát hành mới mua được sách như trước đây. Nhiều cuốn sách chỉ tuần trước phát hành tuần sau đã xuất hiện trên giá sách của các nhà sách. Tại Nhà sách 199 Lê Hồng Phong, độc giả cũng có thể đặt hàng trực tiếp với nhà sách để mua những cuốn sách mình cần và thậm chí mua có thể đặt mua sách qua mạng Internet.
Mảng đề tài của sách trên thị trường hiện cũng phong phú hơn trước. Sách về lối sống, nghệ thuật ứng xử, giới tính, tình cảm, sức khỏe, làm đẹp, dạy nấu ăn, cắm hoa, sách nghệ thuật, kinh tế, luật, tin học… có đủ. Cách khai thác cũng khá đa dạng: từ hỏi đáp phổ biến kiến thức, đến hướng dẫn, tuyển chọn, tủ sách tổng hợp, sổ tay… Một mảng sách từ trước đến nay vốn khá ít ỏi ở Quy Nhơn là sách của các Nhà xuất bản phía Bắc, nay đã bắt đầu xuất hiện, tất nhiên với số lượng và tỷ lệ chưa nhiều. Nhiều nhà sách hiện đã có kế hoạch đầu tư dài hơi hơn, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc. Ông Hoàng Trung Hiếu tiết lộ: "Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư tiếp một số mảng sách như sách tham khảo phục vụ cho sinh viên đại học, sách ngoại ngữ và mảng sách văn học của các nhà xuất bản phía Bắc... để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc Quy Nhơn".
* Nhưng người đọc vẫn phải đắn đo
Thị trường sách đã phong phú hơn, lượng sách tiêu thụ mạnh hơn, tuy nhiên, không có nghĩa là mọi người đọc đều có thể tiếp cận được với sách. Những cuốn sách dày dặn, phong phú, những bìa sách được thiết kế đẹp, bắt mắt, những tên sách hấp dẫn, vậy nhưng, đa phần người đọc cầm chúng lên, sau một hồi đắn đo, băn khoăn, đã vội đặt xuống. Bạn Tiến Dũng, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn, than thở: "Bây giờ, ra hiệu sách mà thấy một cuốn sách, biết là rất cần cho việc học, cho nghề nghiệp tương lai của mình, cũng không có tiền đâu mà mua. Một quyển sách, ít thì được cả tuần cơm sinh viên, nhiều bằng cả tháng tiền nhà gửi lên". Không chỉ các bạn học sinh, sinh viên, ngay cả những cán bộ công chức nhà nước cũng rất đắn đo khi mua sách. Những bộ sách lớn hiện đều tính bằng tiền trăm.
Giá một cuốn sách được ấn định căn cứ vào các yếu tố: nhuận bút, phí phát hành, giấy, công in, bìa, đọc duyệt và khai thác. Một trong những nguyên nhân khiến giá sách tăng là do chi phí phát hành quá lớn. Hiện nay, chiết khấu cho phát hành thường chiếm từ 30% đến 50% giá sách trong khi nhuận bút tác giả chỉ có từ 5% đến 10%. Số bản in trung bình lại thấp, chỉ khoảng từ 500 đến 1.000 bản/đầu sách, do vậy, nếu để giá sách thấp, cả nhà xuất bản lẫn tác giả sẽ không có lãi.
Một băn khoăn khác của người đọc là chất lượng sách. Bên cạnh những cuốn sách thực sự có giá trị, không ít cuốn sách chỉ như những món thập cẩm được xào nấu lại vô tội vạ. Có tựa sách 4, 5 nhà xuất bản cùng ra. Đặc biệt, mảng sách văn học, có nhiều cuốn sách na ná nhau, cuốn nào cũng mang tên truyện ngắn chọn lọc một cách tùy tiện. Cả nước hiện có khoảng 47 nhà xuất bản, nhưng trên thực tế, không chỉ từng ấy nhà xuất bản tham gia quá trình xuất bản. Hiện nay, tư nhân (mà người ta thường gọi là "đầu nậu") không chỉ tham gia vào khâu in ấn, phát hành, mà họ còn tham gia vào việc tìm tác giả, tổ chức bản thảo, cho đến trình bày, in ấn, phát hành. Các nhà xuất bản, do đó, chỉ còn như một nơi nhượng giấy phép của Cục Xuất bản. Không thể phủ nhận đầu nậu do sâu sát hơn với nhu cầu thực của nhiều loại người đọc nên linh hoạt, năng động hơn các nhà xuất bản trong làm sách, buôn bán sách. Và chính đầu nậu đã góp một phần quan trọng làm cho thị trường sách phong phú hơn. Tuy nhiên, do việc phải xuất bản chui, mua giấy phép của các nhà xuất bản để xuất bản dưới danh nghĩa Nhà nước và không chịu một trách nhiệm nào nên một số đầu nậu do chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng tung ra những sản phẩm hàng chợ, kém chất lượng. Đây cũng đang là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của những sản phẩm kém chất lượng trên thị trường sách hiện nay.
Thị trường sách Quy Nhơn đang dần trở nên sôi động, đã bắt đầu có dấu hiệu cạnh tranh giữa các nhà sách và người đọc càng có thêm những cơ hội để lựa chọn. Tuy nhiên, nếu những bất cập về giá sách và chất lượng sách sớm được khắc phục bằng sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô của Nhà nước thì thị trường sách sẽ phát triển ngày càng ổn định hơn.
. Lê Viết Thọ
|